Thứ Sáu, 29/06/2012 07:00

EVN vẫn chi phối: Làm sao có thị trường điện cạnh tranh?

Từ 1/7 tới, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành, chậm tiến độ 3 năm. Các nguồn lớn vẫn thuộc EVN. Tuy nhiên, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn khẳng định không hề có sự chậm trễ ở đây. Còn thời gian khi nào tách các nhà máy điện khỏi EVN, cổ phần hóa thì chưa rõ.

Không chậm trễ?

Việc chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh của EVN hiện đang chậm chạp, các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chưa được cổ phần hóa tách ra khỏi EVN. Điều gì đã cản trở quá trình này?

- Theo quy định của thị trường, phải có 4 yếu tố hoàn thành. Thứ nhất là khuôn khổ pháp lý, thứ hai là hạ tầng công nghệ thông tin, thứ ba là nhân sự và thứ 4 là cơ cấu nguồn điện tham gia thị trường.

Hiện nay một số nhà máy thủy điện đa mục tiêu theo quy định không tham gia thị trường. Vì những nhà máy này chịu điều tiết không chỉ của trung tâm điều độ huy động phát điện mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chống lũ. Ví dụ như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị an, Yaly...

Một số nhà máy thủy điện nhỏ ngoài EVN có hồ điều tiết theo ngày đêm, không phải theo tuần nên cũng không tham thị trường.

Hiện nay theo phê duyệt của Bộ Công Thương, có 29 nhà máy đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7. EVN đang phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương hoàn thành đủ điều kiện để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7

Như vậy, không hề có chậm trễ trong việc chuẩn bị thị trường phát điện cạnh tranh.

Bao giờ tách nhà máy điện khỏi EVN?

Nhiều ý kiến đang băn khoăn EVN chiếm tỷ lệ lớn các nhà máy điện thì việc tham gia thị trường khó có sự minh bạch.Các nhà máy điện trực thuộc EVN sẽ tham gia thị trường điện thế nào?

- Hiện nay, một số nhà máy vẫn do EVN nắm 100%, một số nhà máy EVN chỉ nắm cổ phần chi phối. Tổng nguồn EVN nắm đang chiếm 66% trên hệ thống điện. Để đáp ứng thị trường theo Quyết định 26 của Thủ tướng ban hành năm 2006 vừa rồi, Bộ Công thương thành lập 3 Tổng công ty Phát điện (Genco) trên cơ sở các nhà máy điện của EVN, hạch toán độc lập.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn phụ thuộc EVN nhưng sau này có điều kiện sẽ tách ra, cổ phần hóa toàn Tổng công ty. Việc minh bạch hóa các nhà máy tham gia thị trường sẽ dần được đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, cũng như theo Quyết định 26.

Theo lộ trình thì thị trường phát điện cạnh tranh sẽ hoàn chỉnh vào năm 2014, vậy chỉ còn 2 năm nữa, liệu thời gian ngắn này có đủ để các tổng công ty phát điện, điện lực trực thuộc EVN sẽ được cổ phần hóa hết?

- Việc thực hiện cổ phần hóa các công ty, tổng công ty phát điện này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất là ở bản thân các Tổng công ty này.

Hiện nay, khó khăn đặc biệt là vốn của các Tổng công ty này không đáp ứng được nhu cầu của bên cho vay vốn. Trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư phải lớn nhưng hiện nay chưa đáp ứng được. Vì vậy, trong quá trình phê duyệt cổ phần hóa, Thủ tướng đang giao cho EVN báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính các giải pháp đảm bảo các điều kiện để các công ty này hoạt động, đảm bảo yêu cầu hạch toán độc lập.

Nếu đủ các điều kiện này sẽ tiến hành cổ phần hóa, còn cổ phần hóa thời gian nào thì hiện chúng tôi đang triển khai từng bước. Thời điểm nào phù hợp thì còn phụ thuộc vào một vài yếu tố khác như thị trường chứng khoán... Tất nhiên, 2 năm theo tôi khó đủ thời gian để cổ phần hóa số công ty này.

Trong quyết định thành lập các Tổng công ty phát điện vừa qua, Bộ Công Thương yêu cầu các EVN vẫn phải bảo lãnh nguồn vốn cho các đơn vị này trong vòng 3 năm để hoạt động.

Thưa ông, nhà máy thủy điện của EVN thường có giá rẻ và các nhà máy nhiệt điện than thường giá đắt hơn thì liệu, thị trường phát điện vận hành có đảm bảo được tính cạnh tranh?

- Thực ra không phải tất cả các nhà máy thủy điện đều chào giá rẻ hơn nhà máy nhiệt điện than. Từ 1/7 tới, chúng ta sẽ biết được giá chào của các nhà máy thế nào chứ. Hiện, hầu hết nhà máy thủy điện mới đưa vào vận hành thì khấu hao nhiều, còn những nhà máy nhiệt điện than vận hành lâu thì khấu hao thấp cho nên vẫn có thể đảm bảo tính cạnh tranh. Vừa rồi qua thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm thì các nhà máy nhiệt điện than vẫn phát được trên hệ thống.

Một khó khăn khác trong thị trường phát điện cạnh tranh là việc chuyển đổi giá của các hợp đồng mua bán điện, hiên nay đang được thực hiện như thế nào?

Tất cả các nhà máy bên ngoài EVN đến nay đã chuyển đổi và trong tuần này sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng. Còn những nhà máy phụ thuộc EVN thì hiện nay, do thiếu tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật nên chưa có chủ thể ký hợp đồng.

Vì vậy, EVN sẽ ký hợp đồng mua bán điện thông qua các Tổng công ty phát điện này. Trong đó, một số nhà máy được ký hợp đồng đã được thay đổi giá trong khoảng 5% theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phạm Huyền

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Giá điện theo thị trường: Lại điệp khúc tăng giá (29/06/2012)

>   Nhà đầu tư cần gì ở ĐBSCL ? (29/06/2012)

>   Chưa tính đến phương án mua tạm trữ cao su (28/06/2012)

>   Vinafood 1 liên doanh chế biến gạo xuất khẩu với Singapore (28/06/2012)

>   Nhiều giải pháp tăng quản lý giá 6 tháng cuối năm (28/06/2012)

>   Tập đoàn Cao su sẽ thoái 100% vốn ở 40 công ty (28/06/2012)

>   Từ 11/7, giá nước sạch lên cao nhất tới 18.000 đồng/m3 (28/06/2012)

>   "Giá điện không thể tăng tùy tiện" (28/06/2012)

>   Ai "chủ yếu", ai "chủ đạo"? (28/06/2012)

>   FTA cú hích thúc đẩy kinh tế-thương mại VN và EU (28/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật