Thứ Năm, 31/05/2012 09:05

Bí vốn, doanh nghiệp châu Âu tìm đến Mỹ

Cơn bệnh tài chính của châu Âu mới bộc lộ thêm những triệu chứng mới, đó là có rất nhiều công ty của khu vực này đang bỏ qua các ngân hàng và nhà đầu tư bản địa để tìm đến các nhà cho vay của Mỹ.

Các công ty này đã vay khoảng 14,4 tỷ euro (tương đương 18 tỷ USD) từ các thị trường cho vay đảo nợ của Mỹ trong năm nay (tính đến ngày 25/5), nhiều hơn gấp đôi con số 6,7 tỷ euro của cả năm 2011, theo dữ liệu từ S&P Capital IQ LCD. Đó là số lượng lớn nhất kể từ ít nhất là năm 2007, năm mà tổng giá trị các khoản vay đạt 12,2 tỷ euro.

Vay đảo nợ được các công ty thực hiện để lấy tiền thanh toán cho các khoản nợ trước đó đã đến kỳ đáo hạn, không nhất thiết đến từ các ngân hàng đã cho vay và thường được “đóng gói” lại thành một dạng trái phiếu doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, các ngân hàng hay các nhà đầu tư khác khi mua loại trái phiếu này đã biết các rủi ro gắn với nó, nên thường yêu cầu lợi suất cao hơn mức thông thường.

Thị trường cho vay đảo nợ của Mỹ đặc biệt nhạy cảm với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu diễn ra 3 năm nay, do các doanh nghiệp châu Âu nợ nhiều nhưng vẫn cần vay thêm, trong khi các ngân hàng của khu vực này đang ốm yếu. Gần đây nhất, thứ Sáu tuần trước, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông báo về việc quốc hữu hoá một trong những ngân hàng lớn nhất nước này, một động thái phần nào cho thấy hệ thống ngân hàng của châu Âu đang yếu thế nào.

Ở những giai đoạn bùng nổ, thị trường cho vay đảo nợ được kích thích bởi hoạt động tài trợ cho các phi vụ M&A. Nhưng hiện tại, khi mà phần lớn công ty dè dặt với hoạt động M&A, các hợp đồng vay mới chủ yếu là để đảo nợ.

Các công ty châu Âu cũng dễ tiếp cận thị trường cho vay mạo hiểm của Mỹ hơn khi lượng khách hàng Mỹ của các nhà đầu tư mạo hiểm đang ít đi. Đây cũng chính là một rủi ro cho các doanh nghiệp châu Âu, bởi khi nhu cầu vay đảo nợ ở Mỹ tăng lên, lợi suất yêu cầu của các nhà cho vay sẽ tăng lên, khiến chi phí đi vay của các doanh nghiệp châu Âu tăng theo.

“Thực tế, các thị trường tín dụng đã thu hẹp tại châu Âu và các công ty ở đây phải tìm kiếm nguồn cho vay từ bên ngoài”, Frederick Haddad, một nhà quản lý cao cấp về danh mục cho vay của GoldenTree Asset Management nói.

Một số công ty châu Âu có nhu cầu vay mượn lớn, chẳng hạn như công ty hoá chất Ineos Group Ltd., tập đoàn tổ chức đua xe Formula One, đã quay trở lại thị trường Mỹ trong vài tuần gần đây để tìm kiếm người mua cho ít nhất một nửa số “trái phiếu đảo nợ” của họ, theo Thomson Reuters LPC.

Ineos đã bán hơn ¾ nhu cầu vay đảo nợ của mình, tương đương khoảng 3 tỷ USD tại thị trường Mỹ. Công ty Thuỵ Sĩ này muốn bán nhiều hơn ở châu Âu, nhưng nó đã nhận ra rằng, sẽ không tìm đủ người mua tại đây, một nguồn tin thân cận cho biết.

Thị trường cho vay đảo nợ được tạo nên bởi các ngân hàng cũng như các định chế đầu tư như các quỹ đầu cơ và các công ty chuyên đầu tư mạo hiểm. Tại châu Âu, nhu cầu cho vay rủi ro đã giảm mạnh khi nhiều nhà cho vay phải vật lộn với những thách thức từ chính hoạt động cho vay này, bên cạnh những quy định về vốn khắt khe hơn.

Tại Mỹ, nền kinh tế nước này đã được kiểm soát tốt hơn và các ngân hàng nhìn chung đã vững chắc hơn. Nhu cầu cho vay lãi suất cao từ các quỹ tương hỗ đang tạo nên một dòng tiền cho các công ty ở châu Âu “giải khát”.

Robert Hetu, một giám đốc quản lý đầu tư tại Credit Suisse Group AG cho biết, các nhà đầu tư Mỹ đang muốn cho vay các công ty châu Âu có thành tích kinh doanh tốt và hoạt động kinh doanh rõ ràng. Credit Suisse đã cho vay các công ty như Grohe Holding GmbH, một công ty của Đức chuyên sản xuất các thiết bị phòng tắm và Misys PLC, một công ty của Anh, chuyên cung cấp các phần mềm ngân hàng.

Làn sóng cho vay đảo nợ nổi lên một phần do sự gia tăng mức độ hội nhập giữa các thị trường tín dụng châu Âu và Mỹ, Ken Young, một giám đốc quản lý cao cấp của công ty tư nhân CVC cho biết.

Một số chuyên gia ngân hàng cho biết, xu hướng này có thể tiếp tục, đặc biệt nếu cuộc bầu cử tại Hy Lạp trong tháng tới kết thúc với phần thắng nghiêng về phe phản đối gói cứu trợ quốc tế dành cho nước này.

Quang Huy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Mỹ trừng phạt Ngân hàng Hồi giáo quốc tế Syria (31/05/2012)

>   Brazil hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 8.5% (31/05/2012)

>   Niềm tin vào kinh tế eurozone giảm mạnh (31/05/2012)

>   Bỉ đối mặt với việc phải hoàn thuế 100 triệu euro (30/05/2012)

>   Hàn Quốc: Thặng dư tài khoản vãng lai tháng 4 giảm (30/05/2012)

>   Trung Quốc: “Liệu pháp kích cầu” có phải viên linh đan? (30/05/2012)

>   “Eurozone cần trở thành liên minh kinh tế thực sự” (30/05/2012)

>   EIB hy vọng nâng khoản cho vay mới lên 60 tỷ euro (30/05/2012)

>   Tây Ban Nha “quay cuồng” trong bão nợ (30/05/2012)

>   Các ngân hàng Tây Ban Nha sáp nhập vì nợ xấu (30/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật