Tái cấu trúc: Cần hành động, đừng hứa hẹn Không ngại cách chức, đối mặt với mất việc làm… mới tái cấu trúc được. Ngày 7-6, tại Hội nghị Ngân hàng và Đầu tư Việt Nam năm 2012 do Euromoney Conferences (EC) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước góp ý về điều hành nền kinh tế. Cần mạnh tay hơn Ông Nick Hayward, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Euromoney Conferences, cho rằng Việt Nam đang đương đầu với những khó khăn trong nước và toàn cầu. Chính phủ đã nỗ lực tạo ra những bước tiến quan trọng như đưa lạm phát từ 14% năm 2011 xuống còn 8,2% trong thời gian qua. Ngoài ra, Chính phủ cũng thể hiện những động thái cải cách mạnh mẽ. “Động thái đầu tiên là cho thôi chức ông chủ tịch Tập đoàn Điện lực và Thanh tra Chính phủ xử lý các sai phạm tại các tập đoàn nhà nước” - ông Nick Hayward nhấn mạnh. Ông Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào, đánh giá: “Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp kiểm soát lãi suất tốt, mạnh tay hơn ngày xưa rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện tính độc lập trong việc điều hành kinh tế nhà nước trong việc tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng chỉ như thế thôi là chưa đủ, cần có những bước đi lớn hơn nữa”. Theo đánh giá của ông Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào,thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp kiểm soát lãi suất tốt và cần có những bước đi lớn hơn nữa. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể gặp phải những cú sốc kinh tế nếu Chính phủ không có những can thiệp, cải cách kịp thời. Một trong các cải cách cần làm là vấn đề vốn, nhất là vốn trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bỏ tư duy “tay không bắt giặc” Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng Chính phủ cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với hệ thống ngân hàng để có sự minh bạch. “Mặc dù các ngân hàng Việt Nam báo cáo nợ khó đòi không cao nhưng chúng tôi nghĩ nó cao hơn những gì đã báo cáo. Các ngân hàng cho DNNN vay càng nhiều vốn thì khi đổ vỡ sẽ càng khó đòi, nợ xấu càng nhiều. Nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế” - các chuyên gia lo lắng. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết trước đây Việt Nam phát triển kinh tế theo kiểu tay không bắt giặc. Bây giờ mà còn tồn tại tư tưởng như thế thì không thể phát triển được. Vì vậy cần phải có vốn, có nguồn nhân lực, mở rộng cải cách để phát triển chứ không thể mãi dựa vào Nhà nước. Chấp nhận mất việc Bàn về vấn đề tái cấu trúc DNNN, chuyên gia Jean Luc Costa, đại diện AXA tại Việt Nam, Campuchia và Lào, bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng Chính phủ có những động thái kiểm soát sự đầu tư dàn trải của các DNNN. Việt Nam đã có những bài học về buông lỏng quản lý, đã có nhiều tập đoàn nhà nước đầu tư làm ăn thua lỗ không thể hoàn vốn được”. Vấn đề lớn trong việc siết lại DNNN là sẽ gây ra mất việc làm đối với rất nhiều người. Ông Jean Luc Costa chia sẻ: “Sáp nhập DNNN sẽ làm hàng ngàn người mất việc nhưng Chính phủ phải quyết tâm làm. Người mất việc sẽ được đào tạo lại để thích ứng với các việc làm mới”. TS Trần Đình Thiên khẳng định Chính phủ sẽ cấm các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành. Tập đoàn nhà nước phải làm tốt nhiệm vụ trong ngành của mình. Hai, ba năm tới Chính phủ sẽ làm cho các DNNN gọn gàng lại. Chính phủ nên phát triển thêm các kênh, nguồn huy động vốn khác để các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ và các địa phương cần chuyển những lời hứa hẹn thành hành động đích thực để cải cách nền kinh tế. Ông MARCO BREU , Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mckinsey & Company Việt Nam Năng lực điều hành hiện tại của Chính phủ đối với nền kinh tế là chưa theo kịp sự phát triển. Chính phủ cam kết sẽ hành động chứ không phải dừng lại ở những lời nói suông. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN , Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp. Việc sáp nhập các ngân hàng trong thời gian qua chỉ mới là bước khởi đầu để cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chính phủ khuyến khích ngân hàng nước ngoài tham gia tái cấu trúc ngân hàng trong thời gian đến. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG , Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | LÊ PHI Pháp luật TPHCM
|