Thứ Năm, 19/07/2012 06:51

Tăng giải ngân đầu tư công - giải pháp gia tăng tổng cầu

Đề cập vấn đề tăng tổng cầu thời gian tới, PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nói: “Một trong những giải pháp là tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách”.

* Năm nay, nếu thực hiện đúng kế hoạch, kể cả việc giải ngân gần 120 ngàn tỷ đồng, chưa kể tín dụng tăng 15 - 17% như tính toán, thì tổng đầu tư toàn xã hội cũng không vượt quá 33 - 34%. Tăng giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách, ông nhìn nền kinh tế dưới góc độ nào khi đưa ra nhận định như vậy?

- Sáu tháng đầu năm, đã có một số dấu hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô, nhưng cũng xuất hiện một số khó khăn của nền kinh tế: Tăng trưởng giảm so với cùng kỳ, sản xuất đình đốn, chỉ số giá tiêu dùng thấp, nợ xấu cao... Vì vậy, những tháng cuối năm, thanh khoản của nền kinh tế là một trong những vấn đề chúng ta phải giải quyết, mà trong đó, tín dụng chỉ là một yếu tố.

Ở đây, Chính phủ phải tính đến các giải pháp gia tăng trên tổng cầu. Bởi nếu tổng cầu không tăng được thì tính thanh khoản của nền kinh tế vẫn kém như thời gian vừa qua. Khi tổng cầu có dấu hiệu hồi phục, nguồn tín dụng theo đó mới có thể ra được và chỉ khi tổng cầu tăng lên mới giải quyết được những ách tắc trong thời gian qua.

Trong bối cảnh hiện nay, một giải pháp về tín dụng để làm gia tăng tổng cầu trong thời gian trước mắt là khó khăn, bởi các DN đang trong tình trạng khó khăn, nợ xấu tăng cao và các ngân hàng phải xem xét điều kiện để cho vay vốn.

Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tăng tổng cầu và một trong số đó là tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách. Thậm chí, Chính phủ có thể tính đến việc cho ứng trước vốn một số công trình của năm 2013, nếu xét thấy có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm.

* Kinh tế sau 6 tháng đầu năm đã xuất hiện những lo ngại về lạm phát năm tới. Theo ông, chúng ta nên tập trung hơn cho đầu tư công hay chi tiêu công?

- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dựa vào 4 nguồn lực chủ yếu: Chi tiêu công, xuất khẩu ròng, đầu tư của khu vực DN nhà nước, khu vực tư nhân và tiêu dùng cá nhân. Thực tế, đầu tư công trong những năm qua cho thấy nguồn vốn này không thể tạo ra được sự tăng trưởng cho nền kinh tế.

Vì vậy, kế hoạch chi tiêu công và đầu tư công những tháng cuối năm không vượt qua kế hoạch đã được cân đối vĩ mô từ trước, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô, gia tăng lạm phát.

* Thực tế, đã có nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, dàn trải, gây thất thoát, kế hoạch sẽ không đạt, nếu vẫn dùng cách giải ngân trước đây?

- Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu DN nhà nước, một trong những “điểm huyệt” của tái cơ cấu nền kinh tế, để nâng cao hiệu quả vốn nhà nước và chất lượng đầu tư công. Chỉ thị 1792 của Chính phủ cho thấy, Chính phủ sẽ phân bổ vốn theo mục tiêu trung hạn, nghĩa là từ 3 đến 5 năm.

Cách làm bây giờ là tập trung khác với trước đây, phân bổ vốn trên cơ sở cân đối vốn hàng năm. Có nghĩa là bây giờ người ta đã biết tổng dự án xây dựng được phân bổ nguồn vốn từ Chính phủ là bao nhiêu.

Với số vốn ít ỏi, phải tập trung đầu tư dứt điểm vào những công trình có tính chất lan tỏa, hiệu quả cao. Nếu điều này được thực hiện, tôi nghĩ, tính chủ động của các dự án sẽ cao hơn và hiệu quả mang lại cũng lớn hơn so với trước đây.

* Trong 6 tháng đầu năm, các dự án đầu tư công gần như chưa thực hiện. Chúng ta có thực hiện được tiến độ không, khi mức giải ngân một tháng tương đối lớn?

- Các dự án đã khởi động và triển khai từ trước. Bây giờ, nếu Chính phủ công bố quyết định giải ngân, tôi tin rằng, 6 tháng còn lại các dự án sẽ hấp thu được vốn giải ngân. Năm 2011, tổng vốn giải ngân đạt khoảng 184 - 200 ngàn tỷ đồng.

TRÌNH TIÊU thực hiện

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   TPHCM đề xuất cơ chế đột phá về tài chính (18/07/2012)

>   Báo Hàn Quốc: "Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn tồi tệ nhất" (17/07/2012)

>   Đã công bố 13 đạo luật mới (16/07/2012)

>   DN Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam (16/07/2012)

>   Đã thấy dấu hiệu hồi phục (15/07/2012)

>   Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân (15/07/2012)

>   Tái cơ cấu một cách đồng bộ (14/07/2012)

>   Quản trị sự thay đổi (14/07/2012)

>   200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!” (13/07/2012)

>   TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất (11/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật