Báo Hàn Quốc: "Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn tồi tệ nhất"
Bài phân tích và bình luận vừa được đăng trên tờ The Korea Herald (Hàn Quốc) khẳng định, chính sách kinh tế mới của Việt Nam đang mang lại những bước phục hồi mạnh mẽ trong khi kinh tế thế giới vẫn chìm trong u tối.
Với những chính sách tiền tệ và tài chính, nền kinh tế của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, sự tăng trưởng kinh tế của toàn châu Á còn khá chậm và khu vực kinh tế châu Âu và châu Mỹ lại đang xấu đi từng ngày.
Nền kinh tế Việt Nam dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất và bước vào giai đoạn phát triển tích cực. GDP đã tăng 4% trong quý đầu của năm 2012 và trong quý hai là 4,66%. Điều đó có nghĩa là trong 6 tháng đầu nay tổng mức tăng trưởng của Việt Nam là 4,38%.
Trong khi đó, lạm phát đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua chỉ với 3%. Lạm phát đã bắt đầu giảm từ tháng 7/2011 và tiếp tục giảm trong suốt 6 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng thêm 2.52% vào tháng 6.
Hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s đã nâng vị trí của Việt Nam từ mức tăng trưởng bấp bênh lên mức tăng trưởng bền vững. Điều đó cho thấy, chính phủ Việt Nam đã thực hiện thành công các biện phát thắt chặt nền tài chính nước nhà.
Giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam buộc phải cắt giảm mạnh lãi suất và chấp nhận tăng trưởng chậm hơn để kiềm chế lạm phát cũng như thúc đẩy kinh tế nội địa.
Tỷ giá tiền Đồng của Việt Nam sụt giảm khá mạnh, mức lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và công nghiệp luôn duy trì ở mức từ 12 – 13%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất hàng năm áp dụng cho các lĩnh vực kinh doanh khác là từ 14 – 17.5%.
Tỷ giá trao đổi ngoại tệ về cơ bản là ổn định. Hệ thống thanh khoản ngoại tệ đang ngày được cải thiện. Nguồn cung cấp ngoại tệ dồi dào nhờ tăng cường hoạt động xuất khẩu. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư lớn cùng nguồn dự trữ nước ngoài ngày càng được cải thiện.
Chỉ số Phát triển kinh doanh đã bắt đầu lộ diện những dấu hiệu tích cực. Số doanh nghiệp phá sản giảm 10% trong tháng 5, lượng hàng tồn kho giảm từ 34,9% vào tháng 3 xuống còn 32,1% vào tháng 4 và còn 29,4% vào tháng 5.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam đã đạt hơn 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy những triển vọng kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa”.
Các nhà kinh tế nhận định hoàn toàn có cơ sở để tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, thay vì dậm chân tại chỗ như năm 2011. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra hàng loạt quyết định nhận được sự ủng hộ của các nhà kinh tế.
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm trong vòng 3 năm qua, song Việt Nam vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho việc kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Theo ông Thủ tướng, mục tiêu của chính sách trên vẫn sẽ duy trì từ năm 2012 và cho tới những năm tiếp theo. Đây cũng chính là nền tảng cho việc duy trì sự tăng trưởng và phát triển ổn định.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang theo đuổi chính sách tiền tệ điều tiết hiệu quả, linh động và chủ động đi cùng với sự cân bằng kinh tế vĩ mô và ổn định tỷ giá trao đổi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra rằng cần phải kiểm soát các khoản nợ xấu; khẩn trương tái thiết các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn và nợ nần; điều tiết lãi suất; và nhanh chóng đưa dòng vốn tới cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đãng tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất bao gồm tăng tín dụng; giải ngân tất cả các nguồn vốn cấp phát; và ưu tiên tín dụng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất xuất khẩu và hỗ trợ các ngành công nghiệp.
Sự yếu kém và thiếu minh bạch trong khâu quản lý của các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam phải kể đến 2 sự việc tại Vinashin – công ty đóng tàu lớn nhất Việt Nam và công ty đóng tàu Vinalines – 2 “trụ cột” trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh cho rằng những vi phạm tại Vinashin và Vinalines cần phải được xử lý nghiêm khắc và không nên để những tác động xấu đó làm ảnh hưởng tới nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp nhà nước khác.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2010, chỉ có 20% các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ hoặc bị phá sản, còn 80% các doanh nghiệp khác vẫn kinh doanh có lãi.
Vấn đề cốt lõi với Việt Nam trong việc giảm bớt “gánh nặng của SOE” là tăng cường những chế tài buộc các doanh nghiệp công bố thông tin trước dư luận và thực hiện kiểm toán hàng năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ cũng đang phối hợp với các bộ ban ngành khác để làm rõ về quyền và nghĩa vụ với các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước như trong quyết định 132/2005/ND-CP và đệ trình lên chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 7.
Vai trò của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc tạo ra những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực đã được các chuyên gia quốc tế thừa nhận.
Chất lượng quản lý kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đã có những bước cải tiến mạnh mẽ nhờ Nghị quyết 11 trong đó nhấn mạnh vào việc siết chặt tín dụng và giảm thâm hụt ngân sách. Trong đó, Nghị quyết 11 đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thi hành từ năm 2011 cho tới nay.
Nền kinh tế Việt Nam đang dần ổn định. Đặc biệt phải kể đến niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và đầu tư nước ngoài, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Ông Dũng đang đi theo mô hình của ông Lý Quang Diệu – người tạo ra cuộc cách mạng hiện đại hóa cho Singapore và hy vọng sự thành công và phát triển cũng sẽ tới Việt Nam.
Minh Thu
infonet
|