Phát “pháo hiệu” sáp nhập CTCK
Nửa năm sau khi Đề án tái cấu trúc các CTCK được Bộ Tài chính phê duyệt, TTCK xuất hiện công bố đầu tiên của CTCK APEC về việc sáp nhập.
Có gì đáng chú ý từ phát “pháo hiệu” này?
Tín hiệu của bước chuyển động?
ĐHCĐ thường niên năm 2012 của CTCK APEC (APS) vừa thông qua việc sáp nhập với CTCK khác. Đây là CTCK đầu tiên công khai ý định sáp nhập, kể từ khi Đề án tái cấu trúc các CTCK được Bộ Tài chính phê duyệt hồi đầu năm nay. Sáp nhập là bước đi bình thường trong quá trình hoạt động của các CTCK trên thế giới. Nhưng với CTCK xứ Việt, thì đây là một khái niệm lâu nay vẫn “kiêng” đề cập.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS không ngần ngại chia sẻ, nhiều CTCK đã phải thu hẹp hoạt động và tái cơ cấu nhằm thích ứng với tình hình ảm đạm của TTCK. Theo đánh giá của nhiều tổ chức và chuyên gia, thì số lượng hơn 100 CTCK đang hoạt động là quá nhiều, nên việc giảm bớt số lượng CTCK trong thời gian tới là tất yếu. Đây cũng là lý do để APS có kế hoạch sáp nhập với CTCK khác ngay trong năm nay.
Cũng theo ông Lăng, APS hiện ở nhóm chiếm thị phần trung bình. Với tính chất cạnh tranh gay gắt giữa các CTCK ngày một gia tăng, nếu trong vòng 3 - 5 năm tới, APS không lọt được vào top 10 - 15 CTCK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường, thì việc tồn tại của APS, cũng như khả năng mang lại lợi ích cho cổ đông sẽ gặp nhiều thách thức. Bởi vậy, việc sáp nhập với CTCK khác trong năm nay chỉ là bước một của chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho APS.
“Đối tác sáp nhập của APS không phân biệt CTCK lớn hay nhỏ, mà quan trọng là có lợi thế cạnh tranh, hậu sáp nhập có thể gia tăng năng lực cạnh tranh cho APS. Ngay cả những CTCK lớn, nhưng lỗ nhiều, nợ xấu lớn, có phân khúc thị trường trùng lặp với APS, thì Công ty không sáp nhập…”, ông Lăng chia sẻ. Nếu hoàn tất quá trình sáp nhập với 1 - 2 CTCK quy mô nhỏ, những năm tới, APS sẽ tìm kiếm các CTCK lớn, có uy tín trong và ngoài nước để tiếp tục sáp nhập. Đây là cách nâng cao khả năng cạnh tranh cho APS, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông.
Với kinh nghiệm bước đầu của một CTCK đang trong quá trình tiếp nhận tài khoản của NĐT từ CTCK Chợ Lớn, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) nhìn nhận, do giá trị giao dịch toàn thị trường khá thấp trong thời gian qua, nên với không ít CTCK, khoản phí thu được không đủ để trang trải các chi phí duy trì hoạt động. Bởi vậy, việc các CTCK rút bớt nghiệp vụ môi giới, hay sáp nhập với nhau là bước chuyển động tất yếu trong thời gian tới.
Cần thêm những cái bắt tay
Theo ông Giang, với những CTCK có tài sản “sạch”: gần như không nợ NĐT, danh mục tự doanh có tính thanh khoản cao, hoặc gần như đã thanh lý hết…, thì việc sáp nhập với CTCK khác sẽ diễn ra thuận lợi. Ngược lại, quá trình sáp nhập các CTCK có tài sản kém “sạch” sẽ đối mặt với 2 thách thức lớn.
Thứ nhất, với những CTCK còn nợ NĐT nhiều, thì dù muốn sáp nhập cũng không dễ. Bởi rất có thể, các CTCK này… không còn gì để sáp nhập.
Thứ hai, việc sáp nhập cũng sẽ rất khó khăn với các CTCK còn danh mục tự doanh lớn. Trong đó đáng ngại hơn cả là có nhiều khoản đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết. Với diễn biến của thị trường hiện tại, việc đánh giá lại giá trị của các khoản đầu tư này như thế nào, để cổ đông hài lòng, nhưng đồng thời thỏa mãn được nhu cầu của CTCK muốn sáp nhập là không đơn giản, nếu không muốn nói là bất khả thi.
“Để vượt qua trở ngại trên, đòi hỏi cần có những cái bắt tay thực sự thiện chí của các bên sáp nhập. Nếu các bên quá cứng nhắc trong bảo vệ lợi ích của mình, thì các thương vụ sáp nhập sẽ khó diễn ra như mong đợi…”, ông Giang nói.
Theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), sáp nhập, mua bán… là bước đi cơ quan quản lý luôn khuyến khích các CTCK triển khai trong quá trình tái cơ cấu từng CTCK, cũng như khối CTCK. Để hỗ trợ cho quá trình này diễn ra thuận lợi hơn, UBCK đang sửa đổi Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về tổ chức và hoạt động CTCK. Ngoài ra, UBCK cũng sẵn sàng hỗ trợ các CTCK xử lý các phát sinh khi thực hiện sáp nhập.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|