Rửa tiền thời toàn cầu hóa (P3): Những vụ nổi cộm
Trong số những vụ rửa tiền “động trời” được phanh phui, có những kẻ chủ mưu khét tiếng vì rửa số tiền rất lớn nhưng nhận án phạt không tương xứng, hoặc thậm chí là không bị án phạt nào.
* Rửa tiền thời toàn cầu hóa (P1): Cơ cấu rửa tiền
* Rửa tiền thời toàn cầu hóa (P2): Bí mật chiêu thức
Trùm ma túy rửa tiền
Trong giới “hắc đạo”, Pablo Escobar được coi là tên trùm tội phạm giàu có và thành công nhất. Năm 1975, sau khi tên trùm ma túy Fabio Restrepo bị ám sát (được cho là do Escobar chủ mưu), Escobar trở thành kẻ đứng đầu Medellin Cartel và anh trai của hắn Roberto được giao phụ trách tài chính. Bằng tiền kiếm được từ hoạt động tội phạm, hắn đã điều khiển bọn sát thủ thanh toán bất cứ ai dám chống đối hắn.
Ngày càng bành trướng thế lực, hắn đã nuốt chửng một tờ báo ở Medellin và bắt đầu gây ảnh hưởng về chính trị, chạy chọt kiếm chỗ trong giới công quyền và thậm chí đã được bầu làm Phó Đại diện Phòng đại biểu Quốc hội Colombia của Đảng tự do Colombia.
Escobar tung tiền bẩn tài trợ nhiều hoạt động từ thiện, xây dựng nhà ở dành cho người nghèo, xây các sân bóng và cả một sở thú cho công chúng. Hắn cũng đầu tư bất động sản, tạo vỏ bọc hoàn hảo. Escobar mua sắm nhà máy, trang bị đội tàu thuyền và máy bay riêng, trong đó có 2 chiếc tàu ngầm điều khiển bằng sóng vô tuyến, để phục vụ cho buôn bán ma túy.
Hắn kiểm soát hơn 80% cocaine tuồn vào Hoa Kỳ, ước tính mỗi tháng Escobar chuyển lậu 70-80 tấn cocaine đến Hoa Kỳ. Thời kỳ đỉnh cao của hoạt động tội phạm, mỗi tuần anh em hắn phải chi 1.000USD vào khoản mua… dây thun để bó tiền.
Thu nhập bất chính thừa mứa tới mức chúng không thể gởi vào ngân hàng hết được mà cứ thế bó lại thành từng cục tiền rồi nhét vào kho chứa, chấp nhận mỗi năm suy suyển chừng 10% vì bị chuột bọ gặm nhấm.
Để rửa tiền, Escobar nuôi cả 1 đạo quân cổ cồn trắng, ví dụ nhân viên nhà băng, luật sư… Năm 1989, tạp chí Forbes xếp Escobar là người giàu thứ 7 trên thế giới với tài sản cá nhân ước tính khoảng 9 tỷ USD, nhưng giang hồ đồn rằng con số này phải lên tới 24 tỷ USD.
Sự giàu có tột độ của hắn đã làm dấy lên những mối nghi ngờ, Hoa Kỳ điều tra và gây áp lực buộc nhà chức trách Colombia dẫn độ Escobar. Escobar phát động chiến dịch bạo lực, giết chóc nhằm làm bàn đạp đi tới thương lượng với nhà chức trách rằng sẽ bỏ nghề buôn ma túy để được khoan hồng.
Tuy nhiên, chiến dịch bạo lực đã không đạt được hiệu quả như suy tính, ngược lại, đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Cuối cùng, Escobar bị bắt. Năm 1992, hắn thụ án trong một phòng giam sang trọng được vài tháng thì bỏ trốn vì nghe nói sẽ bị chuyển trại giam, nhưng chẳng bao lâu sau, hắn bị nhà chức trách hạ sát trong cuộc truy đuổi.
Escobar đã liên tục có mặt trong danh sách tỷ phú Forbes suốt 7 năm, kể cả lần cuối cùng là trong số ra tháng 7-1993, 5 tháng trước khi hắn chết. Người ta ước tính trong cuộc đời tội phạm của hắn, Escobar đã rửa tiền từ 5-10 tỷ USD.
Rửa tiền trên chính trường
Nếu như giới “hắc đạo” cần rửa những đồng tiền “bẩn” vương mùi tội ác ma túy, giết người, cướp của thì ngay trong giới được xem là “bạch đạo” cũng xuất hiện không ít người cần rửa tiền “dính chàm” tham ô, tham nhũng, biển thủ. Trong số đó, Tổng thống Indonesia Suharto đứng hàng đầu.
Cố Tổng thống Indonesia Suharto xếp đầu bảng danh sách đen các lãnh đạo tham nhũng nhất thế giới.
|
Suharto làm Tổng thống Indonesia từ năm 1967-1998. Ngay sau khi ông ta bị buộc phải từ chức, tạp chí Time công bố đã lần ra dấu vết của 15 tỷ USD tài sản gia đình ông tích lũy ở 11 quốc gia. Time cũng ghi nhận trên 73 tỷ USD doanh thu và tài sản đã qua tay gia đình Suharto trong suốt thời kỳ cầm quyền kéo dài hơn 30 năm của ông.
Với “thành tích” vô tiền khoáng hậu, Suharto được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng nhất trong danh sách các nhà lãnh đạo tham nhũng. Do Suharto đã hơn 80 tuổi, quá già nên không thể đem ra xét xử. Ông qua đời năm 2008.
Gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế thần tốc, Trung Quốc đã sản sinh ra những tên quan tham “ăn theo chức của mình” một cách có hệ thống. Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố năm ngoái, quan chức tham nhũng đã chuyển lậu 800 tỷ NDT (126,6 tỷ USD) ra khỏi đất nước và khoảng 17.000 người chạy trốn ra nước ngoài từ giữa những năm 1990-2008.
Dù trong hầu hết các trường hợp liên quan đến những nhân vật rất cao cấp, chẳng hạn như cựu Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ, không phát hiện họ chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng tháng 4 vừa qua, một bài viết sắc bén trên tờ báo chính thức Nhân dân Nhật báo cho biết các quan chức tham nhũng đã bí mật sử dụng vợ con, bạn bè và thậm chí cả tình nhân để chuyển và che giấu tài sản bất hợp pháp ở nước ngoài. Điều này giải thích tại sao tên của họ không xuất hiện ở các tài khoản nước ngoài.
Trong vụ án Bạc Hy Lai đang gây xôn xao chính trường Trung Quốc, theo tờ Asashi Shimbun, vợ ông Bạc vừa thú nhận đã giết doanh nhân người Anh có mối quen biết lâu năm Neil Heywood vì ông ta đe dọa tiết lộ các khoản đầu tư nước ngoài của bà.
Một vụ việc nổi cộm khác liên quan đến cựu kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt Trương Thự Quang, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết ông này cất giấu 2,8 tỷ USD tài sản ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Các nguồn tin khác cho biết ông Trương đã mua một bất động sản rộng lớn ở Los Angeles với giá 825.000USD từ thời chức vụ của ông còn thấp lè tè và lương chỉ có 350USD/tháng.
Qua những trường hợp phạm tội, có thể thấy càng làm lớn, người ta càng dễ sinh thói cậy quyền cậy thế, xem thường pháp luật. Cơ quan thanh tra kỷ luật của Trung Quốc đã xử lý gần 140.000 trường hợp tham nhũng trong năm 2010 và hơn 145.000 người đã bị trừng phạt.
Nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều những trường hợp chưa bị phát hiện, vẫn đang nhởn nhơ và tiếp tục những thủ đoạn lươn lẹo hòng rửa sạch những đồng tiền bẩn, chúng như những con sâu làm hoen ố uy tín của bộ máy công quyền.
------------
Kỳ 4: Phòng chống
Bảo Trúc
sài gòn đầu tư tài chính
|