Bảo lãnh ngân hàng: Cần thiết phải siết chặt
Bảo lãnh ngân hàng là việc làm thường xuyên trong hoạt động tài chính, ngân hàng. Thế nhưng, trong thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra tình trạng một số giám đốc chi nhánh, tổng giám đốc ngân hàng mượn danh để ký khống các chứng thư bảo lãnh đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp tham gia bảo lãnh.
Bảo lãnh ảo
Theo chứng thư bảo lãnh số 12.01.2012/BL-HDB013 của Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) do ông Lê Quý Hiển, Giám đốc CN Thăng Long ký ngày 12-1-2012 thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại hợp đồng mua bán số 1201/HĐMB/2012/AD-AA giữa Công ty CP viễn thông An Đô (bên nhận bảo lãnh) với Công ty TNHH vật liệu mới Á Âu (bên được bảo lãnh). Tổng số tiền của bảo lãnh tối đa là 10,69 tỷ đồng. Theo chứng thư bảo lãnh này, HDBank đồng ý phát hành bảo lãnh và khẳng định thay mặt cho bên được bảo lãnh chịu trách nhiệm trước bên nhận bảo lãnh trong phạm vi số tiền bảo lãnh. HDBank cam kết sẽ thanh toán số tiền trong phạm vi bảo lãnh nói trên cho Bên nhận bảo lãnh ngay sau khi nhận văn bản đầu tiên thông báo bên được bảo lãnh không hoàn thành đúng nghĩa vụ thanh toán theo quy định của hợp đồng đã ký nêu trên. Bảo lãnh có giá trị 140 ngày, kể từ khi hai bên (mua – bán) ký biên bản giao nhận hàng hoá.
Hoàn toàn yên tâm với bảo lãnh của HDBank, Công ty An Đô đã giao cho Công ty Á Âu 660 tấn thép cuộn cán nóng SS400B, số tiền tương đương với bảo lãnh của ngân hàng. Thế nhưng đến hạn thanh toán thì Công ty Á Âu đã không thanh toán tiền và ngay cả HDBank cũng không thực hiện theo chứng thư đã bảo lãnh.
Tương tự, trước đó ngày 12-12-2011 HDBank đã ban hành chứng thư bảo lãnh số 12.12.11B/BL-HDB013 cùng do ông Lê Quý Hiển ký bảo lãnh cho Công ty CP đầu tư xây dựng Nhật Nam (bên được bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Hợp đồng mua bán số 0112.2011/HĐMB/CNTĐ-NH được ký giữa công ty này với CN Công ty TNHH Thép Thành Đô (bên nhận bảo lãnh), giá trị bảo lãnh tối đa là 15,39 tỷ đồng. Bảo lãnh có giá trị 115 ngày, kể từ khi hai bên (mua – bán) ký biên bản giao nhận hàng hoá. Theo đó, Công ty Thành Đô đã giao đủ số hàng theo hợp đồng đã được ký kết nhưng Công ty Nhật Nam đã không thực hiện đúng theo cam kết. Đến hạn bảo lãnh, Công ty Thành Đô đến làm việc nhiều lần với Hội sở HDBank thì mới tá hoả khi biết được khoản bảo lãnh này không được hạch toán trong hệ thống sổ sách của HDBank.
Thực tế, trong thời gian gần đây tình trạng doanh nghiệp nhận phải những chứng thư bảo lãnh ảo kiểu này đang diễn ra phổ biến tại các hệ thống ngân hàng trên cả nước. Trong đó, có hàng loạt các ngân hàng có thương hiệu lớn như Agribank, HSBC, Tienphongbank… Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bắt tạm giam giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà - ông Đỗ Đức Hưng về hành vi "lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán, cũng dấy lên mối lo về thể thức thanh toán được coi là tiến bộ này.
Lỗ hổng từ ngân hàng
Trước nguy cơ doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng do những chứng thư bảo lãnh ảo này, ngày 10-7-2012 HDBank chính thức có phản hồi trước thư bảo lãnh của Công ty An Đô và Công ty Thành Đô với một số cơ quan báo chí. Theo HDBank, thư bảo lãnh nêu trên (nếu có) đã thực hiện không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, quy trình nội bộ của HDBank và vượt thẩm quyền được giao. Doanh nghiệp được phát hành bảo lãnh (bên được bảo lãnh) không có hồ sơ đề nghị HDBank cấp bảo lãnh, không có hợp đồng cấp bảo lãnh ký kết với HDBank và cũng không có phát sinh bất kỳ khoản thu phí bảo lãnh hay dịch vụ nào cho HDBank. Bên nhận bảo lãnh cũng không thực hiện việc kiểm tra tính xác thực của Thư bảo lãnh theo như qui định của NHNN nhưng đã thực hiện giao dịch. Như vậy, thư bảo lãnh trên có dấu hiệu là thư khống, không có giá trị. HDBank cũng khuyến cáo: Việc lưu hành các Thư bảo lãnh "ngoài luồng” đang rất phổ biến trong hệ thống ngân hàng và NHNN đã có công văn khuyến cáo tình trạng này. Các doanh nghiệp khi nhận được các chứng thư bảo lãnh cần kịp thời kiểm tra tính xác thực tại Hội sở chính của các NHTM để hạn chế rủi ro.
Nói về vấn đề này, TS Lê Thẩm Dương, giảng viên trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Vấn đề này lỗi trước hết thuộc về ngân hàng bởi không chỉ cá nhân một người có thể làm ra được chứng thư bảo lãnh mà nó còn cả một hệ thống quản trị chồng chéo của ngân hàng. Ngay cả chữ ký của giám đốc mà không có con dấu của ngân hàng thì chắc chắn chứng thư bảo lãnh sẽ là không hợp lệ”. Phân tích về những kiểu chứng thư bảo lãnh ảo, TS Dương cho biết: Trong quản trị của hệ thống ngân hàng thì điều trước tiên là quy trình hoạt động và sau đó mới đến con người hoạt động trong hệ thống. Việc xuất hiện nhiều chứng thư bảo lãnh ảo là do quy trình của ngân hàng đó có một khâu nào đó bị hở.
Thực tế, sau khi nhận thấy những dấu hiệu mờ ám trong thư bảo lãnh của HDBank, Công ty Thành Đô đã liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo HDBank và trực tiếp đến làm việc thì đến ngày 3-5-2012 HDBank mới có công văn gửi đến CN HDBank Thăng Long yêu cầu giải trình báo cáo đầy đủ và chính xác vấn đề liên quan. Theo đại diện của Công ty Thành Đô thì đến nay HDBank vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp. Vị đại diện của Công ty Thành Đô cho rằng: "Việc trả lời của HDBank với các cơ quan báo chí như vậy đã phủ nhận trách nhiệm của mình. Bởi đối với doanh nghiệp thì không thể nào vào được ngân hàng để giám sát việc lập thủ tục để thực hiện quy trình để ra một chứng thư bảo lãnh. Điều quan trọng là doanh nghiệp cho người đến trực tiếp CN HDBank Thăng Long nhận từ nhân viên tại phòng giao dịch nên việc cho rằng không có hồ sơ trong hệ thống là vô lý”.
Với nguy cơ chứng thư bảo lãnh "ngoài luồng” tràn lan như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải có những chính sách siết chặt ngay từ hệ thống ngân hàng.
Hà Linh – Thanh Hà
đại đoàn kết
|