S&P nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”
Ngày 06/06, Standard & Poor's (S&P) nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Tổ chức này cũng giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ngắn và dài hạn của Việt Nam lần lượt ở mức “B” và “BB-”.
* S&P nâng triển vọng tín nhiệm Vietinbank và BIDV từ “tiêu cực” lên “ổn định”
* Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức “B+”, triển vọng “ổn định”
Đi kèm với đó, S&P nâng xếp hạng dài hạn của Việt Nam theo thang đo xếp hạng khu vực ASEAN từ “axBB” lên “axBB+” trong khi xếp hạng ngắn hạn không đổi ở mức “axB”.
Động thái điều chỉnh triển vọng phản ánh rủi ro đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của Việt Nam đã suy giảm. Các chỉ báo quan trọng như tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối và lãi suất đã cải thiện trong vòng 18 tháng qua.
Ông Kim Eng Tan, chuyên gia phân tích tín dụng của S&P nhận định: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ duy trì được sự cải thiện này khi Chính phủ cho biết duy trì sự ổn định của giá cả là một trong những ưu tiên hàng đầu”.
S&P cho biết thêm mức xếp hạng tín nhiệm hiện nay của Việt Nam phản ánh một nền kinh tế có thu nhập thấp, tình hình tài chính yếu và các quy định tài chính tiền tệ đang trong quá trình hoàn thiện cũng như khả năng một khuôn khổ pháp lý đang định hình có thể khiến các chỉ báo kinh tế trong nước suy yếu. Trong khi đó, các chỉ báo bên ngoài – phản ánh thanh khoản và nợ ròng nước ngoài vừa phải – đang hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Theo S&P, các rủi ro đến sự ổn định kinh tế vĩ mô - tài chính đã phần nào suy giảm kể từ đầu năm 2011. Chính sách tín dụng thắt chặt thực hiện kể từ thời điểm đó dường như đã cải thiện niềm tin vào quyết tâm của các nhà điều hành trong việc khôi phục sự ổn định giá cả.
Ông Tan cho biết: “Do đó, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư vào các tài sản nước ngoài đã chậm lại, qua đó cho phép tỷ giá ổn định và xoa dịu tình trạng thanh khoản thắt chặt mà các ngân hàng Việt Nam phải đối mặt”. Bất chấp những cải thiện này, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn cao. Khi Chính phủ nới lỏng chính sách, mối lo ngại về việc hoàn thành cam kết ổn định giá cả có thể xuất hiện trở lại và đảo ngược những cải thiện trong thời gian qua. Một rủi ro khác nữa là sự suy yếu mạnh hơn dự báo của nhu cầu từ bên ngoài có thể khiến các chỉ báo tín dụng sa sút trở lại.
S&P cho biết triển vọng “ổn định” cho thấy Việt Nam sẽ duy trì được chính sách kinh tế thích hợp cho tới khi xuất hiện tín hiệu rõ ràng về sự ổn định của các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm tỷ lệ lạm phát một con số. Điều này sẽ cho phép các chỉ báo tài khóa, các chỉ báo bên ngoài và các chỉ báo kinh tế duy trì gần các mức hiện tại hoặc cải thiện trong vòng 2 đến 3 năm tới.
S&P có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu việc nới lỏng chính sách khiến một hoặc nhiều chỉ báo quan trọng sa sút đáng kể. Ngược lại, tổ chức này có thể nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững cũng như khôi phục được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực trên đầu người hơn 6% trong vòng 5-10 năm tới thì có thể được nâng xếp hạng tín nhiệm.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|