Thứ Năm, 14/06/2012 11:12

Độc quyền của EVN còn kéo dài 17 năm nữa?

Xóa bỏ độc quyền ngành điện, xăng dầu là nội dung đầu tiên được đại biểu Quốc hội gửi tới người đứng đầu ngành Công thương.

Sáng 14/6, tiếp tục các phiên chất vấn thành viên Chính phủ, chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Huy Hoàng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp tích cực, kịp thời để xóa bỏ độc quyền của điện và xăng dầu? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để tồn tại quá lâu sự độc quyền này? Tại sao yêu cầu xóa độc quyền cấp bách nhưng lộ trình xóa độc quyền của EVN lại kéo dài tới 17 năm? Tương tự với ngành xăng dầu cũng kéo dài, không dứt điểm dẫn đến độc quyền kép như hiện nay? Đến bao giờ chấm dứt tình trạng này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đúng như đại biểu nói, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng hiện nay thì thị trường điện thiếu cạnh tranh lành mạnh, thiếu động lực phát triển và liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng”.

EVN là đơn vị duy nhất trong truyền tải và phân phối điện. Phát điện thì có một số đơn vị khác tham gia như Dầu khí, Than khoáng sản, Tập đoàn Sông Đà… Đối với điện, ngành điện luôn phải xử lý các vấn đề đứng trước nhu cầu phụ tải ngày càng lớn (bình quân hàng năm là 15%), riêng năm 2011 kinh tế khó khăn nhưng yêu cầu phụ tải vẫn tăng 10%.

Chính vì thế, Chính phủ đã có lộ trình xóa bỏ độc quyền DN, trước hết bằng áp dụng với thị trường phát điện cạnh tranh. Sau một thời gian thí điểm, từ 1/7/2012, theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ chính thức vận hành thị trường này. Các nhà máy điện được tự do chào giá đối với Trung tâm điều độ điện lực Quốc gia. Căn cứ vào chào giá đó, Trung tâm này sẽ quyết định chọn nhà máy nào đáp ứng được yêu cầu để phát điện.

Trong lộ trình, đến 2014, tiến hành và thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đi liền với thị trường phát điện cạnh tranh. Theo lộ trình, đến 2022 sẽ thực hiện bán lẻ cạnh tranh.

Lộ trình này tương đối dài từ năm 2004-2022, vì thị trường điện với Việt Nam hết sức mới. Chúng ta chuyển từ tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều vấn đề phức tạp cần thời gian vừa làm, vừa hoàn chỉnh. Điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống xã hội, bất cứ điều chỉnh nào cũng ảnh hưởng đến nhân dân, đời sống sản xuất. Vì thế bước đi phải thận trọng.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về nội dung này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng lật lại câu hỏi: “Trả lời của Bộ trưởng thẳng thắn, nhưng tôi băn khoăn sao lộ trình lại phải kéo dài vậy? Bởi để càng lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, Bộ cũng chưa thực sự tích cực. Chúng tôi theo dõi, trong dự thảo Luật Điện lực vừa trình Quốc hội, tôi chưa thấy ý tưởng nào mở đường cho xóa bỏ độc quyền, mà chủ yếu là về qui hoạch lưới điện, giá điện. Bộ trưởng có nói đây là ngành quan trọng đặc biệt.  Nhưng thực tế nước ta đã xóa bỏ độc quyền của ngành Bưu chính – Viễn thông. Đây là một bài học rất tốt. Ngành Bưu chính-Viễn thông cũng được coi là một ngành kinh tế đặc biệt. Một DN được coi là độc quyền tự nhiên, giống như ngành điện hiện nay. Nhưng.với quyết tâm thì họ đã nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, đã phát triển ổn định và đang đem lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tôi nhận thấy, Bộ trưởng phải có trách nhiệm cao hơn nữa trước dân, và cần phải có một kế hoạch thật tích cực để rút ngắn lộ trình này càng sớm càng tốt !". – đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, khả năng của mình. Còn việc có rút ngắn được lộ trình này không còn phụ thuộc vào những điều kiện chúng ta có thể thực hiện. Câu chuyện về thị trường điện, giá điện nghe thì đơn giản nhưng mỗi lần tính toán để đi theo lộ trình đó thì có những phản ứng khác nhau. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan phải tính toán thận trọng.

“Chúng tôi nghiên cứu kỹ để trong lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt nếu có điều kiện rút ngắn phân khúc nào thì sẽ cố gắng làm” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Ngay sau “lời hứa” của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “giao” nhiệm vụ cho Bộ trưởng: Bộ trưởng sẽ tiếp thu tinh thần này và sẽ nghiên cứu thận trọng, toàn diện để có thể rút ngắn được thời gian xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, tiến tới cạnh tranh trên thị trường điện, trong đó có vấn đề về giá thị trường. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết gia nhập WTO, chậm nhất đến 2018 phải trở thành kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đến kỳ họp cuối năm đại biểu có thể hỏi lại câu hỏi này và Bộ trưởng có thể báo cáo việc này với Quốc hội xem đã nghiên cứu thế nào, có thể rút ngắn được không giá phát điện, bán buôn, bán lẻ, truyền tải điện”./.

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   Người dân VN không thấy hiệu quả của giảm phát (14/06/2012)

>   Mừng mà lo (14/06/2012)

>   Bắt đầu tra xét các dự án bị Đan Mạch dừng ODA (13/06/2012)

>   Tránh hiện tượng xin - cho khi hỗ trợ doanh nghiệp (13/06/2012)

>   GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5 - 6% (13/06/2012)

>   Giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn (13/06/2012)

>   Hơn 50% vốn góp của doanh nghiệp FDI là từ nợ vay (13/06/2012)

>   Ân hạn nộp thuế phải có bảo lãnh gây khó cho doanh nghiệp (13/06/2012)

>   Lạm phát ở Việt Nam sẽ tới đâu? (12/06/2012)

>   Đầu tư công và cuộc “cách mạng” trong cấp vốn (12/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật