TTCK: Đi ngang chờ thời?
Sau 8 phiên giảm điểm liên tiếp, tưởng rằng TTCK sẽ có những đợt phục hồi mạnh. Tuy nhiên diễn biến thực tế lại khắc nghiệt hơn nhiều so với kỳ vọng.
Đan xen tăng, giảm
Năm 2009, sau khi tạo đáy 235 điểm vào cuối tháng 2, VN Index đã có một đợt tăng mạnh, lên đến gần 350 điểm vào giữa tháng 4.
Sau đó, chỉ số này lại có đợt điều chỉnh khá mạnh, xuống xấp xỉ 310 điểm vào cuối tháng 4, rồi bắt đầu đợt sóng khủng tiếp theo để tăng lên 510 điểm, nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm khoảng 80 điểm, “lấy đà” cho các đợt tăng tiếp.
Một đợt tăng khoảng 120 điểm rồi giảm khoảng 40 điểm, một đợt tăng 210 điểm giảm khoảng 80 điểm, tức số điểm trong mỗi đợt điều chỉnh giảm tương đương với 1/3 số điểm tăng lên.
Năm 2012, VN Index từ “đáy” 360 điểm tháng 1 đã tiến đến đỉnh 480 điểm vào đầu tháng 5 và chỉ chưa đầy 2 tuần lại mất đi khoảng 40-50 điểm, cũng tăng 120 điểm và số điểm điều chỉnh giảm tương đương 1/3 số tăng - tương đồng với năm 2009.
Cần nói thêm rằng TTCK năm 2012 có rất nhiều nét tương đồng với cách đây 3 năm khi các đợt phục hồi đều diễn ra trong hồ nghi và cứ vậy “lầm lũi” tiến lên. Bên cạnh đó là những thông tin về việc Nhà nước hỗ trợ nền kinh tế vượt khó và các thông tin tốt xấu đan xen nhau.
Năm 2009 khi xảy ra đợt điều chỉnh mạnh, một chuyên gia phân tích nổi tiếng đã nhận định về khả năng không thể tăng nữa của thị trường, nhưng rốt cuộc đã sai và phải lên tiếng xin lỗi. Vào đầu tháng 5 này, khi VN Index vượt 480 điểm và khi ai cũng tin rằng chỉ số này sẽ chạm ngưỡng 500 điểm rất dễ dàng bởi không có tin gì xấu để giảm, thị trường lại bất ngờ giảm.
Và thực tế trong khoảng thời gian điều chỉnh vừa qua của thị trường cũng không có tin gì xấu đến mức “khủng khiếp” như mức độ điều chỉnh. Điều khá quen thuộc là khi thị trường tăng, bất cứ thông tin gì cũng có thể được hiểu theo nghĩa tích cực, nhưng khi giảm thông tin lại được “lái” sang hướng tiêu cực.
Chẳng hạn mới đây, thông tin về chỉ số CPI của TPHCM và Hà Nội tăng rất thấp trong tháng 5 nên nhiều khả năng CPI cả nước cũng sẽ như vậy. Thay vì lạc quan do lạm phát đã dần được kiềm chế, một số ý kiến lại lo ngại CPI tăng thấp tạo ra… nguy cơ đình đốn sản xuất. Hay như việc giá xăng giảm 600 đồng/lít vào 15 giờ 30 hôm qua lại được đánh giá là quá ít.
Cho đến lúc này, thị trường giảm vẫn cứ giảm nhưng chưa có một lý do nào đủ sức thuyết phục tất cả NĐT, từ việc điều chỉnh kỹ thuật, trở lại giá trị thực, thiếu thông tin vĩ mô…
Hồi đầu tháng 3, khi VN Index tiến gần đến ngưỡng 460 điểm sau một loạt phiên tăng, thị trường cũng có 5 phiên điều chỉnh khá mạnh xuống gần 420 điểm, không ít NĐT tỏ ra hoang mang. Khi đó, cũng có nhận định cho rằng thị trường không thể tăng nổi nữa và trong khoảng 10 phiên sau đó diễn biến của thị trường cũng cực kỳ “khó chịu” khi NĐT luôn bị đẩy vào thế mua đỉnh bán đáy.
Khi không ai tin rằng tháng 4 thị trường lại có thể tăng mạnh thì lần lượt ngưỡng 460 điểm và 480 điểm dễ dàng bị vượt qua. Dẫu biết rằng yếu tố bất ngờ luôn là một phần tất yếu của thị trường, nhưng diễn biến của TTCK trong 2 tuần vừa qua đối với NĐT quá “nghiệt ngã”.
Những diễn biến khó lường
Giảm 8 phiên liên tục, đến phiên phục hồi mạnh vào ngày 21-5, NĐT kỳ vọng thị trường ít nhất cũng tăng được 2 phiên nhưng ngay hôm sau thị trường lại giảm. Một số NĐT lạc quan vào mô hình “chữ V” cũng nhanh chóng thất vọng và phiên giảm mạnh hôm qua 23-5 của thị trường gần như “bào mòn” sự kiên nhẫn của nhiều NĐT. Sở dĩ phải nói điều này do trong đợt điều chỉnh trước, một bộ phận không nhỏ NĐT đã bán ra để chờ cơ hội, trong khi số ít NĐT kiên quyết giữ hàng và bắt đáy.
Diễn biến phiên đầu tuần tưởng như chiến thuật này đúng đắn nhưng đến hôm qua đã gần như phá sản, trừ những trường hợp mua được CP “ngược dòng” như SJS hoặc trụ giá tốt như FPT, STB, SSI. Và nếu hôm nay thị trường tiếp tục giảm điểm, chiến thuật bắt đáy từ tuần trước của nhiều NĐT “cứng rắn” có thể thất bại. Liệu lần này, khi rất nhiều bộ phận NĐT “mệt mỏi” thị trường sẽ lại âm thầm đi lên hay không?
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, những vấn đề, điểm nóng của nền kinh tế đang được thảo luận và đây là cơ sở để kỳ vọng thị trường có thể đón nhận những thông tin bất ngờ. Những thông tin tích cực như lãi suất cho vay, giá xăng đang tiếp tục giảm, bên cạnh các vấn đề tái cấu trúc TTCK cũng được nói đến nhiều.
Trong ngắn hạn những thông tin này có thể chưa tạo hiệu ứng do áp lực điều chỉnh giảm, cũng như tâm lý NĐT trong những phiên vừa qua đã bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhưng có thể tạo nền tảng cho thị trường.
Nói một cách thận trọng nhất, thị trường hiện nay không có thông tin tốt đủ mạnh thì cũng không có một thông tin nào xấu đủ để đẩy thị trường chìm quá sâu. VN Index có những ngày điều chỉnh giảm 10-15 điểm thì cũng có thể hồi phục tương tự. 2 yếu tố được xem là tiềm ẩn của thị trường lúc này là áp lực giải chấp và diễn biến của nhóm CP có vốn hóa lớn, cụ thể là BVH, GAS và VCB.
Về áp lực giải chấp tính đến lúc này có thể xem như đã kết thúc khi thị trường đã giảm một loạt phiên và giao dịch vài ngày qua cũng không xuất hiện kiểu bán tháo. Nhưng diễn biến của BVH, GAS và VCB thật sự khó lường. Trong khi BVH, VCB sau khi điều chỉnh khá mạnh đã tiến về các ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 5.0 và 3.0 thì GAS mới lên sàn và vùng giá hợp lý cho CP này vẫn rất khó xác định.
Hiện tại ngưỡng 4.0 có thể xem là ngưỡng hỗ trợ của GAS nhưng cũng chưa thực sự chắc chắn. Khi chưa có thông tin hỗ trợ, có thể diễn biến của bộ 3 nói trên, đặc biệt là GAS sẽ tác động đáng kể đến VN Index.
Duy Long
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|