Thứ Hai, 07/05/2012 13:24

Giảm margin lãi suất: Khó thực hiện nếu không bị ép

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả ngân hàng hoài nghi về khả năng áp dụng rộng rãi margin lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc với 14 ngân hàng thương mại để bàn về việc giảm tiếp lãi suất cho vay với chủ trương khống chế mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (margin lãi suất) không quá 3% với 4 lĩnh vực ưu tiên.

Ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay: “Thống đốc chỉ đạo chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra không quá 3% là xét trên tình hình kinh tế, lãi suất đầu vào hiện nay và căn cứ vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước phải là đơn vị chủ lực thực hiện chính sách này. Đề nghị các ngân hàng này cơ cấu lại nguồn vốn, để có thể đáp ứng chênh lệch 3%. Còn với các lĩnh vực, đối tượng khác, NHNN không cấm cho vay theo hình thức thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có tình hình sản xuất, kinh doanh tốt, các ngân hàng thương mại không có lý do từ chối cho vay với lãi suất hợp lý”.

Ủng hộ chủ trương trên của NHNN, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, ngân hàng này không gặp khó khăn gì với margin trên. Trên thực tế, từ khi chưa có chỉ đạo của NHNN, VPBank đã chủ động tung ra gói hỗ trợ 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho 4 lĩnh vực ưu tiên và vẫn chưa sử dụng hết gói hỗ trợ này.

Tương tự, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết thêm, trong buổi làm việc với 14 ngân hàng, ngoài chủ trương margin lãi suất với 4 lĩnh vực ưu tiên là 3%, Thống đốc cũng khuyến nghị margin với các khoản vay thông thường theo hình thức thỏa thuận không nên vượt quá 6%. Theo tính toán của ông Hà, con số 3% là phù hợp bởi chi phí tín dụng hiện ở mức 2,6-2,7% (bao gồm chi phí trả lương nhân viên, dự trữ bắt buộc…). Hiện tại, BIDV đang áp dụng cho vay với các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất đúng như chủ trương của NHNN.

Chủ trương thu hẹp margin lãi suất của NHNN được các doanh nghiệp hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả ngân hàng hoài nghi về khả năng áp dụng rộng rãi margin lãi suất của các ngân hàng thương mại.

“Margin này chỉ là chủ trương của NHNN, chứ không phải là trần lãi suất cho vay, không bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện. Các ngân hàng tùy năng lực tài chính và đòi hỏi của cổ đông về lợi nhuận, cổ tức từng ngân hàng để áp dụng. Vụ Tín dụng (NHNN) phải vận động các ngân hàng cùng thực hiện chủ trương này, chứ không chỉ riêng BIDV làm”, ông Hà nhận định.

Tuy nhiên, ngoài một số ngân hàng lớn tiên phong giảm lãi suất như BIDV, rất nhiều ngân hàng tỏ ra không hài lòng với chủ trương thu hẹp margin lãi suất của NHNN. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Thu hẹp margin thực ra là áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên. Thực tế, chủ trương này chỉ có lợi cho các ngân hàng lớn”. Đây là lý do trong cuộc họp giữa NHNN với 14 ngân hàng thương mại vừa qua, ngay cả những ngân hàng thương mại tầm trung cũng không muốn áp dụng tỷ lệ margin này. Thậm chí, có ngân hàng cho biết, nếu bị ép cho vay với lãi suất thấp, họ sẵn sàng để vốn “chết”.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhiều ngân hàng thương mại từ chối thu hẹp margin lãi suất chứng tỏ, thanh khoản của một số ngân hàng còn căng thẳng, dù thanh khoản chung của toàn hệ thống rất tốt, nguồn vốn dư thừa. Do vậy, phải đợi xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, thì hệ thống ngân hàng mới thực sự vào cuộc giảm lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ và bơm vốn rẻ ra thị trường.

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tuần cuối tháng 4, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh 5.22% (07/05/2012)

>   Cho vay vàng mua đất: Hàng trăm ngàn lượng khó thu hồi (07/05/2012)

>   Ngân hàng chăm chút doanh nghiệp nhỏ (07/05/2012)

>   Nước mắt doanh nghiệp và nụ cười nhà băng (07/05/2012)

>   Đổi “sổ giữ hộ” sang chứng chỉ vàng (07/05/2012)

>   Kiểm soát ngân hàng: Lòng tham vô hiệu quy định (07/05/2012)

>   'Trần cho vay 15% sẽ khơi thông dòng vốn' (05/05/2012)

>   Xây dựng và sắt thép nợ quá hạn nhiều nhất ở BIDV (05/05/2012)

>   Mở nút cổ chai (05/05/2012)

>   Đảo nợ, ai hưởng lợi? (05/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật