Góc nhìn tuần 21-25/05: Dòng tiền sắp trở lại?
Mặc dù vẫn còn thận trọng nhưng nhiều công ty chứng khoán đều tin rằng, sau chuỗi điều chỉnh liên tục 7 phiên, thị trường đang kích thích dòng tiền quay trở lại.
Thời điểm mua thích hợp
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Hiện chỉ số này đang ở mức Fibonacci 38,2% nhưng chúng tôi không đánh giá cao mức hỗ trợ này. Do đó, trong các phiên tới, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể giảm tiếp về vùng hỗ trợ 415-425 điểm. Khi đó, nhiều khả năng chỉ báo RSI(14) sẽ đi vào vùng quá bán, là tín hiệu hỗ trợ cho VN-Index.
Ở chiều tăng, VN-Index, có thể phục hồi về mức 440 hoặc xa hơn là 460. Ở chiều giảm, nếu xuống dưới 415-425, VN-Index có thể giảm sâu hơn về 380-390.
Breakout nói trên, nếu xảy ra, sẽ cho thấy sự suy yếu của VN-Index trong bức tranh lớn. Đây là điều chúng tôi mong muốn xảy ra.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi khá tin tưởng và sức mạnh của vùng hỗ trợ 415-425 điểm. Chúng tôi cho rằng đây là điểm mua thích hợp cho nhà đầu tư.
Tiếp tục giảm danh mục
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Tuần qua, chỉ số hai sàn sụt giảm mạnh và đã thiết lập xu thế giảm ngắn hạn sau khi phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Cụ thể, VN-Index đã mất ngưỡng 450 điểm và HNX-Index chính thức rơi khỏi hỗ trợ 75 điểm kèm theo sự sụt giảm dần dần của khối lượng giao dịch cho thấy xu thế giảm điểm có khả năng vẫn còn tiếp diễn.
Nhà đầu tư tạm thời chưa nên tham gia vào thị trường, đồng thời nên tận dụng những thời điểm thị trường phục hồi nhẹ để tiếp tục giảm tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục. Hỗ trợ tiếp theo của VN-Index ở mức 411 điểm, và mức hỗ trợ tương ứng với HNX-Index ở 66 điểm.
Nên hạn chế bắt đáy
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND): Chỉ với diễn biến giảm tuần này, VN-Index quay trở về mức điểm cách đây 2 tháng. Diễn biến giảm điểm mà không có hồi phục, thậm chí chỉ hồi phục trong phiên ở những phiên giảm gần đây là bất thường, cho thấy trạng thái thị trường đang rất yếu và mọi ước đoán về các ngưỡng hỗ trợ hay mức đáy của đợt giảm này đều chứa đựng nhiều rủi ro.
Để khẳng định thị trường kết thúc điều chỉnh, ít nhất cần có 3, 4 phiên mới có thể khẳng định, vì vậy chúng ta tiếp tục quan sát dòng tiền vào thị trường trong các phiên tới có biến chuyển tích cực hay không mới có quyết định tham gia trở lại.
Sự tăng điểm của thị trường trong đầu tuần tới nếu có cũng chỉ tính là sự phục hồi kỹ thuật. Trong trường hợp thị trường thực sự vượt qua điều chỉnh, các quyết định mua vào muộn hơn 1-2 phiên không làm mất đi lợi thế của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc mua vào vội vàng có thể dẫn đến nguy cơ bào mòn tài khoản rất lớn.
Nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi và quan sát thị trường, đặc biệt hạn chế các quyết định bắt đáy trong thời điểm rủi ro này.
Tín hiệu mua đang trở lại
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Sau phiên giao dịch cuối tuần, áp lực giải chấp đang tạo ra sức ép giảm điểm đối với thị trường, đặc biệt là các dòng cổ phiếu “penny” hoặc “mid cap” vốn đã tăng mạnh trong giai đoạn trước và thanh khoản đang “biến mất” khá nhanh từ khi thị trường phá vỡ xu hướng tăng ngắn hạn. Đây là rủi ro có thể khiến đà rơi của thị trường kéo dài hơn dự báo của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ mang tính ngắn hạn và BVS cho rằng khi thị trường hồi phục trở lại, áp lực này cũng sẽ giảm bớt khá nhanh. Bên cạnh đó, đối với những nhóm cổ phiếu bluechips thanh khoản tốt thì sẽ không quá đáng ngại khi lực cầu bắt đáy theo chúng tôi sẽ đủ sức cân bằng lại áp lực bán giải chấp nếu có.
BVS cho rằng, nhịp giảm điểm “khá dốc” này đang bắt đầu cho tín hiệu mua trở lại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc “bắt đáy” này được xem là đầu tư ngược xu hướng, chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao, áp dụng với một tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và nên ưu tiên áp dụng cho các giao dịch T+1, T+2.
Đối với những nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro thấp hoặc danh mục đầu tư trung hạn, BVS cho rằng vẫn chưa đến thời điểm tốt để gia tăng trạng thái cổ phiếu khi nhịp điều chỉnh ngắn hạn này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài thêm.
Dòng tiền được kích thích
CTCP Chứng khoán FPT (FTPS): Sau 7 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp, hầu hết các mã cổ phiếu đang dần rơi về mức giá hợp lý, điều này khả năng sẽ kích thích dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường.
Để thị trường trở lại xu thế tăng bền thì cần có hỗ trợ từ các tín hiệu vĩ mô. Thông tin về CPI tháng 5 sẽ được công bố vào cuối tuần tới, dự kiến sẽ tăng nhẹ. CPI tăng nhẹ trong bối cảnh hiện tại khi mà dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm nó phản ánh chi tiêu giảm, hàng tồn kho không bán được doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp tục vay nợ đây là một tín hiệu khá xấu của nền kinh tế.
Do đó, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ tích cực của chính phủ thì trong ngắn hạn khả năng ít có sóng tăng lớn mà chỉ có thể có sóng tăng hoàn bù cho một đợt giảm mạnh, sau đó xác xuất thị trường trở về trạng thái đi ngang là rất cao. Nên đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm g iữ cổ phiếu nên kiên nhẫn chờ đợi có thể xem xét mua và khi Vn-Index dần tiến về vùng 410-420 và bán ra khi VN -Index quay trở lại gần vùng 460. Đối với nhà đầu tư lướt sóng đang nắm giữ cổ phiếu nên chờ các phiên Bulltrap khi thị VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 430 để giảm bớt tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, và chờ đợi mua lại khi VN-Index tiến gần về vùng 410-420. Đối với nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
FINFONET
|