Có thể thả nổi lãi suất từ quý IV
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải pháp áp trần lãi suất cho vay 15%/năm đối với 4 lĩnh vực ưu tiên kể từ ngày 8/5 là cần thiết, song không thể kéo dài, mà cần tính tới thả nổi lãi suất, có thể từ quý IV/2012.
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên. Thêm một biện pháp hành chính được áp dụng, điều này có hợp lý không?
Việc NHNN quyết định kéo lãi suất cho vay xuống bằng việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm đã thỏa mãn được một số đòi hỏi rất cấp bách của các doanh nghiệp (DN), bởi thời gian qua, DN đã quá điêu đứng vì lãi suất cao. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng với DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên có thể gây bức xúc cho DN hoạt động ở các lĩnh vực khác.
Thứ hai, áp trần lãi suất về mặt thực tế là cần thiết, song đây là biện pháp hành chính, không phù hợp với kinh tế thị trường và không thể kéo dài. Chưa kể, việc NHNN yêu cầu các ngân hàng áp dụng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay (margin lãi suất) tối đa 3% cho tất cả ngân hàng, tất cả loại hình vay, mọi loại rủi ro khác nhau là không phù hợp.
Liệu có thể xảy ra tình trạng ngân hàng thương mại vượt rào, lách trần lãi suất cho vay?
Đó là khả năng dễ xảy ra và đã xảy ra trong quá khứ. Cứ khi nào NHNN áp trần lãi suất cho vay là các ngân hàng lại “lách” bằng cách thu các loại phí khác, như phí giải ngân, phí thẩm định, phí tư vấn… và không tính vào lãi suất. Vì vậy, để trần lãi suất cho vay 15%/năm đi vào cuộc sống, NHNN cần giám sát chặt chẽ, nếu không sẽ tái diễn tình trạng trước đây.
NHNN đã tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất ở thời điểm thích hợp. Theo ông, đâu là thời điểm thích hợp cho thả nổi lãi suất?
NHNN tuyên bố sẽ thả nổi lãi suất ở thời điểm thích hợp khi lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và ổn định. Theo tôi, có thể lãi suất sẽ được thả nổi vào quý IV năm nay. Tuy nhiên, thả nổi lãi suất phải đi cùng điều kiện: chấp nhận cho ngân hàng yếu kém phá sản.
Nếu NHNN tuyên bố không để ngân hàng yếu kém nào phá sản, người dân cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền. Còn nếu cho phép thị trường đào thải ngân hàng yếu, người dân thấy ngân hàng nào đẩy lãi suất huy động lên cao sẽ phải cảnh giác, vì lo sợ ngân hàng đó đói thanh khoản.
Lãi suất đã hạ, nhưng liệu DN có thể tiếp cận được vốn?
Đây cũng là điều tôi muốn nói. Hạ lãi suất là điều cần thiết, nhưng chưa đủ với DN. Vì hạ lãi suất và tiếp cận nguồn vốn là hai vấn đề khác nhau. Dù NHNN có đẩy lãi suất xuống dưới 10%/năm, nhưng nếu các ngân hàng thương mại tiếp tục thắt chặt tín dụng, DN không có tài sản thế chấp, tình hình tài chính không ổn định, thì vẫn không thể vay vốn.
Tôi cho rằng, hạ lãi suất hiện không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, mà việc ưu tiên hơn là làm sao để bơm tiền ra cho nền kinh tế.
Hà Tâm
đầu tư
|