Thứ Ba, 15/05/2012 16:44

Nhà đầu tư "thủ thân"

Thời gian qua, nhiều cổ phiếu (CP) của doanh nghiệp (DN) dù có kết quả kinh doanh èo uột nhưng lại tăng giá gấp hai ba lần. Tình hình này diễn ra ngày càng nhiều khiến nhà đầu tư (NĐT) chịu thiệt thòi nên phải tính đến chuyện “thủ thân”.

Tăng trong hoài nghi

Cách đây 3 tháng, DRC (Cao su Đà Nẵng) chỉ mới có giá 20.000 đồng/CP nhưng tuần rồi đã tăng lên xấp xỉ 50.000 đồng/CP. Một tháng trước, khi DRC có mức giá 30.000 đồng/CP, những ai tần ngần không dám mua vào thì chắc giờ đây phải thốt lên trong sự tiếc nuối: “DRC đúng là siêu CP!”.

Nếu xem lại lịch sử tăng giá của DRC thì mức tăng trong năm 2012 tính đến thời điểm này của DRC vẫn còn kém hơn năm 2009, vì khi đó CP này đã giá gần... 10 lần. Một CP cũng thuộc ngành sản xuất săm lốp khác giống như DRC là CSM (Casumina) còn có tốc độ tăng giá “kinh khủng” hơn khi từ 10.000 đồng/CP tăng lên gần 30.000 đồng/CP trong tuần vừa qua.

Kết quả kinh doanh quý I/2012 của cả DRC lẫn CSM đều khá ổn, khi DRC lãi sau thuế xấp xỉ 58 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước, quý vừa qua CSM cũng lãi sau thuế 39 tỷ đồng, gấp 5 lần quý I/2011. Nếu như CSM và DRC tăng còn có cơ sở thì nhóm “siêu CP” trong lĩnh vực khoáng sản buộc NĐT phải hoài nghi về sự tăng giá mạnh của nhóm CP này.

Chẳng hạn, từ 5.000 đồng/CP hồi đầu tháng 2, KSA (Khoáng sản Bình Thuận Hamico) tăng liên tục lên gần 23.000 đồng/CP vào đầu tháng 5 rồi mới xuất hiện những phiên điều chỉnh giảm.

Trong thời gian KSA tăng giá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dũng đã lý giải là do công ty tiến hành chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và giá CP này đã giảm sâu, dưới cả giá trị sổ sách. Sẽ rất khiên cưỡng nếu bắt các NĐT tin vào lời giải thích như vậy.

Cảnh giác với “siêu thông tin”

Đến đầu tháng 5, KSA cũng đã bị Sở Giao dịch Chứng khóan TP.HCM (HOSE) nhắc nhở về vấn đề công bố thông tin liên quan đến báo cáo tài chính 2011 và sau đó là quyết định cảnh cáo trên toàn thị trường. CP tăng nóng, thông tin lại kém minh bạch là rủi ro quá lớn.

Lâu nay, thị trường chỉ quan tâm đến CP khoáng sản khi nào có sóng, còn chuyện làm ăn như thế nào thì dám chắc rằng có nhiều người sẽ mù tịt. KSS cũng là một CP nóng ngành khoáng sản, cũng tăng mạnh nhưng quý I vừa rồi thậm chí còn báo lỗ. Không có một nền tảng hay yếu tố nào để bảo chứng vì vậy CP khoáng sản đôi khi tăng không biết... đâu là đỉnh cũng là lẽ thường.

NĐT nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia vẫn nói thị trường thường đi theo thông tin. Nhưng cũng có người cắc cớ hỏi rằng, có phải ai cũng “siêu” đến mức độ đoán trước được thông tin hay không? Chắc chắn là không.

Từ đây dẫn đến những suy đoán về chuyện thông tin chỉ là công cụ “hợp thức hóa” chuyện tăng giảm của CP mà thôi. Chẳng hạn, một công ty xây dựng ở miền Trung đến gần cuối tháng 4 còn phải giải trình số liệu báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2011 trước và sau kiểm toán, trước đó còn gia hạn nộp báo cáo tài chính.

Số liệu rất không rõ ràng như vậy nhưng CP vẫn tăng mạnh, rồi lại đột ngột xuất hiện một thông tin được xem là tích cực là quý I công ty mẹ lãi lớn, nhờ hoàn nhập dự phòng và giá vốn giảm.

Hoặc như trường hợp của một CP niêm yết trên sàn HNX, giao dịch đi ngang vài phiên bỗng nhiên tăng trần, nhìn ra thì công ty vừa công bố báo cáo tài chính quý I, kết quả không xuất sắc nhưng cũng không sụt giảm. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao một chuyên gia chứng khoán đã từng nói “cổ phiếu phải mờ mờ ảo ảo thì dân đầu cơ mới thích”.

Một người khó đấu

Thật khó để đem lên bàn cân xem kết quả kinh doanh, thực tại của DN có được giá CP phản ánh đúng hay không. Có điều NĐT cá nhân cũng nên biết qua quy trình làm giá của CP. Nếu đưa ra giả thiết thực tế công ty chỉ đạt lợi nhuận 2 tỷ đồng sau thuế thì chưa phải là nhiều, chưa thể kích cầu mua cổ phiếu.

Vậy làm thế nào để đưa 7 tỷ đồng nữa vào lợi nhuận? Việc đó sẽ do kế toán của công ty thực hiện trong một năm trời. Vấn đề tiền ở đâu ra? Nguồn đó có thể là nguồn đầu tư dài hạn từ chính những người nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn kia.

Nếu thị giá đang ở khoảng 4 chấm thì khi nghe tin lợi nhuận 9 tỷ đồng sau thuế, giá CP đó cứ thế mà phi như điên. Để CP còn lên cao hơn nữa, có thể dùng chiêu quyết định đánh gục các NĐT hăng máu như sau: Chia cổ tức bằng CP và phát hành nâng vốn điều lệ.

Với tỷ lệ cổ tức 2:1 (50%) và phát hành mua thêm 1:1 với mệnh giá, thị giá dễ dàng được đẩy lên gấp nhiều lần so với thị giá trước đó. Lúc đó sẽ chỉ thấy hình ảnh các NĐT đặt giá trần với khối lượng mỗi ngày có thể lên đến vài trăm ngàn CP, thậm chí cả triệu.

Nhưng, lượng CP sẽ được bán ra nhỏ giọt nên ai cũng nghĩ đó là một “CP quý hiếm” và không muốn bán ra. Chiến lược của ban lãnh đạo là lâu dài, nhưng vẫn phải bán ra dần dần để chi phí vào khoản đầu tư dài hạn (7 tỷ đồng đã ứng trước) kia và đồng thời phải bán ra do nhu cầu tài chính cá nhân của các thành viên nữa (tất nhiên không ai được phép bán ào ào mà thỉnh thoảng mỗi người lại được bán một tỷ lệ nào đó trong số cổ phiếu mà mình nắm giữ)...

Từ thí dụ trên để thấy, đây là chuyện có thể xảy ra trong nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay. Chuyện gian lận kế toán đã xảy ra với một công ty Nhật Bản nổi tiếng mà cách đây ít lâu báo chí đã đăng tải.

Với các nước như Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới, chắc cũng không thiếu những công ty như thế. Do vậy, để tránh thiệt thòi, các NĐT cá nhân cần tỉnh táo trước những khoản đầu tư của mình mà thôi.

Minh Triệu

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Những sai lầm trong PTKT có thể khiến bạn đầu tư thua lỗ (15/05/2012)

>   Văn Giang và viễn cảnh nông dân “góp cổ phần” (15/05/2012)

>   Những khoản đầu tư “thua đau” của nhà đầu tư ngoại (15/05/2012)

>   Tranh chấp với nhà đầu tư: TSS đề nghị chia đôi khoản nợ (14/05/2012)

>   Hành trình tìm về mệnh giá (14/05/2012)

>   Góc nhìn 14/05: Nguy cơ thủng 460 điểm? (14/05/2012)

>   15/05: Bản tin 20h qua (15/05/2012)

>   Tiếng nói cổ đông nhỏ: Kêu trời cũng chẳng thấu (14/05/2012)

>   Thông tư 226: Hợp lý nhưng chưa quyết liệt (14/05/2012)

>   CK tháng 5: Có hay không chuyện “bán và đi chơi”? (14/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật