Vì sao kinh tế Ấn Độ suy giảm nghiêm trọng?
Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong quý 1 năm nay đã hạ xuống mức thấp nhất trong 9 năm. Theo báo Financial Times, đây là một tín hiệu cho thấy, sự giảm tốc kinh tế ở Ấn đang ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế này.
Báo trên dẫn thống kê mới nhất phát đi từ Ấn Độ trong ngày 31/5 cho thấy, sự suy giảm mạnh trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã khiến kinh tế Ấn quý 1 chỉ tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 9,2% đạt được trong quý 1/2011.
Đây là mức thành tích tệ nhất của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và xấu hơn nhiều so với tình hình hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi cuối năm 2008. Thực tế này đang đặt ra áp lực lớn buộc các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ phải có hảnh động khẩn cấp để cứu tăng trưởng.
“Đây đúng là thảm họa. Chúng tôi đang đối mặt với mộc cuộc khủng hoảng là sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm chạp và lạm phát cao cực kỳ đáng ngại”, ông Rajiv Kumar, Tổng thư ký Liên đoàn các hiệp hội thương mại và công nghiệp Ấn, phát biểu.
Con số tăng trưởng gây thất vọng của Ấn Độ phát đi trong bối cảnh sản lượng công nghiệp và kim ngạch tháng 4 của nước này sụt giảm sâu do nhu cầu suy giảm cả ở thị trường nội địa và trên toàn cầu.
Theo giới quan sát, những khó khăn kinh tế hiện nay của kinh tế Ấn Độ chủ yếu xuất phát từ nội tại. Mặc dù New Dehli thường xuyên đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã dẫn tới những thách thức cho kinh tế Ấn, các chuyên gia kinh tế của nước này lại cho rằng, sai lầm lớn nhất nằm ở chính sự điều hành của Chính phủ.
“Những khó khăn của Ấn Độ trong 2 năm qua phần lớn xuất phát từ một nguồn gốc là chính sách yếu kém. Tăng trưởng suy giảm, đầu tư của các doanh nghiệp đi xuống, lạm phát tăng cao, và giờ là sự mất giá của đồng Rupee, đều đến từ sự suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của Ấn Độ”, ông Jahangir Aziz, chuyên gia kinh tế trưởng về Ấn Độ của ngân hàng JPMorgan, viết trên báo Indian Express.
Quốc hội Ấn đã ở trong tình trạng gần như tê liệt kể từ khi Chính phủ liên minh của nước này gặp rắc rối bởi một làn sóng bê bối tham nhũng liên quan tới các thành viên cấp cao của nội các. Những chương trình cải cách then chốt, bao gồm cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ của Ấn cũng như thông qua một bộ luật cho phép việc thâu tóm đất đai để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng vì vậy đã bị mắc kẹt ở Quốc hội đã hơn 1 năm nay.
Tuần trước, các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ còn ở mức thấp trong 3 quý sau của năm. Ngân hàng Bank of America và Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn năm 2013, nhưng cho rằng, mức tăng trưởng sẽ trên ngưỡng 6%.
Các nhà phân tích lo ngại, sự giảm tốc của kinh tế Ấn có thể sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin thêm và tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hơn, tạo thêm áp lực mất giá đối với đồng Rupee vốn đã yếu của nước này.
“Khi nói tới Ấn Độ, người ta thường nói tới tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nếu điều này thay đổi, niềm tin của các nhà đầu tư sẽ chịu tác động mạnh và dẫn tới việc họ cân nhắc lại các khoản đầu tư ở Ấn”, ông Anubhuti Sahay, một chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered, phát biểu.
Ngày 31/5, đồng Rupee đã lập một mức thấp kỷ lục mới so với USD, ở mức 56,5 Rupee đổi 1 USD. Theo số liệu của ngân hàng BNP Paribas, trong vòng 8 tháng qua, đồng tiền này đã mất giá 25% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
Các nhà công nghiệp Ấn Độ phàn nàn rằng, hoạt động đầu tư của họ đang bị cản trở mạnh bởi lãi suất cao, một phần do chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương nước này nhằm hạ chế đà leo thang của lạm phát.
An Huy
tbktvn
|