TS Trần Du Lịch: Dòng tiền sẽ chuyển sang kênh chứng khoán
Kết thúc năm 2011, Nghị quyết 11 xem như đã giải quyết bộ ba “lạm phát, tỷ giá và lãi suất”. Bước sang năm 2012, nền kinh tế nước ta lại gặp phải những thử thách mới. Tuy nhiên, nếu so với năm 2011, thì có thể khẳng định viễn cảnh năm nay hoàn toàn có hi vọng.
Trên đây là những nhận định của Tiến sỹ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy Ban Kinh Tế của Quốc hội tại buổi Hội thảo Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2012 do CTCK Kim Eng (KEVS) tổ chức ngày 16/05 tại TPHCM.
Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay
Hiện nay, tuy đồng Việt Nam đã ổn định hơn nhiều so với khoảng đầu năm 2011, nhưng lại xuất hiện một số mặt hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng trong khi đó những khoản vay thương mại hiện nay có tới trên 50% được thế chấp bằng bất động sản. Nếu không thanh khoản được khoản thế chấp này, nợ xấu của các ngân hàng sẽ gia tăng và từ đó xuất hiện nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng.
Nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hiện nay, ông Lịch cho biết ông cảm thấy lo lắng khi mà một số chỉ số cho thấy tình trạng sản xuất nước ta đang ngừng trệ, sức mua của thị trường giảm sút. Cụ thể, trong 4 tháng GDP chỉ tăng 4%, CPI tăng 2.6%, thấp nhất trong 3 năm, nhập khẩu giảm, nhập siêu hầu như không đáng kể, tồn kho tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp đang lao đao trong vòng luẩn quẩn của lãi suất cao, chưa có khả năng trả nợ, không tiếp cận được nguồn vốn, không thể tiếp tục sản xuất để mang về doanh thu… Tính đến tháng 4 này, đã có 463,800 doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động trong tổng số 647,600 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, chiếm 71.6%.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, đây cũng là một con số không quá ngạc nhiên so với các nước trên thế giới. Ông đưa ra một số ví dụ như ở Anh, sau 3 năm hoạt động chỉ còn lại 70% số doanh nghiệp ban đầu, ở Mỹ, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động sau 3 năm lên tới 50%.
Lạm phát 2012 không thể vượt qua con số 10%, tỷ giá ổn định
Trong năm nay, chính phủ sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn hai nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11. Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội không đặt mục tiêu tăng GDP cao, với mức 6% - 6.5%; ưu tiên số một là kéo giảm CPI xuống dưới 1 con số và quan trọng hơn là từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, những vấn đề kinh tế. Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào giữa năm 2012.
Nếu như thị trường trong năm 2011 hoàn toàn bị mất phương hướng thì trong năm nay, ông Lịch khẳng định lạm phát không thể vượt quá con số 10% và tỷ giá hoàn toàn có thể được giữ ổn định. Theo ông, đây là hai con số nếu như biến động sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy nên khi đã dự đoán và kiểm soát được hai con số này thì mọi người hoàn toàn có thể tin tưởng, hi vọng vào thị trường. Ông Lịch cũng đưa ra ý kiến rằng mức tăng trưởng 6-6.5% có thể sẽ khó đạt được, chúng ta nên giữ tốc độ tăng trưởng ở 5.5% là hợp lý.
Lãi suất giảm, dòng tiền sẽ chuyển sang kênh chứng khoán
Có thể nói hai vấn đề tồn đọng hiện nay chính là có giảm được lãi suất xuống mức mục tiêu hay không và làm thế nào để kích cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho. Nếu sản xuất không phục hồi trong quý 2/2012 thì nền kinh tế nước ta sẽ rơi vào trạng thái trì lạm.
Kinh tế sẽ phục hồi rất chậm từ quý 2, trong đó ngành công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi từ tháng 3. Số liệu thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy sản lượng tăng rất thấp, 4.3%, nhưng nếu xét riêng tháng 3 và tháng 4 thì ta có được những con số tương đối khả quan. Cụ thể, tháng 3 tăng 7.5% và tháng 4 tăng 9.3% trong lĩnh vực chế biến và một số lĩnh vực xây dựng. Ông Lịch cho rằng đây là một tốc độ tăng chậm, nhưng phù hợp với tình hình kinh tế.
Về vấn đề lãi suất, hiện nay nước ta áp dụng cơ sở tính lãi suất huy động là lãi suất dương, tức lớn hơn mức lạm phát kỳ vọng bình quân. NHNN đã điều chỉnh trần huy động từ 14% xuốn còn 12%, và gần đây cũng đã áp dụng trần cho vay 15% trong một số lĩnh vực. Hiện nay NHNN vẫn chưa tháo bỏ trần lãi suất huy động do xem xét tình hình thực tế vẫn tiếp tục bất ổn. Dự báo năm nay lãi suất huy động sẽ kéo giảm dần xuống mức 10% và lãi suất cho vay cao nhất là 13%. Theo ông Lịch, với biện pháp này, dòng tiền sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán.
Dù ở quy mô nào, hai thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh vĩ mô. Hệ quả của sự yếu kém về quản lý dẫn đến tình trạng đầu cơ thái quá trong giai đoạn 2006 - 2007 mà hệ lụy của nó vô cùng to lớn kéo dài, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ từng phần, “làm ấm” dần dần thị trường bất động sản chứ không ồ ạt “làm nóng” để tảng băng bất động sản tan chảy cùng một lúc rồi để lại hệ quả cho năm sau.
Gói 29,000 tỷ gần đây nhất không mang tính chất như gói 9 tỷ USD năm 2009, thực ra nó chỉ là cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Với cơ chế này, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ và vẫn phải tự mình vận động, nếu không vẫn sẽ bị đào thải theo cơ chế thị trường.
Không hiệu quả thì không tồn tại. |
Gia Yên (Vietstock)
Finfonet
|