Thị trường gas dân dụng: “Cơ hội còn rất mở…”
Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng được đánh giá là công phu, trúng và đúng với ngành nghề kinh doanh từng gây ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, vị Giám đốc PV Gas miền Bắc cho rằng, công tác thanh – kiểm tra cần được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa, nhằm sàng lọc cho ra những doanh nghiệp còn cố tình làm ăn phi pháp, gian dối…
Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Hữu, Giám đốc Công ty Gas miền Bắc, đơn vị thành viên của PV Gas.
PV: Bình luận về thị trường gas dân dụng, gần đây nhiều cơ quan thông tấn báo chí không ngại sử dụng những từ ngữ mạnh như “điên loạn, lộn xộn, bát nháo…”. Ông nghĩ sao trước hiện tượng trên?
GĐ Trần Trọng Hữu: Đúng là có nhiều thời điểm giá gas tăng vọt, gây hoang mang cho người tiêu dùng thật. Tuy nhiên, cũng không đến mức điên loạn, bát nháo như ai đó ví von. Cá nhân tôi cho rằng, công tác quản lý, điều hành thị trường đang gặp phải những vướng mắc khách quan, mà tạm thời các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh gas chưa đủ lực và quy mô để giải quyết.
PV: Như vậy là nhiều người đã hiểu không đúng bản chất của thị trường phải không, thưa ông?
GĐ Trần Trọng Hữu: Nói đi nói lại thì cũng bởi giá gas lên xuống thất thường mà ra cả, thậm chí là tăng nhiều hơn giảm. Khi quyền lợi số đông người dân bị đụng chạm, việc họ phản ứng âu cũng là điều bình thường. Là người điều hành một đơn vị kinh doanh gas, tôi cũng thấy ái ngại khi thị trường luôn… “dở chứng” như vậy. Doanh nghiệp mình làm ăn nghiêm túc, nhưng nhiều đồng nghiệp không như vậy, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Xin được nhắc lại là thời điểm trước khi Nghị định 107-CP chưa có hiệu lực trước tháng 9/2010, thị trường gas rối tung như một mớ bòng bong. Đến nay, khi đang dần đi vào ổn định thì các cơ quan chức năng lại phải đối phó với những hình thức vi phạm mới, tinh vi hơn và với quy mô lớn hơn. Gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, chiếm đoạt tài sản, sang chiết nạp lậu… nên ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có uy tín. Và điều cuối cùng chính là những vụ cháy, nổ gây ra hậu quả khôn lường, mà ai cũng biết.
PV: Trong 6 tháng đầu năm nay, giá gas đã tăng giảm nhiều đợt, nhưng giá cả vẫn tăng tới 17% so với thời điểm cuối năm 2011. Ông có bình luận gì xung quanh đợt tăng giá bất thường này?
GĐ Trần Trọng Hữu: Giá kinh doanh gas tại Việt Nam được định hướng áp dụng cơ chế thị trường thế giới, trong khi giá gas thế giới thường cố định trong một tháng bởi vào ngày cuối tháng hay ngày đầu tháng trên thế giới lại có một giá gas mới được Arập Xêút công bố.
Đúng là giá gas lên xuống khá nhanh trong vòng hơn nửa năm trở lại đây. Nhưng tôi xin được nói lại để mọi người hiểu rằng: giá gas luôn minh bạch. Có đến 50% nguồn cung cho thị trường Việt Nam là từ nhập khẩu, 50% còn lại từ Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nôm na thì một nửa thị trường trong nước vẫn còn phụ thuộc vào biến động giá gas thế giới. Từ mức giá trên, các doanh nghiệp trong nước cộng thêm các khoản thuế, chi phí vận chuyển, chi phí quản lý, chênh lệch tỉ giá và khấu hao kho, trạm, vỏ bình, hoa hồng… để từ đó hình thành giá bán mới. Bản thân biểu giá mới cũng khác nhau, bởi đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, vận chuyển… cũng rất khác nhau. Kinh doanh gas các doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, bởi thế, nếu ai đó nói rằng các doanh nghiệp kinh doanh gas đang thao túng thị trường nội địa thì oan quá!
Một nguyên nhân nữa là tình hình chính trị bất ổn của các khu vực cung ứng truyền thống. Vì vậy, khi nguồn cung thu hẹp thì cầu bị ảnh hưởng âu cũng dễ hiểu. Nhiều người dân luôn thắc mắc, liệu việc các doanh nghiệp được tự chủ việc niêm yết giá gas bán lẻ có phải là kẽ hở để một số doanh nghiệp thao túng thị trường không? Nhưng sự thật là giá gas chịu áp lực cạnh tranh rất lớn về giá giữa các doanh nghiệp không như giá xăng dầu và người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn mỗi khi sử dụng bình gas, do vậy các doanh nghiệp đầu mối cũng không thể tùy tiện tăng giá. Nghị định 107-CP cho phép doanh nghiệp tự quyết giá bán gas lẻ, nhưng ở chiều ngược lại, nếu muốn tăng giá bán thì doanh nghiệp phải giải thích lý do tăng và phải gửi thông báo giá bán mới đến cơ quan quản lý Nhà nước trước thời điểm ấn định giá mới.
PV: Như vậy, nếu phải mô tả ngắn gọn về thị trường gas dân dụng hiện tại, ông sẽ nói gì?
GĐ Trần Trọng Hữu: Bát nháo, điên loạn… thì chưa đến mức nhưng quả thật thị trường gas dân dụng hiện tại khá lộn xộn, kể cả miền Nam hay Bắc. Mọi việc cũng vì sức cạnh tranh lớn quá và cũng vì chưa bao giờ việc thành lập một doanh nghiệp gas lại đơn giản và dễ dàng như hiện tại. Chính phủ đã định hướng cơ chế thị trường cho thị trường khí hóa lỏng dân dụng. Tôi nhớ không nhầm thì toàn quốc cũng phải có tới trên dưới 100 thương hiệu được gọi là có tên tuổi. Còn các doanh nghiệp mới, nhỏ lẻ thì xuất hiện hàng tháng, hàng quý không thể đếm hết được.
Về công tác thanh, kiểm tra chưa thể tiến hành thường xuyên, cá nhân tôi thấy rằng, lực lượng của các cơ quan quản lý còn mỏng, trong khi địa bàn quá rộng, phức tạp. Nếu các cơ quan chuyên ngành (thuế, quản lý thị trường, công an, chính quyền…) cùng với Hiệp hội Gas, các doanh nghiệp kinh doanh gas phối hợp với nhau chặt chẽ, thường xuyên hơn mới có thể giảm thiểu được tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, chiếm đoạt thương hiệu thông qua việc chiếm đoạt bình gas…
PV: Ông nghĩ sao về kết luận tình trạng gas bị pha thêm chất dung môi dễ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng?
GĐ Trần Trọng Hữu: Hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu chất dimethyl ether (DME) làm nhiên liệu pha trộn cùng với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) để sử dụng, tuy nhiên vẫn chưa có công bố nào về việc sử dụng hỗn hợp LPG và DME. Hiện nay ở Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn cho phép sử dụng DME làm nhiên liệu và các doanh nghiệp kinh doanh LPG thuộc Petrovietnam đang cung cấp LPG cho thị trường đảm bảo chất lượng được sản xuất trong nước và nhập khẩu không có pha trộn DME. Để đảm bảo an toàn trong sử dụng LPG tôi cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp kinh doanh gas phải đảm bảo cung cấp cho thị trường những bình gas đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng cũng cần khắt khe hơn, sử dụng bình gas của các hãng có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng và ghi nhớ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về an toàn sử dụng bình gas có như vậy tôi tin rằng sẽ giảm thiểu được nguy cơ cháy nổ.
PV: Ông có thể đưa ra những nhận định về thị trường gas dân dụng Việt Nam trong thời gian tới?
GĐ Trần Trọng Hữu: Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, thì nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng ngày càng cao. Công nghiệp, may mặc, vận tải, dân dụng sẽ tăng chóng mặt. Hiện tại, mỗi năm 90 triệu dân Việt Nam mới chỉ sử dụng khoảng 1,2-1,3 triệu tấn LPG, con số ấy hoàn toàn khiêm tốn. Chiến lược của PV Gas là đi lên bằng chính đôi chân của mình, không coi lợi thế của riêng ngành Dầu khí làm vũ khí ỷ lại. Là doanh nghiệp đầu mối gas hàng đầu ở Việt Nam, có tiềm lực tài chính vững chắc, hệ thống kho cảng rộng khắp cùng những quy định nghiêm ngặt về vận chuyển, tàng trữ, xuất nhập, sang chiết… tôi tin tưởng PV Gas sẽ cất cánh trong thời gian tới.
Bản thân trong PV Gas, cũng có rất nhiều đơn vị trực thuộc cùng kinh doanh mặt hàng gas. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, với yếu tố tự chủ được các đơn vị đặt lên hàng đầu. Bằng chứng cụ thể nhất là hàng năm, phần nộp ngân sách của các đơn vị kinh doanh gas sinh hoạt không lớn, chỉ là thu bù chi. Đó là vì PV Gas đã chia sẻ một phần lợi nhuận cho hệ thống Đại lý cấp 1, để từ đó người dân gián tiếp được hưởng lợi.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hữu Tùng (thực hiện)
|