Các KCN phía Bắc thu hút trên 3.000 dự án đầu tư Ngày 15/6, Hội nghị Câu lạc bộ Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ VI đã diễn ra tại Thừa Thiên-Huế. Theo ông Phạm Thuyên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc, hiện nay, cả nước có 61 Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cấp tỉnh được thành lập; trong đó, các tỉnh, thành phố phía Bắc có 53 hội viên, gồm 32 Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cấp tỉnh, và 21 đơn vị trực thuộc. Hội viên các câu lạc bộ có mối quan hệ chặt chẽ, phối hợp tạo điều kiện cho các đơn vị giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thực hiện tốt việc quản lý nhà nước của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Đến nay, các khu công nghiệp và khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu hút trên 3.000 dự án trong và ngoài nước (chiếm gần 40% số dự án trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của cả nước), với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 40 tỷ USD. Đáng chú ý có các khu công nghiệp và khu kinh tế lớn như Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vân Đồn (Quảng Ninh), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế). Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã cùng với các công ty phát triển hạ tầng và các đơn trực thuộc là hội viên của câu lạc bộ tích cực hoạt động trong xây dựng, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa phương và tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung về đánh giá kết quả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế đối với phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương và cả nước; phân tích làm rõ những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành. Đặc biệt là những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, giảm tính hấp dẫn của khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải quyết một số vấn đề như thống nhất một mô hình tổ chức cơ quan Ban quản lý cấp tỉnh trong cả nước, hoặc việc đổi tên gọi cho phù hợp; nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế; thực hiện cơ chế, chính sách và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động, phát triển các khu công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn.../. Quốc Việt Vietnam+
|