“Không trông mong Quỹ Tiết kiệm nhà ở”(!?)
Sau tâm lý háo hức, nhiều người thu nhập thấp đã không khỏi thở dài khi cho rằng, hầu như cơ hội chưa mở ra đối với họ nếu thực hiện theo các điều kiện đưa ra trong Đề án về mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng vừa trình.
Thu nhập thấp – vẫn không mơ có nhà
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, quỹ sẽ cho các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân tham gia quỹ vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở khi có đủ 3 điều kiện sau: đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở; đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, với mức đóng được chia đều hàng tháng; thuộc diện được mua, thuê mua các loại nhà ở xã hội.
Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ (mức vay cụ thể sẽ do quỹ tại từng địa phương tính toán căn cứ vào nguồn vốn, giá nhà tại địa phương...). Việc cho vay được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước.
Sau khi đọc những điều kiện này, chị Lê Minh Huyền Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không giấu nổi băn khoăn. Trừ các đối tượng chính sách, thì một trong những điều kiện để được thuê, mua nhà ở xã hội là đối tượng thu nhập thấp. Chị Huyền tính, giả sử thu nhập hiện nay của vợ chồng chị là 15 triệu, trừ chi phí nuôi 2 con và thuê nhà 3 triệu/tháng, cả hai tích lũy được 5 triệu/tháng.
“Nếu gửi hết vào quỹ, mỗi năm em tiết kiệm được 60 triệu, 5 năm là 300 triệu. Nếu được vay thêm 600 triệu nữa, tổng cộng em có 900 triệu. Như thế, chi phí mua nhà của em sẽ là 900 triệu, không biết 5 năm nữa em có thể mua được nhà không. Đó là chưa kể tổng chi phí phải cộng thêm tiền thuê nhà trong 5 năm khoảng gần 200 triệu đồng nữa” – chị Huyền tính – “Mà trên thực tế, người có thu nhập thấp không thể có thu nhập tới mức 15 triệu đồng, còn chưa kể không ai dám gửi toàn bộ tiền tích lũy của mình vào quỹ cả”.
Một nhân viên môi giới công ty bất động sản (BĐS) trên đường Lý Thường Kiệt tính toán, giá một căn hộ giá thấp hiện nay cũng dao động mức khoảng 500 triệu đồng trở lên.
“Ở mức này, trong vòng 5 năm, người tham gia phải đóng hơn 160 triệu đồng, tính ra mỗi tháng phải đóng hơn 2,5 triệu đồng vào Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Với mặt bằng giá cả hiện nay, để có tiền đóng quỹ mà vẫn đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu, người mua phải có thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng” – anh này nói. Thực tế, Quỹ Tiết kiệm nhà ở đang hướng đến người có thu nhập thấp, mà nhóm đối tượng này thì đang phải vận lộn với chi phí sốn ngày càng tăng, khả năng có tích lũy để gửi Quỹ là rất khó khăn.
Không có giải pháp đồng bộ, Quỹ chẳng giải quyết được gì
Nhiều chuyên gia lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn, quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và thu nhập bình quân đầu người quá thấp… thì nếu chỉ trông mong vào sự tự nguyện đóng góp của người lao động, đề án khó khả thi. Ngoài ra, đề án cũng chưa thực sự rõ ràng, chi tiết để thấy được tính hiệu quả, lợi ích cho người tham gia, vì vậy, nếu xét trên các bài toán như đã tính ở trên, nhiều người thu nhập thấp không tha thiết tham gia Quỹ.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn Quỹ từ tiền dự án, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở… cũng khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi và yêu cầu về độ minh bạch trong điều hành Quỹ.
“Nếu không có các chính sách đồng bộ như quy hoạch phù hợp, ưu đãi tài chính hợp lý, định giá chính xác… để kích cầu và tạo niềm tin, thì sự vận hành của riêng Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì đáng kể” – ông Nguyễn Lê Minh, chuyên gia BĐS độc lập, nhận định – “Nhà nước vừa phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp song song, vừa kiểm soát vận hành Quỹ minh bạch, hiệu quả, đảm bảo công bằng”.
Theo một điều tra mới đây, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400.000 tỷ đồng.
Bách Linh
pháp luật việt nam
|