Hành trình tìm về mệnh giá
Hai tuần trước, TTCK chứng kiến sự phục hồi của hàng loạt cổ phiếu thị giá cực nhỏ về trên mệnh giá và một số khác đang tiếp nối cuộc hành trình.
Với đà này, liệu cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ tiếp tục là cổ phiếu nóng?
Hàng loạt cổ phiếu như TTF, CDC, BIC, VRC… đã hoàn thành chặng đường tăng về mệnh giá một sau thời gian dài. Lý do tăng đơn giản là doanh nghiệp không lỗ năm 2011, kế hoạch năm 2012 có lãi từ 10% trở lên và trả cổ tức 10 hay 15% trong năm nay.
Ngoài các yếu tố cơ bản, nhiều thông tin khác cũng đã hỗ trợ đà tăng giá của các cổ phiếu giá rẻ. Chẳng hạn, với TTF, có thông tin nhà đầu tư Nhật Bản muốn mua số lượng lớn cổ phiếu; VRC thì chính thức có các cổ đông lớn bên ngoài tham gia điều hành, quản trị công ty; còn BIC chuẩn bị chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, lại là công ty con của “đại gia” BIDV.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp đưa cổ phiếu thị giá nhỏ vào tầm ngắm, bắt đầu mua gom thận trọng khi DN công bố kế hoạch 2012 có lãi. Sau khi ĐHCĐ diễn ra, các cổ đông, nhà đầu tư khác nắm bắt thông tin, bắt đầu mua vào và truyền tin đến nhà đầu tư nhỏ lẻ khác nhập cuộc, tạo sự cộng hưởng, đẩy giá cổ phiếu tăng nóng tiếp cận ngưỡng mệnh giá.
Hành trình này đang lặp lại ở cổ phiếu VNE của CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE). VNE tăng trần 5 phiên trước ngày 2/5, ngày công bố Nghị quyết ĐHCĐ với 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và cổ tức 15%. VNE có một phiên điều chỉnh, sau đó tiếp tục tăng từ 7.400 đồng lên 9.000 đồng và hiện đang dậm chân tại giá 8.600 đồng/CP, một mức giá vẫn hấp dẫn nếu cổ tức 15% khả thi. Một nhà đầu tư tranh mua VNE ở những phiên tăng trần cho biết: “Nếu đọc báo cáo thường niên còn thấy, VNE có một quỹ đất tương đối lớn, nên xét về giá trị, rất đáng để đầu tư, miễn Công ty không kinh doanh thua lỗ”.
Cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn thương mại và dịch vụ địa ốc Hoàng Quân đã tăng 100% từ giữa tháng 2 lên 6.000 đồng/CP vào ngày 27/4, HQC công bố Nghị quyết ĐHCĐ với lợi nhuận 88 tỷ đồng và cổ tức 10% năm 2012, từ đó, HQC tiếp tục tăng giá lên 7.000 đồng/CP ở thời điểm hiện nay.
Một cổ đông của CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) trao đổi với ĐTCK rằng, sau ĐHCĐ, không ngờ giá cổ phiếu VIP lại rẻ như thế nếu nhìn vào kế hoạch EPS năm 2012 là 2.500 đồng, chưa kể bất động sản đem lại khoản lợi nhuận đột biến là cảng hóa dầu chuyển đổi thành cảng container và dự án nhà ở Anh Dũng VII tại Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đạo Thịnh, Chủ tịch HĐQT VIP xác nhận, dư địa vượt kế hoạch lợi nhuận của VIP năm nay đến từ việc bán đất và hạ tầng dự án nhà ở Anh Dũng VII. Dự án này có 80.000 m2 đất nhà ở, đã bán 50.000 m2, còn lại 30.000 m2 chào bán với giá 10 triệu đồng/m2, tương ứng 300 tỷ đồng doanh thu, trong khi giá vốn chỉ 2 triệu đồng/m2. Năm 2011, do thị trường bất động sản trầm lắng, VIP bán 3.078 m2 đất dự án Anh Dũng VII, đem lại 21 tỷ đồng lợi nhuận. VIP sẽ đẩy mạnh bán dự án Anh Dũng VII, ông Thịnh cho biết.
Dự án bất động sản của VIP không bị sức ép về tài chính, vì gần như không sử dụng vốn vay ngân hàng. Đó chính là lý do sau những phiên tăng nhanh, VIP đang tích lũy ở giá hơn 9.000 đồng/CP.
Trước đó, diễn biến này cũng đã diễn ra với cổ phiếu SAM, đang tích lũy từ giá 9.000 đến 9.800 đồng/CP trong nhiều phiên vừa qua. SAM khó tăng tiếp do nhà đầu tư chốt lời, nhưng cũng khó giảm về dưới 9.000 đồng/CP, là mức “bán rẻ khó mua lại được”, theo nhận định của nhiều nhà đầu tư.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Sacom nhận xét, giá cổ phiếu SAM vẫn còn thấp hơn giá trị Công ty với quỹ đất lớn và dự án bất động sản đang triển khai không vay vốn ngân hàng. Ông Trắc cho biết, Công ty đã nhận được sổ đỏ khu đất Điện Biên Phủ, sẽ được chuyển nhượng để hiện thực lợi nhuận trong quý này và thoái vốn đầu tư tài chính để tạo dòng tiền triển khai dự án đang đầu tư. “Tôi không cho là cổ phiếu SAM tăng nóng vì nó đã nằm ở giá thấp quá lâu rồi”, ông Trắc nói.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu thị giá thấp nào cũng dễ dàng tăng như vậy. Như VCR, dù năm 2012 có lãi, nhưng đang phải bán khách sạn để tạo dòng tiền hoạt động. Còn TYA, tuy năm 2011 có lãi, năm 2012 đặt kế hoạch lãi 35,6 tỷ đồng và quý I/2012 có lãi tăng so với cùng kỳ nhờ giảm trích lập tỷ giá, nhưng vì lỗ lũy kế còn tới 57 tỷ đồng, nên sau vài phiên tăng, chỉ nằm lại ở giá 6.000 đồng/CP chứ chưa tiến sát mệnh giá như những cổ phiếu khác.
Nhìn lại các cổ phiếu được gọi là nóng gần đây, so với cổ phiếu của các DN khác như SCR, HSG, DXG… thì thời điểm tăng về mệnh giá muộn màng hơn nhiều. Còn xét về tỷ suất lợi nhuận chênh so với mức giá thấp nhất cuối năm 2011, thì cổ phiếu nhỏ tăng còn thấp hơn cổ phiếu đại gia như HAG, HPG... Dòng tiền trên thị trường hẳn có lý lẽ riêng khi tạm rời bỏ cổ phiếu lớn, đi tìm những cổ phiếu dưới mệnh giá.
Thành Nam
đầu tư chứng khoán
|