Thứ Tư, 30/05/2012 22:21

Trung Quốc: “Liệu pháp kích cầu” có phải viên linh đan?

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” ngày 29/5/2012 đưa tin dư luận các nước cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra gói kích cầu trong năm nay để kích thích kinh tế hiện đang suy giảm nhanh chóng. Mặc dù “Liệu pháp kích cầu” không phải là “Liều thuốc vạn năng“ hay “Viên linh đan kỳ diệu”, nhưng trong tình hình hiện nay, liệu pháp này vẫn có tác dụng nhất định.

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” ngày 29/5/2012 đưa tin ông Đào Đông, Trưởng ban kinh tế hàng đầu của Credit Suisse (Ngân hàng cho vay Thụy Sĩ) ở Hồng Công dự báo năm nay Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra gói kích cầu với quy mô từ 1.000 tỉ - 2.000 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 147 tỉ USD- 294 tỉ USD) để kích thích nền kinh tế đang suy giảm hiện nay. Theo ông Đào Đông, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Quí 2/2012 có thể chỉ đạt 7% so với mức tăng trưởng 8,1% của Quí 1/2012. Chính phủ Trung Quốc hy vọng gói kích cầu mới này có thể ngăn chặn đà suy giảm về tăng trưởng GDP trong năm nay.

Kể từ năm 2008 khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính thế giới, nhiều nước đã áp dụng “Liệu pháp kích cầu”, cho đó là phương thuốc có hiệu nghiệm ngăn chặn kinh tế suy thoái. Năm 2007 khi Thị trường chứng khoán Mỹ và các nước suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ Mỹ liền đưa ra hai gói kích cầu vào ngày 9/8/2007 với 24 tỉ USD, tiếp đó ngày 10/8/2007 bơm thêm 38 tỉ USD để cứu Thị trường chứng khoán.

Khi khủng hoảng lan sang Châu Âu, Ngân hàng trung ương EU liên tiếp đưa ra các gói kích cầu cứu thị trường chứng khoán, như 154 tỉ USD vào ngày 9/8/2007, 135,7 tỉ USD vào ngày 10/8/2007 và 65 tỉ USD vào ngày 13/8/2007. Theo gương Mỹ và Châu Âu, Ngân hàng trung ương Nhật Bản ngày 10/8/2007 chi 1.000 tỉ Yên (85 tỉ USD), tiếp đó ngày 13/8/2007 bơm thêm 600 tỉ Yên (51 tỉ USD) để cứu nguy Thị trường chứng khoán. Tính tới cuối tháng 8/2007, Ngân hàng trung ương các thực thể kinh tế lớn đã chi tới 323,3 tỉ USD để “tiếp máu” cho Thị trường chứng khoán.

Nhưng sau đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn không lạc quan, nhất là kinh tế Mỹ đã xảy ra hàng loạt vụ “đổ bể” của các Ngân hàng lớn và Tập đoàn kinh tế lớn, nên ngày 5/10/2008, Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói kích cầu 700 tỉ USD (QE I) để giải cứu thị trường tiền tệ đang lâm vào khủng hoảng.

Khi lên làm Tổng thống thay ông Bush cuối năm 2009, ông Barack Obama đã đưa gói kích cầu thứ hai (QE II) trị giá 400 tỉ USD vào đầu năm 2010. Hiện nay dư luận cho rằng khả năng Mỹ đưa gói kích cầu thứ ba (QE III) vẫn tồn tại nếu kinh tế Mỹ vẫn chưa khởi sắc.

Sự suy thoái của kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ và Châu Âu, hai đối tác ngoại thương lớn nhất đã tác động không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc. Để ngăn chặn tình trạng kinh tế có thể phải “phanh gấp”, ngày 5/11/2008 Trung Quốc đưa ra “Liệu pháp kích cầu” làm sống động kinh tế trong nước với khoản tiền cả gói tới 4.000 tỉ NDT (586 tỉ USD).

Tiếp đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) tuyên bố kể từ ngày 27/11/2008 hạ lãi suất tiền gửi và cho vay với biên độ tới 1,08%. Đây là lần giảm lãi suất lớn nhất trong 6 lần “nhỏ giọt” 9 tháng trước đó, nên dư luận gọi là đợt “tháo cống lãi suất” để kích thích kinh tế tăng trưởng.

Gói kích cầu 4.000 tỉ NDT (586 tỉ USD) tháng 11/2008 xem ra chưa đủ “giải khát” cơn thiếu vốn lưu động, nên ngày 5/3/2009 Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa ra gói kích cầu 1.180 tỉ NDT mà chủ yếu là giảm thuế và mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời điều chỉnh lại kết cấu các ngành, nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế quốc dân trên trường quốc tế.

Giải thích gói kích cầu này trước Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo Ông khẳng định gói kích cầu này có thể thực hiện được các mục tiêu như: đảm bảo được GDP tăng trưởng xấp xỉ 8%, tăng thêm hơn 9 triệu việc làm, giữ tỉ lệ đăng ký thất nghiệp ở thành thị trong phạm vi 4,6%, nhưng vẫn kiềm chế tỉ lệ lạm phát trong năm ở mức khoảng 4% và Chính phủ sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách 950 tỉ Nhân dân tệ năm 2009, mức cao nhất trong 60 năm qua kể từ khi lập nước năm 1949.

Thời gian qua, lãnh đạo cũng như các nhà kinh tế Trung Quốc đều dự báo xu thế suy giảm mức tăng trưởng GDP ngày càng rõ rệt, năm 2010 là 10,4%, năm 2011 là 9,2% và dự kiến năm 2012 ở mức khoảng trên 8%. Quí 1/2012 GDP chỉ tăng trưởng có 8,1%.

“Hội nghị công tác kinh tế trung ương” tại Bắc Kinh do Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc triệu tập cuối tháng 12/2011 đánh giá rằng kinh tế năm 2012 tiếp tục suy giảm, GDP năm 2012 có thể chỉ ở mức xấp xỉ 8%, nên phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

“Báo cáo tình hình kinh tế thế giới” do Ngân hàng thế giới công bố ngày 23/5/2012 cũng đã hạ thấp mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 8,4% xuống 8,2%. Trong khi đó tổ chức OECD cũng dự báo GDP năm 2012 của Trung Quốc chỉ đạt 8,2%, thấp hơn mức dự kiến.

Trong tình hình này, Credit Suisse dự báo Chính phủ Trung Quốc có thể phải sử dụng “Liệu pháp kích cầu” để kích thích kinh tế tăng trưởng là có căn cứ, mặc dù Liệu pháp này không phải “liều thuốc vạn năng”, vì các tác dụng phụ sẽ nảy sinh như lạm phát, thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc hai yếu tố quan trọng là “ổn định” và “thống nhất”. Nếu tăng trưởng GDP chỉ đạt 7% hoặc dưới 7% thì tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và đe dọa nghiêm trọng tới ổn định xã hội. Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn từng nói:”Thà chấp nhận rủi ro giữ GDP tăng trưởng cao chứ không để tăng trưởng thấp. Bởi vì, tăng trưởng thấp sẽ làm cho tỉ lệ thất nghiệp tăng lên, từ đó đe dọa nghiêm trọng tới tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội.”

Một sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị năm 2012 là ĐCS Trung Quốc triệu tập Đại hội 18 vào cuối năm. Đây là kỳ Đại hội có tầm quan trọng rất lớn về thay đổi ê-kíp lãnh đạo mới. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc không thể để dân chúng và dư luận thế giới nhìn vào một “đại hội ảm đạm” với nền kinh tế tụt dốc. Vì vậy, Trung Quốc thà hy sinh lợi ích kinh tế để đổi lấy ổn định xã hội. “Liệu pháp kích cầu” là một phương án lựa chọn tốt nhất trong tình hình này.

Kiều Tỉnh

Tầm Nhìn

Các tin tức khác

>   “Eurozone cần trở thành liên minh kinh tế thực sự” (30/05/2012)

>   EIB hy vọng nâng khoản cho vay mới lên 60 tỷ euro (30/05/2012)

>   Tây Ban Nha “quay cuồng” trong bão nợ (30/05/2012)

>   Các ngân hàng Tây Ban Nha sáp nhập vì nợ xấu (30/05/2012)

>   Cảnh báo về rủi ro tài chính đe dọa nền kinh tế Mỹ (30/05/2012)

>   Kinh tế Argentina đang đứng trước nhiều thách thức (30/05/2012)

>   Thụy Sĩ tìm cách đối phó nguy cơ Eurozone sụp đổ (30/05/2012)

>   "Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn rút khỏi TQ" (30/05/2012)

>   Kinh tế Trung Quốc sẽ chạm đáy trong tháng 6? (29/05/2012)

>   8 “đại gia” điện tử đang lỗ đậm (29/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật