Thứ Ba, 05/06/2012 17:19

Canh cánh nỗi lo giảm phát

Mặc dù CPI vẫn tiếp tục tăng, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội là chuyên gia kinh tế lại bày tỏ sự lo ngại về xu hướng giảm phát.

“Nếu giảm phát xảy ra sẽ gây sốc cho nền kinh tế; tác động trực tiếp đến giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”, TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mường tượng.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2012 vẫn tăng 0,18% so với tháng 4.2012, tăng 8,34% so với cùng kỳ năm 2011. So với tháng 12/2011, CPI 5 tháng đầu năm tăng 2,78%.

Ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; vật liệu xây dựng (tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) giảm nhẹ tương ứng là 0,14% và 0,7%; các nhóm hàng còn lại trong giỏ hàng hoá tính CPI đều có mức tăng từ 0,07 đến 3,09%. Đáng chú ý là nhóm hàng giao thông tăng 1,32% và nhóm mặt hàng đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,09%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2012 đạt 4,5%; 6 tháng đầu năm đạt 4,2-4,3%. Như vậy, so với mục tiêu mà Quốc hội đặt ra thì 2 trong số 4 chỉ số kinh tế quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng GDP (tăng 6-6,5%) và CPI (tăng 8-9%) không đạt mục tiêu. Và mục tiêu quan trọng thứ 3 là tạo thêm việc làm mới trong năm nay (1,6 triệu chỗ việc làm mới) nhiều khả năng cũng không thể “cán đích”.

Ông Trần Du Lịch nhận định, trong trường hợp thị trường thế giới không có diễn biến bất thường, trong 7 tháng còn lại của năm 2012, nếu sức mua trên thị trường nội địa vẫn yếu như 5 tháng đầu năm thì “Chính phủ chẳng cần làm gì để kiềm chế lạm phát, CPI cũng khó có thể tăng quá 5% trong năm 2012”.

Theo ông Lịch, trong trường hợp CPI năm nay không tăng 7 - 8% thì tốc độ tăng GDP khó có thể đạt 5,5 - 6%. Điều này có nghĩa là, thay vì việc đối phó với lạm phát, nền kinh tế phải đối phó với tình trạng kỳ lạm (lạm phát không diễn biến theo kỳ vọng). Kịch bản này xảy ra sẽ tác động ngay tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tới cân đối thu chi ngân sách nhà nước, tới giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.

“Phải chủ động đẩy CPI năm nay tăng ở mức 7 - 8% so với năm 2011, nếu không chắc chắn sẽ làm kiệt sức không ít doanh nghiệp doanh nghiệp. Nhưng cũng phải cảnh giác với tâm lý là kích CPI tăng theo chi phí đẩy tức là nhân cơ hội CPI đang thấp, các bộ, ngành đề xuất tăng giá hàng loạt loại phí và dịch vụ trong đó có các loại phí liên quan đến giao thông, y tế, giáo dục”, ông Lịch phát biểu và cho rằng, tâm lý xã hội đang rất bất ổn, vì vậy, cái gì ảnh hưởng đến tâm lý gây tăng giá phải cân nhắc thận trọng trước khi điều chỉnh để không đẩy CPI tăng theo tâm lý và chi phí đẩy bằng mệnh lệnh hành chính, chủ quan và phi thị trường.

Trước thực tế GDP và CPI 5 tháng đầu năm thấp xa so với mục tiêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong Kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội nên cân nhắc đến việc thay đổi mục tiêu theo hướng giảm mục tiêu tăng trưởng GDP và CPI để Chính phủ “dễ bề” điều hành kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn, nếu thay đổi mục tiêu sẽ ảnh hưởng ngay tới các cán cân kinh tế vĩ mô và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác.

“Năm 2011, CPI tăng 18,13%, nếu năm nay rơi xuống mức 5 - 6% sẽ hết sức nguy hiểm vì đầu vào của sản xuất đã gặp khó khăn, nếu đầu ra rớt giá nữa thì lại càng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Sẽ có thêm hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản do không còn động lực và cả nguồn lực để phát triển vì hoạt động sản xuất bị thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận”, ông Ngoạn cảnh báo.

Ông Ngoạn cũng đồng tình với quan điểm cố gắng đạt được mức lạm phát kỳ vọng ở mức 8 - 9%, cùng lắm cũng phải ở mức 7,5%. “Bởi nếu để CPI rơi xuống dưới 7% sẽ gây thêm khó khăn cho sản xuất và tốc độ tăng GCP năm 2013”, ông Ngoạn phát biểu.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thực hiện Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2012, nếu tình hình kinh tế 7 tháng cuối năm diễn biến bình thường thì khả năng tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay chỉ là 4,42% và lạm phát ở mức 4,57%. Với kịch bản khả quan hơn, tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất cũng chỉ có thể ở mức 5,1% còn lạm phát là 6,18%. 

Điều gì xảy ra nếu dự báo trên chính xác? Theo ông Lịch, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người bổ sung vào thị trường lao động và 500 ngàn người chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, nếu không bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP 5,5-6% và chỉ số CPI xoay quanh mức 7,5% thì không thể giải quyết được 1,6 triệu chỗ việc làm mới trong năm nay.

“Không tạo đủ việc làm mới, thất nghiệp gia tăng và hệ quả là sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác trong xã hội”, ông Lịch lo ngại và cho biết, cho dù tốc độ tăng GDP đạt hoặc vượt mục tiêu, nhưng chưa bao giờ ông tin con số giải quyết việc làm và tỷ lệ xoá đói nghèo giảm nghèo do Chính phủ trình Quốc hội trong Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội hàng năm.

“Cách đây mấy ngày, trong lúc ăn sáng tôi đọc báo thấy tin có 5 cháu nhỏ ở Đồng Nai vì nhà quá nghèo nên phải bỏ học đi mót hạt điều và bị chết đuối. Đọc xong tin này, miệng tôi đắng ngắt, cổ họng nghẹn lại không thể tiếp tục ăn sáng được nữa”, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trần Du Lịch ngậm ngùi kể và khẳng định thực tế này cho thấy, số liệu về giải quyết công ăn việc làm, thành tích xoá đói giảm nghèo không đẹp như trong báo cáo.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sẽ giám sát tiến độ triển khai dự án FDI (05/06/2012)

>   IMF: Việt Nam nên ưu tiên kiềm chế lạm phát, thận trọng với hạ lãi suất (05/06/2012)

>   VN luôn nằm trong những nước dùng ODA hiệu quả (04/06/2012)

>   "Nhà nước không nên đứng sau DNNN để xử lý nợ" (04/06/2012)

>   NHNN sẽ xem xét bỏ quy định trần lãi suất huy động VND (04/06/2012)

>   'Kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn dễ tổn thương' (04/06/2012)

>   Các nước bàn chuyện tài trợ cho Việt Nam (04/06/2012)

>   HSBC dự đoán tăng trưởng tín dụng chỉ 13% trong năm nay (04/06/2012)

>   ODA và niềm tin (04/06/2012)

>   Tái cơ cấu DNNN, đừng thêm một lần chậm (04/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật