Thứ Sáu, 29/06/2012 13:41

Ngân hàng lấy chiêu “độ trễ chính sách” để “bóc lột DN”

Ông Trương Đình Tuyển khẳng định điều này vì mặc cho lãi suất điều hành giảm, đến nay bình quân lãi suất cho vay chưa giảm xuống được 1%.

Nút thắt ở lạm phát và thanh khoản

Khẳng định rằng, mấu chốt để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế hiện nay là lạm phát và thanh khoản, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, không nên quá hăng hái để đẩy lạm phát xuống.

Theo ông Tuyển, mức lạm phát không quá 6% là phù hợp, bởi phải giải quyết được mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. “Kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng”, ông nhấn mạnh. Bởi sợ lạm phát cao mà không giải quyết vấn đề thanh khoản thì đây chính là “điểm nghẽn nhất”.

Ông Tuyển cũng cho hay, hiện nay doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do 2 lý do: Nợ xấu ngân hàng khiến ngân hàng thương mại không thể cho vay; Do tổng cầu thấp dẫn đến tình trạng “ứ vốn”.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ ra rằng, “các ngân hàng đang lấy chiêu bài “độ trễ chính sách” để “bóc lột doanh nghiệp”, khi không chịu hạ lãi suất cho vay. “Mặc cho lãi suất điều hành giảm, đến nay bình quân lãi suất cho vay chưa giảm xuống được 1%”- ông Tuyển cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Tuyển, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia cho hay, việc các ngân hàng thi nhau treo biển giảm lãi suất chỉ là “chiêu bài chính trị” của họ. Điều này được nhìn thấy qua việc tổng phương tiện thanh toán vẫn âm.

TS Lê Đình Ân cho rằng, năm 2011, dư địa áp dụng chính sách còn rất lớn, nhưng chúng ta đã bỏ qua. Bây giờ, cứ loay hoay mãi với việc thành lập công ty nợ, trong khi dòng tiền không luân chuyển được, khiến nền kinh tế càng khó khăn.

Điều băn khoăn của TS Lê Đình Ân cũng được thể hiện qua kết quả nghiên cứu các chính sách kinh tế vĩ mô 2002-2012 của nhóm nghiên cứu Học viện Chính sách và Phát triển. Báo cáo đã chỉ ra rằng, một số chính sách đưa ra nhằm phản ứng, đối phó một cách thụ động với các “cú sốc tiền tệ và tài khóa” phát sinh của nền kinh tế thế giới và Việt Nam.

Vì thế, PGS, TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thẳng thắn: “Tuy giải quyết được mục tiêu ngắn hạn, nhưng trong một số trường hợp lại làm phát sinh những “cú sốc mới” và các “nút thắt cổ chai mới” cho nền kinh tế”.

Trên cơ sở rất nhiều chỉ số kinh tế đang diễn ra, nhiều chuyên gia dự báo, nền kinh tế Việt Nam còn “lình xình” và khó khăn đến năm 2015.

Tăng tổng cầu, gỡ khó thanh khoản...

Để thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên trước tiên là hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh, tập trung vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

TS Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế của USAID Star Plus, cho rằng nên kích thích mua bằng các biện pháp như giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm hoặc không thu các khoản phí trong năm nay, hỗ trợ người thu nhập thấp.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt cũng là cơ hội sàng lọc, tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp mới có kỹ năng quản lý rủi ro và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn”- TS Chí khẳng định.

Vì vậy, để hỗ trợ hình thành một hệ thống doanh nghiệp mới, TS Chí cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục lành mạnh hóa các biện pháp quản lý hành chính doanh nghiệp từ việc thành lập đến quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, cố gắng giảm thêm lãi suất huy động để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Trong bối cảnh có những dấu hiệu đáng lo đó của nền kinh tế, PGS,TS Đào Văn Hùng đã nêu 4 nút thắt của nền kinh tế. Đó là: Nghẽn mạch tín dụng (khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp và cá nhân rất thấp. Thị trường tín dụng đóng băng, kênh dẫn vốn tín dụng với nền kinh tế bị tắc nghẽn);

Đóng băng thị trường bất động sản (khiến giảm giá tài sản của nền kinh tế, gây ra tác động dây chuyền đến hầu hết các ngành kinh tế, suy giảm nguồn cầu; lãng phí nguồn lực tài nguyên và thất thoát, mất vốn đầu tư của xã hội);

Hoạt động kém hiệu quả của các DNNN (DNNN đã trở thành “hòn đá tảng” trên lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nguyên nhân là do thể chế bất cập, định chế quản lý chưa rõ ràng và quản trị điều hành yếu kém);

Gia tăng nợ xấu (Nếu không giải quyết được nợ xấu thì chi phí vốn của ngân hàng thương mại rất cao, hiệu quả kém. Xử lý nợ xấu là điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu ngân hàng thương mại, mà “tái cơ cấu ngân hàng thương mại thành công mở đường cho tái cơ cấu nền kinh tế thành công”).

Do vậy, PGS, TS Đào Văn Hùng, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, đưa ra khuyến nghị, cần thực hiện một số giải pháp tăng tổng cầu; bãi bỏ chính sách lãi suất trần, giảm lãi suất cho vay khu vực sản xuất kinh doanh; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tới tín dụng; Tạo lập thanh khoản và phục hồi thị trường bất động sản; Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nợ xấu của nền kinh tế./.

Xuân Thân

VOV

Các tin tức khác

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tốc, tồn kho tăng 26% (29/06/2012)

>   Gần 100 nghìn doanh nghiệp “không xác minh được” (29/06/2012)

>   Doanh nghiệp xe máy rao bán nhà máy (29/06/2012)

>   Cần Thơ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,63% (29/06/2012)

>   EVN vẫn chi phối: Làm sao có thị trường điện cạnh tranh? (29/06/2012)

>   Giá điện theo thị trường: Lại điệp khúc tăng giá (29/06/2012)

>   Nhà đầu tư cần gì ở ĐBSCL ? (29/06/2012)

>   Chưa tính đến phương án mua tạm trữ cao su (28/06/2012)

>   Vinafood 1 liên doanh chế biến gạo xuất khẩu với Singapore (28/06/2012)

>   Nhiều giải pháp tăng quản lý giá 6 tháng cuối năm (28/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật