Thứ Sáu, 20/07/2012 11:04

CPI tháng 7 giảm, do đâu?

Đến tháng 6/2012, CPI so với cuối năm ngoái tăng trên 2,5% nhưng lạm phát cơ bản đã loại trừ lương thực, thực phẩm tăng tới gần 3,8%, còn nếu loại trừ cả năng lượng thì xấp xỉ 3,5%. Như vậy, tác động kiềm chế lạm phát từ tiền tệ không phải là quá “ép hạ”.

Sức cầu vẫn rất yếu

Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2012 với mức giảm lần lượt khoảng 0,3% và 0,8%. Nếu theo cách “bấm độn” mà ngành thống kê vẫn hay dùng, đó là lấy trung bình cộng mức lạm phát của hai đầu tàu kinh tế để ước đoán cả nước, khả năng là CPI tháng này sẽ còn giảm sâu hơn tháng trước. “Có cơ sở để cho rằng sức ép tăng giá trong nước đang rất thấp”, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga khẳng định.

Về lý thuyết, mặt bằng giá được hình thành khi cung cầu thiết lập sự cân bằng tương đối. Áp vào diễn biến giảm của CPI trong thời gian gần đây cho thấy, lực cầu giảm đang áp đặt sức ảnh hưởng lớn đến giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. “Khoảng hai thập kỷ này mới thấy tổng cầu xuống thấp như vậy. Sự trì trệ của nhiều thị trường khiến cho kinh doanh khó khăn và dịch vụ ăn theo ảm đạm...”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Tác động về phía chính sách tiền tệ, nếu nhìn vào mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 tại thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, mức tăng 5,57% với cuối năm trước thậm chí còn cao hơn cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng khá ảm đạm do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu; trong khi huy động vốn tăng khá. Mặt tích cực là cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhưng ở mặt trái phản ánh những khó khăn hiện nay của sản xuất – kinh doanh khiến nhu cầu vốn thấp.

“Trong khi 70-80% thu nhập của người dân dành cho chi tiêu hàng tiêu dùng, nhưng thực tế là doanh thu siêu thị giảm tới 15-20%, giá trị rổ hàng cũng giảm”, góc nhìn này của Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng được cơ quan thống kê làm rõ. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh trong một báo cáo phát hành hôm 16/7 cho hay, trong 7 tháng qua, nhìn chung sức mua tại thành phố này có tốc độ tăng giảm dần. Nguyên do tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cho rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm. Tiết kiệm trở thành lựa chọn hàng đầu của đa số người dân.

Chính điều này đã tác động tiêu cực đến sản xuất và phân phối. Cơ quan thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, đã khiến doanh nghiệp bán lẻ phải nỗ lực để tồn tại và phát triển”. Các báo cáo gây “sốc” về tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động được phát đi trong thời gian gần đây cũng khẳng định, phần lớn có sự “góp mặt” của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại, phân phối.

Lạm phát giảm không do tiền tệ

“Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng khoảng 0,42% mỗi tháng, gần tương ứng năm 2009 là năm có tốc độ tăng giá thấp và cả năm tăng khoảng 6,52%”, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng lưu ý điều này. Rõ ràng, việc lạm phát giảm mạnh từ trên 18% vào cuối năm ngoái về mức khoảng 6 - 8% trong năm nay, về mặt nào đó đã tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, nguyên nhân nào thì cần xem xét kỹ.

“Lạm phát cơ bản đang cao hơn lạm phát chung”, ông Thắng cho biết. Trong góc nhìn của cơ quan thống kê, kể từ quý II/2012, lạm phát cơ bản (hay còn được gọi là lạm phát tiền tệ) tính theo tháng đều cao hơn so với lạm phát chung được công bố chính thức. Đến tháng 6/2012, CPI so với cuối năm ngoái tăng trên 2,5% nhưng lạm phát cơ bản đã loại trừ lương thực, thực phẩm tăng tới gần 3,8%, còn nếu loại trừ cả năng lượng thì xấp xỉ 3,5%. Như vậy, tác động kiềm chế lạm phát từ tiền tệ không phải là quá “ép hạ”. Thông thường, lạm phát chung vẫn cao hơn lạm phát cơ bản khoảng 1-4 điểm phần trăm thì diễn biến giá tiêu dùng hiện nay chưa đến mức thấp kỷ lục như thế.

“Khác với đầu năm, xu hướng giá giảm hiện nay gắn nhiều hơn với diễn biến giá thế giới đang trên đà đi xuống”, ông Phong lưu ý. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An có chung quan điểm này và bổ sung thêm: “Tôi đi công tác Lào Cai thấy hầu hết người dân bỏ chuồng trại do Trung Quốc không tiêu thụ nữa”.

Bản báo cáo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết một thực trạng buồn về mức độ giảm giá của nhóm hàng thực phẩm. Theo cơ quan này, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 43.300 - 45.500 đồng/kg, tức đã giảm khoảng 15-20% so với hồi đầu năm; giá gà thịt khoảng 25.000 đồng/kg và giảm tương ứng khoảng 30-40%. Tại miền Nam, giá cả nhóm hàng này cũng xuống rất mạnh.

Nhìn sang tốc độ giảm giá của gạo, xăng dầu, gas… trong thời gian gần đây, có thể khẳng định tác động từ xu hướng giảm giá thế giới vào trong nước là khá rõ ràng. Biểu hiện trên các báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng liên tục cho CPI giảm nhiều tháng nay, cũng là nguyên nhân chính kéo CPI chung giảm hai tháng gần đây.

Từ đó cho thấy, để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, cần có các giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn từ phía chính sách tài khóa, đầu tư công.

“Tác động từ việc tăng giá điện đến CPI tháng 7 không lớn, nhưng kể cả nếu giá cả thiết yếu cuối năm nhích lên, chỉ số giá tiêu dùng vẫn có khả năng đạt một con số, theo tôi khoảng 7 - 8%”

Ông Nguyễn Lộc An - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương)

 Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Lại ồ ạt đầu tư công (20/07/2012)

>   Tháng 7, CPI tại Hà Nội tiếp tục giảm mạnh (19/07/2012)

>   Tăng giải ngân đầu tư công - giải pháp gia tăng tổng cầu (19/07/2012)

>   TPHCM đề xuất cơ chế đột phá về tài chính (18/07/2012)

>   Báo Hàn Quốc: "Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn tồi tệ nhất" (17/07/2012)

>   Đã công bố 13 đạo luật mới (16/07/2012)

>   DN Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam (16/07/2012)

>   Đã thấy dấu hiệu hồi phục (15/07/2012)

>   Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân (15/07/2012)

>   Tái cơ cấu một cách đồng bộ (14/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật