Thứ Sáu, 01/06/2012 14:14

Đức có nghe tiếng kêu cứu của Tây Ban Nha?

“Khủng hoảng” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất về Tây Ban Nha hiện nay, từ khủng hoảng thanh khoản, khủng hoảng nợ, khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng nhà đầu tư đến khủng hoảng việc làm.

* Tây Ban Nha “quay cuồng” trong bão nợ

* Các ngân hàng Tây Ban Nha sáp nhập vì nợ xấu

* Mỹ quan ngại về tình hình kinh tế của Tây Ban Nha

Khi gặp phải khó khăn chồng chất, chính quyền 5 tháng tuổi của Thủ tướng Mariano Rajoy cảm thấy như Chính phủ đang bị bao vây. Các quan chức hàng đầu do dự công khai ý kiến của mình vì sợ lỡ lời. Các nhà làm chính sách có quan điểm mâu thuẫn nhau. Các kế hoạch liên tục thay đổi. Và các thị trường tài chính rối loạn vì bất ổn.

Sơ suất gần đây nhất là sau nhiều tuần khăng khăng rằng ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Bankia không cần thêm nguồn vốn mới, thì vào ngày thứ Sáu tuần trước các bộ trưởng nước này lại khiến dư luận xôn xao khi cho rằng Bankia đang thiếu hụt tới 23 tỷ EUR. Các bộ trưởng vẫn chưa lý giải rõ ràng về cách làm thế nào để kiếm ra tiền trong khi vẫn phải vật lộn để tài trợ cho khoản nợ công ngày càng phình to.

Thông tin về Bankia đã tác động nghiêm trọng đến các thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán Tây Ban Nha lao xuống mức thấp nhất trong 9 năm, đồng EUR sụt giảm mạnh và nhà đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu Chính phủ nước này, qua đó đẩy lợi suất lên 7% - mức mà các thành viên khác của Eurozone như Ireland và Bồ Đào Nha buộc phải tìm kiếm gói giải cứu từ EC.

Khi nghe Chính phủ nói ra điều này, người ngoài cuộc có thể hiểu lầm rằng: Tây Ban Nha đã chi tiêu quá khả năng của mình trong một thời gian quá dài và đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng cần thiết phải điều chỉnh để thu hẹp lĩnh vực công, cắt giảm chi tiêu và gia tăng sức cạnh tranh. Trên thực tế, Tây Ban Nha đã và đang thực hiện tất cả các biện pháp này. Chính phủ của Thủ tướng Rajoy cũng khá nghiêm túc khi cam kết thực hiện các biện pháp trên và dễ dàng giành được đa số ghế trong quốc hội.

Theo các quan chức, những quốc gia khác không hề biết rằng Tây Ban Nha đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hơn bất kỳ quốc gia nào của châu Âu trong vòng ba năm qua, cải cách thị trường lao động, cắt giảm chi phí sản xuất và rất minh bạch về các vấn đề của hệ thống ngân hàng nước này với việc cho vay quá mức đã dẫn đến bong bóng bất động sản và sự đổ vỡ sau đó.

Tại thời điểm này, các bộ trưởng cho rằng Madrid chỉ cần thời gian cũng như sự giúp đỡ ủng hộ từ các đối tác châu Âu là có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng và cần thời gian để các cuộc cải cách phát huy tác dụng.

Thời gian đã hết, ý tưởng cạn kiệt

Tuy nhiên, điều không may là thời gian dành cho nước này đã hết.

các đề xuất mới nhất từ EC trong ngày thứ Tư có thể mang lại cho Thủ tướng Rajoy những gì ông muốn – nếu các đề xuất này vượt qua được quá trình ra quyết định nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) và được phê chuẩn thành luật – nhưng người hùng của châu Âu, Đức, vẫn chưa đáp ứng các nguyện vọng của Tây Ban Nha.

Những người gửi tiền tại nước này đang lo sợ. Một bộ phận dân chúng không biết nên làm gì với số tiền của mình và xin lời khuyên trong khi số khác lại chuyển tiền ra các quốc gia tương đối an toàn như Anh, Đức và Pháp. Các công ty bất động sản của Anh như Savills và Knight Frank cho biết trong tháng 4 số người Tây Ban Nha mua nhà tăng 14-21% so với mức bình quân trong 6 tháng trước đó.

Số liệu chính thức về tiền gửi ngân hàng được công bố khá trễ, cụ thể là cho tới giờ vẫn chưa có số liệu tháng tháng 4 và theo dự kiến số liệu này sẽ sớm được công bố.

Các quan chức ngân hàng Tây Ban Nha khẳng định sẽ không có cuộc tháo chạy khỏi hệ thống ngân hàng nước này. Tuy nhiên, chính các bộ trưởng lại bày tỏ mong muốn của mình một cách rõ ràng rằng các biện pháp bảo lãnh tiền gửi ngân hàng trên toàn châu Âu sẽ sớm được áp dụng để tránh nguy cơ gây ra thảm họa. Đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ các biện pháp này.

Tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở khía cạnh khác. Với chi phí vay mượn đang tăng nhanh lên mức 7% và đa số nhà đầu tư đều đã bán ra trái phiếu Tây Ban Nha, Chính phủ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc tái cấp vốn cho số trái phiếu trị giá 98 tỷ EUR và thêm 52 tỷ EUR dùng để tài trợ cho thâm hụt ngân sách năm nay.

Các ngân hàng trong nước hầu như không cho vay hoặc cung cấp các khoản vay với lãi suất cao đến mức khó có thể tiếp cận được, do đó tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp và gia tăng rủi ro đổ vỡ dây chuyền và có thể khiến nền kinh tế rơi vào vòng xoáy sụt giảm mạnh. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh trong toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 3 là 44.6 tỷ EUR, tức bằng một nửa so với cuối đợt bùng nổ năm 2007 và hiện vẫn trên đà sụt giảm.

Người tiêu dùng đang trì hoãn các khoản mua sắm lớn và cắt giảm chi tiêu. Chi phí vay mượn tăng vọt đã trở thành nỗi ám ảnh đối với quốc gia này kể từ khi xảy ra khủng hoảng.

Và Chính phủ Tây Ban Nha thừa nhận tình hình rất nguy kịch.

Chính các quan chức cho biết rằng Thủ tướng Rajoy đã và đang nài nỉ EC và Đức ủng hộ ECB bảo lãnh cho tất cả các khoản vay ngân hàng tại Eurozone nhằm ngăn chặn tình trạng rút vốn ồ ạt và mua nợ Tây Ban Nha nhằm hạ thấp lợi suất cũng như bình ổn thị trường; ủng hộ sự hội nhập tài chính sâu rộng hơn tại châu Âu và cho phép quỹ giải cứu khu vực cho vay trực tiếp nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém của nước này. Hiện ECB vẫn từ chối mua trái phiếu với quy mô lớn.

Một quan chức ngoại giao cho rằng: “Tây Ban Nha đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Các thị trường chiết khấu rủi ro rất tốt nhưng lại ghét sự bất ổn và tại thời điểm này bất ổn đang giết chết Tây Ban Nha”.

Đức sẽ thay đổi quan điểm vào phút chót?

Các giám đốc ngân hàng và giới truyền thông Tây Ban Nha cho rằng chính những sai lầm của Thủ tướng Rajoy đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn tại thời điểm hết sức nguy kịch. Năm nay 56 tuổi, ông Rajoy không có kinh nghiệm trên trường quốc tế, thiếu kiến thức chuyên sâu về tài chính và khả năng giao tiếp tiếng Anh còn hạn chế.

Kết quả cuộc họp báo chóng vánh hôm thứ Hai (28/05) đã khiến các thị trường hoảng sợ vì thiếu minh bạch về cách thức tài trợ cho gói giải cứu Bankia và sự quả quyết của ông rằng các ngân hàng Tây Ban Nha không cần tiền giải cứu của châu Âu. Các nguồn tin Chính phủ đã bày tỏ sự thất vọng rằng giới truyền thông đã không thể hiểu được “thông điệp rất rõ ràng” của Thủ tướng.

Một quan chức ngân hàng cấp cao bày tỏ: “Tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm mọi việc tốt hơn. Thay vào đó, Chính phủ đang hành động vội vã. Bạn không thể nói với thị trường rằng bạn sắp làm điều này hoặc điều kia”.

Một quan chức trong ngành khác lên tiếng: “Những gì mà Chính phủ cần là một nhà kỹ trị thực sự giỏi với kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc để đương đầu với một tình huống hết sức hiểm nghèo như hiện nay”.

Giới phân tích và các giám đốc ngân hàng nước ngoài tại Tây Ban Nha cho rằng Chính phủ đang rất mạo hiểm khi giả định rằng Đức sẽ cùng với ECB sẽ áp dụng các biện pháp đúng đắn và đi đến cung cấp gói giải cứu cho Tây Ban Nha.

Đức là nước đầu tiên phản đối việc gia tăng quy mô gói giải cứu của EU, việc đảm lãnh cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng và cho phép sử dụng trái phiếu chung nhằm cấp vốn cho các Chính phủ cũng như để ECB mua thêm trái phiếu nhằm hạ thấp lợi suất.

Thay vào đó, Berlin lại ủng hộ các biện pháp khắc khổ, lôi cuốn các quốc gia khủng hoảng ở miền Nam châu Âu đi theo con đường nước này từng đi qua trong thập kỷ trước. Hơn nữa, nước này còn ủng hộ các cuộc cải cách cơ cấu nhằm cải thiện sức cạnh tranh kinh tế, thắt chặt kỷ cương về chi tiêu và cắt giảm vay mượn.

Tâm lý phẫn nộ tại Madrid đã bộc lộ rất rõ ràng.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz cho biết trong cuộc phỏng vấn trên Reuters: “Các quốc gia đang cải cách cần phải tìm ra cách để được tặng thưởng thay vì bị phạt. Không thể giải thích với dân chúng rằng những gì họ tiết kiệm thông qua các biện pháp ‘thắt lưng buộc bụng’ lại dùng để trang trải cho mức lợi suất trái phiếu ngày càng cao”.

Các quan chức cấp cao cho rằng Liên minh châu Âu (EU) ngày nay bao gồm Liên minh Đức và các quốc gia còn lại, thậm chí các thương nhân nước này còn so sánh với sự thống trị của Đức tại châu Âu trong Thế chiến II.

Một quan điểm chung của các quan chức ngân hàng và các nhà ngoại giao hàng đầu Tây Ban Nha là nước này “quá lớn để có thể sụp đổ”.

Các quan chức này cho rằng khó có thể tưởng tượng được Eurozone sẽ như thế nào nếu thiếu nền kinh tế lớn thứ tư khu vực. Tương lai của Tây Ban Nha có liên quan chặt chẽ đến tương lai của châu Âu. Vì thế Đức sẽ miễn cưỡng đồng ý thay đổi quan điểm và cho phép ECB cũng như quỹ giải cứu hỗ trợ Tây Ban Nha.

Một quan chức ngoại giao cấp cao cho hay: “Điều này có thể xảy ra vào phút chót nhưng có thể rất tồi tệ. Tuy nhiên, Đức phải lựa chọn. Với Hy Lạp, Đức không cần phải lựa chọn. Đức có thể cho phép Hy Lạp vỡ nợ. Tuy nhiên nếu Tây Ban Nha sụp đổ, châu Âu sẽ sụp đổ. Vì thế cuối cùng chúng ta phải tin rằng Đức và ngân hàng trung ương nước này sẽ thay đổi quan điểm và làm những gì cần thiết để cứu châu Âu”.

Phó Thủ tướng Saenz cho biết điều đó chẳng qua chỉ là vì tương lai của châu Âu. “Nếu EU không áp dụng một số cơ chế để củng cố Eurozone, thì vấn đề không phải là nước nào sẽ ra đi mà là về chính EU. Châu Âu sẽ ra sao nếu thiếu Eurozone?”

Dù vậy, vẫn cần theo dõi thêm để biết điều này có đúng sự thật hay không.

Tháng 11 vừa qua, Reuters cho biết Pháp và Đức đã bí mật thảo luận kế hoạch về một Eurozone “lõi” có quy mô nhỏ hơn bao gồm các quốc gia khỏe mạnh và kiên quyết với mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

“Họ cho rằng Tây Ban Nha là một quốc gia quan trọng và là một phần quan trọng của châu Âu. Tuy nhiên họ quên rằng đối với người Đức, Tây Ban Nha chỉ là một quốc gia nhỏ sau Hy Lạp và Ý”, nhận định của một cố vấn ngân hàng lâu năm tại Tây Ban Nha.

Phước Phạm (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Pháp đối mặt với nguy cơ khủng hoảng ở Eurozone (01/06/2012)

>   Thủ tướng Hy Lạp: Eurozone cần biện pháp mạnh hơn (01/06/2012)

>   Trung Quốc còn ngần ngại với gói kích thích kinh tế (01/06/2012)

>   Chính phủ Ấn Độ ban hành các biện pháp khắc khổ (01/06/2012)

>   EU-Trung Quốc bên bờ vực chiến tranh thương mại (01/06/2012)

>   Trọng tâm kinh tế TG đang dịch chuyển về Đông Á (01/06/2012)

>   Mỹ quan ngại về tình hình kinh tế của Tây Ban Nha (31/05/2012)

>   Cả 8 ứng cử viên gia nhập Eurozone đều bị "trượt" (31/05/2012)

>   Vì sao kinh tế Ấn Độ suy giảm nghiêm trọng? (31/05/2012)

>   Thặng dư vãng lai giúp ASEAN giảm tác động từ EU (31/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật