Thứ Năm, 24/05/2012 15:11

Nhận diện cổ phiếu họ Vinalines

Sở hữu cổ phần tại không ít doanh nghiệp (DN) đang niêm yết trên sàn, nhưng NĐT gần như không thấy một ảnh hưởng nào của Vinalines tại những DN này. Điều này khác hẳn với Petro Vietnam hay Tập đoàn Sông Đà, ít nhiều cũng đặt dấu ấn của mình đối với những công ty con hay công ty mình sở hữu.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao trên sàn NĐT nhắc nhiều đến họ CP Petro, Sông Đà, Vinaconex mà gần như không nói đến họ CP Vinalines.

Trên thực tế, ngay những họ CP nhỏ hơn như Vneco thì Vinalines vẫn không bằng. Về quy mô có thể Vneco không bằng Vinalines nhưng CP của Vneco ít ra còn có sóng mạnh với mã VNE hay VE9. Điểm qua một số DN niêm yết mà Vinalines đã và đang nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lớn bao gồm: Vosco (VOS), Vitranschart (VST), Vinaship (VNA), Gemadept (GMD), Viconship (VSC)… sẽ có một số điểm rất đáng chú ý.

VOS, VST, VNA hiện đang là những CP “bèo” nhất trên sàn với giá dưới mức 5.000 đồng/CP, nhưng cả 3 lại đang được Vinalines sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn: 60% tại VOS và VST, 51% tại VNA. Ước tính một cách đơn giản, Vinalines là cổ đông sáng lập của những công ty này, góp vốn với giá 1.0 thì đến giờ xem như đã lỗ khoảng 50% vốn nếu căn cứ theo giá CP hiện nay.

VOS có vốn điều lệ (VĐL) lên đến 1.400 tỷ đồng, nhưng hiện tại giá trị vốn hóa chỉ chừng 600 tỷ đồng, như vậy số cổ phần VOS mà Vinalines sở hữu chỉ khoảng 360 tỷ đồng, nhưng nếu tính theo mệnh giá 1.0 lại lên đến 840 tỷ đồng.

Hay như phần vốn của Vinalines tại VNA hiện có giá trị tính theo giá CP trên thị trường vào khoảng 48 tỷ đồng, nhưng nếu Vinalines tiến hành thoái vốn chưa chắc đã đạt được con số này vì còn phụ thuộc vào biến động của TTCK và bên mua vào.

Thực tế, tỷ lệ thua lỗ này có thể thay đổi do giá biến động và quá trình tăng vốn của các DN vừa nêu có thể diễn ra vấn đề chia tách. Nhưng nhìn chung, sở hữu những DN giá CP dưới 1.0 xem như thua lỗ.

“Bèo” về giá CP đã đành, nhưng cả VOS, VST hay VNA cũng kém cỏi trong hoạt động kinh doanh khi thua lỗ trong quý I. VNA có VĐL 200 tỷ đồng, quý I vừa rồi lỗ hơn 43 tỷ đồng, số lỗ chiếm hơn 20% VĐL. Cuối tháng 4, HOSE đưa VNA vào diện cảnh báo với lý do bảo vệ quyền lợi NĐT do 3 năm liên tục báo cáo tài chính (BCTC) có ý kiến lưu ý của công ty kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục.

Hay như trường hợp của VST, một số NĐT khi nhắc đến CP này thường chỉ chờ đợi xem công ty có hoạt động bán tàu cũ để tạo nguồn thu đột biến hay không, còn hoạt động kinh doanh chính lại không thấy gì đặc sắc. Vosco là một tên tuổi lớn trong ngành vận tải biển, nhưng từ khi lên sàn hồi cuối tháng 9-2010 đến nay cũng không có dấu ấn gì đặc biệt, quý I vừa rồi VOS lỗ gần 60 tỷ đồng.

Với vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng nhưng quý I-2012 VNA lỗ hơn 43 tỷ đồng.

GMD và VSC là những CP “được giá” nhất trong “họ Vinalines” với thị giá lần lượt là 2.4 và 3.3 (tính đến phiên ngày 23-5). Đây cũng là một trong những DN hoạt động khá ổn trên sàn, nhưng trớ trêu là hiện tại Vinalines đều sở hữu cổ phần với tỷ lệ thấp.

Đến đây sẽ có một số câu hỏi được đặt ra: Phải chăng do GMD và VSC thoát được ảnh hưởng của Vinalines nên có thể mở rộng hoạt động kinh doanh? Thực tế không thể phủ nhận việc phát triển của GMD hay VSC do ít nhiều đã tận dụng được những ưu thế từ cổ đông lớn Vinalines.

Nhiều năm trước, khi thị trường quan tâm và đánh giá cao GMD, lúc đó Vinalines vẫn còn sở hữu lớn tại DN này. Như vậy việc Vinalines thoái vốn tại GMD và VSC có hợp lý hay không? Bởi đây là những DN hoạt động hiệu quả, thoái vốn cũng có nghĩa là mất đi những nguồn thu hợp lý cho mình.

Một điểm chung không đáng có trong nhóm CP “họ Vinalines” chính là độ minh bạch không cao. Ngày 21-3, VOS bị HOSE cảnh cáo trên toàn thị trường với lý do vi phạm quy định về công bố thông tin (chậm công bố thông tin BCTC quý IV-2011).

GMD là một DN có nhiều lợi thế, nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao về độ cởi mở trong việc chia sẻ thông tin với NĐT, hiếm khi thấy lãnh đạo của GMD xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ với cổ đông hay NĐT điều gì và ĐHCĐ của GMD cũng thường tổ chức trễ hơn so với các DN lớn khác.

Ngoài những DN nêu trên, Vinalines còn sở hữu cổ phần tại một loạt DN nếu nói không quá không khác gì những “con bệnh”, những CP kém chất lượng trên thị trường.

Chẳng hạn Hàng hải Đông Đô (DDM), một trong những “hình mẫu” tiêu biểu cho các DN khó khăn, phải bán tài sản để trang trải, rơi vào diện cảnh báo của HOSE; hay như Hàng hải Hà Nội (MHC) mà Vinalines hiện chỉ còn sở hữu dưới 10%, hồi đầu năm nay mới thoát khỏi việc bị hủy niêm yết cũng do tình hình kinh doanh quá yếu kém.

Chưa cần nói đến những vấn đề yếu kém của Vinalines đang được mổ xẻ trong thời gian gần đây, chỉ cần nhìn vào sự yếu kém của các DN thuộc tổng công ty đang niêm yết trên TTCK cũng thấy được nhiều vấn đề. Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đưa công ty con, công ty thành viên của mình lên sàn là một chiến lược đúng đắn và đã có những hình mẫu thành công.

Điều này giúp cho các công ty con tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn và đồng thời cũng góp phần tái cấu trúc hoạt động của cả tổng công ty, tập đoàn. Bên cạnh đó, các công ty con “mạnh” thì vị thế của “mẹ” cũng được củng cố.

Nhưng Vinalines lẫn các công ty con, thành viên của mình gần như không đạt được những tiêu chí trên và đây là một điều hết sức đáng tiếc. Chính vì vậy, CP họ Vinalines nói riêng hay nhóm CP vận tải biển nói chung luôn nằm ở nhóm “chót bảng” về sự quan tâm của NĐT trên sàn.

Hữu Phúc - Minh Hà

Sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   CTCK đẩy mạnh mảng tư vấn M&A (24/05/2012)

>   24/05: Bản tin 20 giờ qua (24/05/2012)

>   IVS: Giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (07/09/2011)

>   Bắt đáy nhưng cần thận trọng! (25/05/2012)

>   Bộ Tài chính sẽ phân cấp quản lý mạnh hơn cho UBCK (23/05/2012)

>   Để TTCK kéo dài ngày vui (23/05/2012)

>   Chứng khoán tụt dốc: Rủi ro sau thời tăng nóng (23/05/2012)

>   “Rửa tiền thường qua chứng khoán, bất động sản” (22/05/2012)

>   Ấn tượng mùa Đại hội cổ đông 2012 qua con số (22/05/2012)

>   23/05: Bản tin 20 giờ qua (23/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật