“Cần đặt hàng thêm cho chính sách tài khóa”
Chính sách tiền tệ là chưa đủ và dư địa của nó đang thu hẹp, giải quyết khó khăn của kinh tế hiện nay cần đặt thêm “đơn hàng” cho chính sách tài khóa.
Đây là quan điểm của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khi trao đổi với VnEconomy về cơ chế áp trần lãi suất cho vay theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (8/5).
Thưa ông, ông bình luận gì sau khi Ngân hàng Nhà nước áp cơ chế trần lãi suất tiền vay như vậy?
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong Nghị quyết 11 về bản chất là sử dụng biện pháp giảm tổng cầu để chống lạm phát. Nhiều quốc gia khi chống lạm phát thường sử dụng hai biện pháp đồng thời là giảm tổng cầu và giảm cung ứng tiền. Trong khi đó, Việt Nam lại sử dụng biện pháp giảm tổng cầu là chủ yếu.
Đến nay, chúng ta đã nhìn thấy tác động tích cực từ sự lựa chọn đó. Đó là lạm phát đã được kiểm soát khi tốc độ tăng CPI chững lại, tháng sau thấp hơn tháng trước, quý sau thấp hơn quý trước. Thậm chí, có nhiều chuyên gia đánh giá rằng, nền kinh tế đang có dấu hiệu của thiểu phát.
Tuy nhiên, khi giảm tổng cầu thì nhu cầu nền kinh tế bị giảm xuống, điều đó có nghĩa, doanh nghiệp bán hàng chậm hơn, tồn kho tăng thêm, luân chuyển hàng hóa vật tư chậm lại và doanh nghiệp bị thiếu nguồn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính, trong đó có việc trả nợ cho ngân hàng. Cũng vì thế, khả năng sản xuất kinh doanh bị giảm sút mạnh, thất nghiệp tăng thêm, tăng trưởng kinh tế chững lại.
Tôi cho rằng, đó là cái giá phải trả trong quá trình chống lạm phát. Bởi vì bất cứ chính sách nào cũng có tính hai mặt đối lập, buộc phải đánh đổi và chọn lựa khả năng nhiều tích cực hơn.
Trước tình hình như vậy, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tìm cách giảm lãi suất tiền gửi tiền vay; đặc biệt, ngày 4/5, Ngân hàng Nhà nước thiết lập trần lãi suất tiền vay đối với khu vực sản xuất ở mức 15%/năm là giải pháp quyết liệt và rất cần thiết.
Việc hạ lãi suất tiền gửi, chặn lãi suất tiền vay 15%/năm như hiện nay có tác động cụ thể như thế nào đến thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh, thưa ông?
Trước khi nói đến điều này, chúng ta phải nghiên cứu đến 4 tình huống lựa chọn của chính sách tiền tệ: thiết lập hai trần lãi suất tiền gửi - tiền vay; tự do hóa lãi suất hoàn toàn; duy trì trần lãi suất tiền gửi, không đặt trần lãi suất tiền vay và cuối cùng là thiết lập trần lãi suất tiền vay, mở trần lãi suất tiền gửi.
Trong 7 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã ý thức được việc lựa chọn cơ chế kiểm soát lãi suất trong việc tác động đến lạm phát. Đó là sự lựa chọn đúng đắn.
Với lãi suất thấp tiền vay xuống 15%/năm so với mức 17% - 18%/năm trước đó thì doanh nghiệp đã tiết giảm được chi phí đáng kể, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa.
Theo ông, có nên công khai dư nợ được hưởng lãi suất 15% để tránh dị nghi ngân hàng làm… “màu”, nói là giảm nhưng chỉ là tượng trưng?
Tại sao lại không? Phải thống kê tỷ trọng tín dụng cụ thể với lãi suất để biết nền kinh tế được hưởng bao nhiêu tiền với lãi suất 15%/năm. Chỉ có điều, trong lúc khó khăn như hiện nay, ngân hàng không dễ gì tìm được doanh nghiệp tốt để cho vay.
Thực tế hiện nay ngân hàng muốn cho vay lãi suất 15%/năm chứ, bởi họ đang phải gửi vốn trên liên ngân hàng với lãi suất chỉ trên dưới 5%/năm. Nhưng đẩy mạnh cho vay ra cũng khó, bởi sau một thời gian dài khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng trệ, hàng tồn kho nhiều, nhu cầu vay của doanh nghiệp đã hạn chế.
Từ trước đến nay, mỗi khi lạm phát, doanh nghiệp gặp khó khăn thì tiền tệ luôn là công cụ để thực hiện các điều chỉnh vĩ mô. Ông nghĩ gì khi lần này cũng giống như nhiều lần trước?
Trên thực tế, lãi suất là một cấu phần trong chi phí doanh nghiệp, việc giảm lãi suất sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán. Nhưng phải thấy rằng, dư địa của chính sách tiền tệ đã hạn hẹp, dù có nỗ lực hơn cũng chỉ đến thế.
Tôi thấy vấn đề bây giờ không đơn thuần chỉ sử dụng công cụ lãi suất mà Chính phủ cần nhanh chóng tạo ra cơ hội kinh doanh và đầu tư, nhất là sau một thời gian dài, doanh nghiệp phải chịu đựng sự khắc nghiệt của chính sách giảm tổng cầu. Nói cách khác, cần nhanh chóng kích cầu trong nền kinh tế, nếu không thì mọi việc sẽ quá muộn.
Và để kích cầu thì khu vực đầu tiên chính là đầu tư công, bởi đây là đầu mối kích hoạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết lao động, việc làm. Với Việt Nam hiện nay, chỉ có những gói kích cầu quy mô lớn thì mới nhanh chóng đưa nền kinh tế ra khỏi một phần khó khăn. Nói cách khác, phải đặt ngay các “đơn hàng” cho chính sách tài khóa.
Tất nhiên, đầu tư công và chi tiêu của Chính phủ vẫn gặp phải vấn đề là tính hiệu quả, phải chịu áp lực giám sát về hiệu quả.
Nhưng hẳn là ông cũng biết, ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, càng gia tăng chi tiêu, mức độ thâm hụt càng lớn, nên giải bài toán này như thế nào?
Như tôi đã nói, đầu tư công là đầu mối để kích hoạt các vận động cần thiết của nền kinh tế. Vấn đề là tính hiệu quả của nó. Chúng ta không quá lo về thâm hụt ngân sách. Vì sao? Vì khi kích hoạt để nền kinh tế hồi phục và khởi sắc trở lại, doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhiều hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, Nhà nước sẽ tăng thu hơn.
Thử nhìn từ kinh nghiệm của Mỹ. Chúng ta đã thấy Quốc hội đồng ý cho Tổng thống Obama nâng trần nợ công nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách. Đối với Việt Nam, giải pháp tốt nhất là Chính phủ nên cam kết với quốc dân sử dụng vốn ngân sách thật hiệu quả khi đầu tư vào các dự án công; đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ, chắc chắn vấn đề kích cầu đầu tư công sẽ thành công.
Kinh tế Mỹ gần đây khởi sắc chứng tỏ chính sách của họ đang đi đúng hướng và Việt Nam cần tham khảo.
Tôi được biết, Chính phủ đang có kế hoạch tung ra gói hỗ trợ sản xuất có giá trị 29.000 nghìn tỷ đồng trong thời gian tới. Đó là hành động cần thiết và nên triển khai sớm.
Nguyễn Hoài
tbktvn
|