Tây Ban Nha chính thức xin gói giải cứu ngân hàng từ châu Âu
Ngày 25/06, Chính phủ Tây Ban Nha chính thức xin gói giải cứu tài chính nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng khó khăn của nước này.
* Cộng hòa Síp – quốc gia thứ 5 của Eurozone xin giải cứu
* Hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha thiếu hụt tới 62 tỷ EUR
* Thượng viện Đức ủng hộ quỹ tài trợ ESM của EU
Trong lá thư gửi đến Chủ tịch các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis De Guindos không đưa ra số liệu cụ thể về quy mô của gói giải cứu nhưng ông cho biết khoản cứu trợ sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của tất cả các ngân hàng và đảm bảo được một khoản vốn đệm an toàn.
Lá thư của ông Guindos cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Eurogroup vì đã đề nghị cung cấp cho hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha tới 100 tỷ EUR vào hôm 09/06.
Bộ trưởng Guindos cho biết ông dự định ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về gói giải cứu vào ngày 09/07, trong đó bao gồm đầy đủ các chi tiết chẳng hạn như lượng tiền chính xác mà nước này sẽ vay mượn. Theo ông Guindos, Quỹ Tái cấu trúc Ngân hàng Tây Ban Nha (FROB) sẽ được sử dụng để chuyển tiền cứu trợ vào các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn.
Hôm 21/06, Oliver Wyman và Roland Berger cho biết trong kịch bản tồi tệ nhất Wyman nhận thấy các ngân hàng Tây Ban Nha cần thêm từ 51-62 tỷ EUR (65.7-78.7 tỷ USD) trong khi Berger ước tính nhu cầu vốn của các ngân hàng là 51.8 tỷ EUR. Hai công ty kiểm toán độc lập này đã sử dụng hình thức thanh tra (stress tests) tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tổ chức từng dự báo các ngân hàng Tây Ban Nha cần huy động thêm 40 tỷ EUR vào tháng 5 vừa qua.
Kết quả đánh giá của Oliver Wyman và Roland Berger chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch kiểm toán hệ thống ngân hàng gồm hai phần của Chính phủ Tây Ban Nha. Dự kiến, đợt đánh giá thứ hai sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 và khi đó các điều khoản về nguồn vốn khẩn cấp và lượng tiền chính xác mà các ngân hàng nước này cần sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|