Nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất
Hàng loạt doanh nghiệp đang nợ tiền sử dụng đất khiến người mua bất động sản ở các dự án này có thể bị “treo” quyền lợi trong nhiều năm.
Giữa tháng 3-2012, Cục Thuế TPHCM đã phát công văn cảnh báo về tình hình có khá nhiều doanh nghiệp (DN) đã được UBND TP ban hành quyết định giao, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Nhiều đơn vị chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính
Trong công văn Cục Thuế TP đưa ra có 159 đơn vị và không có số liệu cụ thể về tổng số tiền mà các đơn vị này phải nộp. Tuy nhiên, theo tài liệu một vài DN mà chúng tôi nắm được, con số này phải lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử như một DN ở quận 6, số tiền sử dụng đất phải đóng khi chuyển đổi công năng khu đất sang chức năng xây dựng trung tâm thương mại và căn hộ để ở đã lên đến gần 300 tỉ đồng...
Trước cảnh báo của cơ quan thuế, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành rà soát lại tất cả hồ sơ, xác định có 60 tổ chức đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong số đó có nhiều trường hợp giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất, được miễn tiền sử dụng đất như xây dựng trường học, nhà lưu trú cho công nhân, nhà tái định cư... Tuy vậy, vẫn còn đến 98 đơn vị chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính, gồm: 83 đơn vị được giao đất, 13 đơn vị thuê đất, một đơn vị cơ quan thuế cung cấp không rõ thông tin và một đơn vị khác đã rút hồ sơ.
Theo một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường, một số đơn vị khi được mời đến trao đổi về việc trên đã có ý kiến là các thủ tục hành chính liên quan đến việc tính, nộp nghĩa vụ tài chính còn rườm rà, phức tạp, phải đi lại nhiều lần vẫn chưa hoàn tất thủ tục nộp thuế.
Đặc biệt, việc xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường hiện nay bị nhiều đơn vị than phiền là quá cao, bất hợp lý dẫn đến họ không có khả năng nộp. Không những thế, hiện vẫn chưa có quy định thời gian cụ thể cho việc thực hiện xác định giá đất theo thị trường (thời gian từ khi thuê tư vấn thẩm định giá đến lúc có thông báo nghĩa vụ tài chính để nộp thuế mất nhiều tháng) nên có trường hợp đơn vị khi thực hiện thấy khó khăn sẽ làm chậm hoặc không thực hiện...
Thực tế, trong những cuộc họp gần đây của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhiều DN đã kêu về cách tính tiền sử dụng đất quá cao khiến DN không thể nộp.
Bài học từ Phú Mỹ Hưng
Trong khi nhiều DN còn đang chờ các cơ quan chức năng xem lại cách tính tiền sử dụng đất thì một số DN lại “nhắm mắt” bán bừa sản phẩm. Không chỉ vậy, một số dự án nền đất thời kỳ trước cũng đang trong tình trạng khá mập mờ về các khoản nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan Nhà nước.
Anh Ngọc H., một khách hàng, cho biết dù rất thích đất nền tại một dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè nhưng anh vẫn không dám mua mặc dù giá đất ở đây tương đối rẻ hơn những dự án lân cận vì sợ rủi ro.
Anh H. giải thích: Trong hợp đồng với chủ đầu tư, khách hàng đã đóng khoản tiền sử dụng đất, thế nhưng, nhiều chủ đầu tư sau khi thu khoản này đã không nộp tiền về cho cơ quan Nhà nước, thế là nền đất dù hợp pháp nhưng lại không hợp lệ.
Hệ quả là loại nền đất này không được phép xây dựng và muốn bán cũng khó. Đơn cử như trường hợp khá nhiều hộ dân ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 hiện đang phải đóng thêm khoản tiền sử dụng đất từ vài trăm triệu đồng lên đến hàng tỉ đồng khi làm giấy chủ quyền…
Một cán bộ nhà đất cho rằng cơ quan thuế chỉ giải quyết với DN về tổng thể dự án chứ không xử lý cho từng khách hàng, do vậy khách hàng sở hữu loại bất động sản này có thể bị “treo” quyền lợi trong nhiều năm, thậm chí có thể cũng không biết xử lý như thế nào.
Nếu không kiểm tra chặt chẽ các DN chưa đóng tiền sử dụng đất thì có thể để lại hậu quả khó lường. Bởi để họ bán sản phẩm ra thị trường chắc chắn sẽ gây ra những tranh chấp, kiện tụng về sau đối với các khách hàng mua sản phẩm dạng này.
Tường Nguyên
người lao động
|