Thứ Sáu, 08/06/2012 07:01

Lạm phát giảm nhanh ảnh hưởng kinh tế

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng các giải pháp kiềm chế lạm phát đã có những bước khả quan nhưng dường như lạm phát giảm quá mức khiến nền kinh tế đã trở nên nguội lạnh.

Ông Thiên đã đưa ra nhận định trên tại hội nghị về ngân hàng và đầu tư Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6 tại thành phố Đà Nẵng. Sự kiện do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Euromony Conferences tổ chức.

Ông Thiên nêu tình trạng ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng hoạt động gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước. "Điều quan trọng là môi trường vĩ mô ổn định... Việc giảm mức lạm phát xuống 7-8% thực hiện dễ dàng, nhưng giảm lạm phát như thế nào để không ảnh hưởng đến nền kinh tế mới là điều quan trọng”, ông Thiên nói.

Cùng quan điểm với ông Thiên, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc trong vòng 6 tháng nữa Việt Nam có những chính sách nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

“Theo tôi, vấn đề phát triển GDP phụ thuộc vào lập trường chính sách của nhà cầm quyền, điều đó sẽ tác động đến sự tăng trưởng hay bất ổn của nền kinh tế. Sự nhất quán về chính sách vĩ mô là điều hết sức quan trọng đối với việc kích thích nền kinh tế, và sự nhất quán này không nhất thiết phải là sự cứng nhắc”, ông nói thêm.

Ông Thiên thì cho rằng trong thời gian qua Việt Nam đã đối mặt với tình trạng mức tăng trưởng GDP giảm xuống, lạm phát tăng lên, dẫn đến nhiều bất ổn cho nền kinh tế.

Vốn vay, lãi suất và nợ

Vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia quan tâm, bàn bạc tại hội nghị là nguồn vốn và lãi suất. Các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chính sách kịp thời về lãi suất nhưng lưu ý vấn đề là doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, nhận định rằng gần đây NHNN đã rất mạnh tay về vấn điều chỉnh lãi suất so với trước đây, tuy nhiên NHNN cần có tính độc lập cao hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Liên quan đến tiếp cận vốn vay, nhiều chuyên gia đề cập một thực tế là các doanh nghiệp lớn có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chỉ trông mong vào vốn vay ngân hàng và chính những doanh nghiệp này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Vấn đề nợ xấu, nợ khó đòi cũng được đề cập tại hội. Ông Kalra cho biết theo báo cáo thì vấn đề này chưa thấy gì là đáng lo ngại nhưng bày tỏ quan ngại rằng các con số chưa thật sự đúng như công bố và thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Ông nói nếu tỷ lệ nợ xấu lên cao là rất khó khắc phục, và nếu vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp nhà nước vay rất nhiều (hiện chiếm khoảng 60-65% vốn vay của ngân hàng) mà các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục làm ăn kém hiệu quả thì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

"Có thể nhận thấy Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách nhằm khắc phục vấn đề này, tuy nhiên cải cách như thế nào để có hiệu quả thì vẫn chưa có câu trả lời”, ông Kalra nói.

Chia sẻ quan ngại của các chuyên gia nước ngoài, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói nguồn lực quốc gia đổ vào các doanh nghiêp nhà nước quá nhiều trong khi đó lại không mang lại hiệu quả kinh tế. Các tập đoàn được phép đầu tư 30% vốn ra ngoài ngành mà phần lớn là việc đầu tư không hiệu quả.

Ông Thiên cho rằng các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng không được quan tâm đúng mức. Theo ông, doanh nghiệp nhà nước chỉ được phép đầu tư vào ngành nghề nào, chức năng nào chứ không phải lập ra nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trong nước để lấy lợi nhuận.

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng điều quan tâm chính là những hành động, những chính sách cụ thể, minh bạch từ các cơ quan nhà nước, và môi trường pháp lý nhất quán rõ ràng. Đây là những lĩnh vực đã gây gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong thời gian qua.

Bàn luận về kinh tế Việt Nam trong năm 2012, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức, tác nhân từ bên ngoài mà còn cả những khó khăn trong nước. Những nỗ lực chung từ nhiều phía đã giúp kinh tế Việt Nam có bước tiến đáng kể trong năm 2012 nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại, bất ổn cần phải được giải quyết hiệu quả.

Thanh Hải

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cứu DN: Đừng để "lờn" thuốc (08/06/2012)

>   Tái cấu trúc: Cần hành động, đừng hứa hẹn (08/06/2012)

>   Quốc hội đề ra 6 giải pháp điều hành nền kinh tế (07/06/2012)

>   “Quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách” (07/06/2012)

>   Môi trường bình đẳng (07/06/2012)

>   Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm mạnh (06/06/2012)

>   S&P nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định” (06/06/2012)

>   Đại biểu Quốc hội: “Cần giảm ngay giá xăng dầu” (06/06/2012)

>   Lạm phát 2012 sẽ “thấp một cách kỳ lạ” (06/06/2012)

>   Thành viên hợp tác xã góp vốn tối đa không vượt quá 20% (06/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật