Thứ Sáu, 15/06/2012 16:00

CPI giảm trong tháng 6 có khả thi?

CPI đã có khoảng hai năm rưỡi liên tục tăng, tính đến thời điểm này. Nhưng CPI đến tháng 6 này đang đứng trước cơ hội giảm lần đầu tiên. Và một số dự báo mới công bố gần đây cũng cho rằng, CPI tháng 6 có khả năng giảm đi so với tháng 5.

“Những nhân tố thị trường mới xuất hiện trong thời gian gần đây đã tạo cơ sở vững chắc cho dự báo CPI tháng 6/2012 sẽ giảm”, TS. Phan Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết. Các tác nhân luôn ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… đều nằm ở giai đoạn giảm giá liên tục nhiều tháng nay. Ngoài diễn biến thực tế trên thị trường như vậy, về mặt điều hành Chính phủ, các bộ đang cố gắng kiểm soát giá một số mặt hàng, đồng thời có giải pháp thúc đẩy sản xuất. Những yếu tố đó đã tác động lớn đến chỉ số giá tháng này.

Cũng theo TS. Phan Thanh Hà: “Nhìn về phía cung, trong vòng 3 tháng gần đây, lãi suất liên tục giảm đã góp phần giảm giá thành vốn cho doanh nghiệp”. Một ví dụ chứng minh rõ ràng nhất cho câu chuyện này là từ Agribank. Ngân hàng này cách đây ít ngày cho biết, riêng việc giảm lãi suất đối với các hợp đồng cũ đã làm giảm lợi nhuận của Agribank xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Và đương nhiên, số tiền này sẽ không mất đi mà sẽ “hóa thân” vào giá nông sản hàng hóa và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ  hưởng lợi...

Nhưng quan trọng hơn, trái với tình trạng sản xuất đình đốn ở nhiều doanh nghiệp trong mấy tháng đầu năm, đến giai đoạn chuẩn bị khởi động cho chu kỳ sản xuất cuối năm này, những dấu hiệu dịch chuyển trong sản xuất cũng đã bắt đầu.

Trong một bản tin nội bộ vừa phát ra đầu tuần này, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nhìn nhận: “Những nỗ lực liên tục của Chính phủ và NHNN thời gian gần đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất đã phần nào được phản ánh trong xu hướng xuất, nhập khẩu trên cả nước trong tháng 5/2012”. Theo đó, nhập khẩu nguyên vật liệu đã tăng trở lại, đưa cán cân thương mại trong tháng 5 quay trở lại trạng thái thâm hụt với mức nhập siêu dự kiến lên tới 700 triệu USD – cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Số liệu từ hoạt động ngoại thương của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sau nhiều tháng khá “bê trễ”, nay đã tăng mạnh trở lại. Trong tháng 5/2012, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lần đầu tiên vượt 10 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với tháng trước đó.

Cung hàng hóa vẫn đang dồi dào, nguồn cung mới đã có sự chuẩn bị ở thời điểm này, hoạt động quản trị thông thường của các doanh nghiệp là đẩy mạnh bán hàng, chấp nhận giá thấp để tính bài toán dài hạn mới. Bên cạnh đó, tín dụng có nhiều “cửa” để tăng hơn trong các tháng tới, là điều kiện để khích lệ sản xuất. Tiêu dùng cũng sẽ mạnh hơn khi kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất giảm và giá cả đang ở mức rất hợp lý.

Biểu hiện về phía cầu, giá cả của nhiều mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến CPI vẫn duy trì xu hướng giảm từ nhiều tháng nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn hơi xuất chuồng so với tháng trước tại các tỉnh phía Bắc đã giảm gần 11%; gà thịt công nghiệp lông trắng giảm 12,7%; gà thịt lông màu giảm 6,9%... Còn tại miền Nam, mức giảm tương ứng với lợn thịt xuất chuồng nuôi tại các trang trại lên tới 15,3%; gà thịt công nghiệp lông trắng giảm 14,3%; gà thịt lông màu giảm 9%. Như vậy, đây là các mức giảm giá rất đáng kể, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.

Vụ thu hoạch lúa tại miền Bắc đạt kết quả tốt, thời điểm này cũng là giai đoạn sinh trưởng tốt của nhiều loại rau, hoa quả… Chỉ tính riêng nhóm hàng có quyền số chiếm tới 15% trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng này đã góp phần đáng kể vào xu hướng tăng thấp của CPI nhiều tháng gần đây và trong tháng này có thể là lần đảo chiều thành công của lạm phát theo tháng.

Trong khi đó, giá xăng dầu cũng đã liên tục giảm 3 lần trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng các lần giảm giá có ảnh hưởng đến chu kỳ tính CPI này, tổng mức giảm là 1.900 đồng/lít, tức là giảm khoảng 8%, cũng là sự sụt giảm giá lớn, đủ tác động rõ rệt lên diễn biến lạm phát. Ngoài việc tác động trực tiếp đến chi tiêu thường xuyên của người dân và doanh nghiệp, chi phí vận tải cũng sẽ đứng trước khả năng giảm trong giai đoạn tới, khi giá xăng dầu phản ánh lên giá thành đang có lợi cho doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa sẽ gián tiếp hưởng lợi từ chi phí vận tải giảm cũng có điều kiện để điều chỉnh giá bán thấp xuống. Và một vòng quay giảm giá mới bắt đầu từ những diễn biến ấy.

Vũ Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   'Nợ xấu ngân hàng có một phần của tổng công ty nhà nước' (15/06/2012)

>   Độc quyền của EVN còn kéo dài 17 năm nữa? (14/06/2012)

>   Người dân VN không thấy hiệu quả của giảm phát (14/06/2012)

>   Mừng mà lo (14/06/2012)

>   Bắt đầu tra xét các dự án bị Đan Mạch dừng ODA (13/06/2012)

>   Tránh hiện tượng xin - cho khi hỗ trợ doanh nghiệp (13/06/2012)

>   GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5 - 6% (13/06/2012)

>   Giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn (13/06/2012)

>   Hơn 50% vốn góp của doanh nghiệp FDI là từ nợ vay (13/06/2012)

>   Ân hạn nộp thuế phải có bảo lãnh gây khó cho doanh nghiệp (13/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật