Doanh nghiệp mất tích - Vì sao? Theo Cục Thuế TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay, có gần 2.500 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mà không khai báo với cơ quan thuế. Những trường hợp này được xem như là bỏ trốn hoặc mất tích. Vừa qua, hàng loạt trung tâm ngoại ngữ Alpha đột ngột ngưng hoạt động. Việc thay đổi người đại diện pháp luật của cơ sở này đã kéo theo nhiều hệ luỵ. Doanh nghiệp biến mất, người lao động, học viên bơ vơ… cơ quan chủ quản thì không biết đâu mà lần. Điều đáng nói là việc mất tích này cũng đã gây khó cho cơ quan Thuế trong công tác quyết toán. Trường hợp của doanh nghiệp trên chỉ là một trong nhiều trường hợp doanh nghiệp đã mất tích tại TP.HCM. Chỉ tính riêng chi cục thuế quận 3, mỗi tháng cũng dao động khoảng 50 doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Điều đáng nói ở đây là doanh nghiệp chẳng thà "mất tích" còn hơn mất công đi đăng ký thủ tục giải thể! Và cùng với đó, một thực tế khá bất ngờ là, việc doanh nghiệp mất tích lại giúp cho cán bộ thuế… nhẹ gánh. Một thống kê cho thấy, từ khi có Luật Doanh nghiệp, số cán bộ thuế chỉ tăng khoảng 200 người trong khi đó số lượng doanh nghiệp đã từ 10.000 tăng lên gần 150.000 doanh nghiệp. Nhiều cán bộ ngành thuế cho biết, trong quy trình giải thể doanh nghiệp thì chính công đoạn gửi hồ sơ đến cơ quan thuế để xin giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế luôn bị kéo dài thời gian quá mức cần thiết để xem xét. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, mỗi chi cục Thuế quản lý 12.000 doanh nghiệp và cho dù có áp dụng công nghệ thông tin thì đi kiểm tra vẫn là con người nên vấn đề là nhân sự... Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh - một chuyên gia trong vấn đề thuế, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì việc doanh nghiệp biến mất khỏi địa chỉ kinh doanh có một phần lỗi bắt nguồn từ chính thủ tục và thái độ của cán bộ ngành thuế khi các doanh nghiệp đến xin làm thủ tục giải thể. Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng các doanh nghiệp bỏ trốn vì mục đích xấu là có nhưng chủ yếu vẫn là do thủ tục của chúng ta quá rườm rà… Cục Thuế TPHCM đã đề xuất thuê kiểm toán để kiểm tra hồ sơ, giải quyết sớm giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tuy nhiên, đây được xem như giải pháp nhất thời và về lâu dài cần có một quy trình một cửa về thủ tục giải thể với hạn mức thời gian rõ ràng. Quan trọng hơn là cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để không xảy ra tình trạng đơn vị quản lý lại “ngâm hồ sơ” gây khó khăn cho doanh nghiệp như hiện nay. Thanh Bình vtv
|