Braxin sẵn sàng đương đầu với khủng hoảng từ Eurozone
Trong một bài phát biểu ngày 21/5 tại thành phố Santa Catarina, miền nam Braxin, Tổng thống Braxin Dilma Rousseff tuyên bố nước này đã “chuẩn bị tới 300%” để khắc phục tác động từ cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (Eurozone).
Hãng AFP dẫn lời bà Rousseff khẳng định một cách tự tin rằng Braxin đã chuẩn bị đương đầu với những gì đang xảy ra tại châu Âu. Nữ Tổng thống quốc gia Nam Mỹ thậm chí còn nhấn mạnh: “Tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đã chuẩn bị tới 100%, 200% và thậm chí là 300%. Braxin sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng này bằng những dự án tạo công ăn việc làm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các hoạt động xã hội”.
Tuy nhiên, Bà Rousseff cũng tin rằng nếu chỉ sử dụng riêng những biện pháp khắc khổ thì sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Bà cho rằng trong vài năm qua, kể từ nhiệm kỳ của (cựu) Tổng thống Inacio Lula da Silva, Braxin đã tự chuẩn bị để đối phó với những cuộc khủng hoảng từ bên ngoài. Người phụ nữ quyền lực nhất Braxin lạc quan: “Các bạn nên nhớ rằng trước đây, từng có những dự đoán rằng nếu (kinh tế) thế giới “hắt hơi”, Braxin sẽ bị “viêm phổi”. Giờ thì chúng tôi chẳng bị viêm phổi gì cả”. Bà Rousseff lưu ý rằng chính Braxin là nước đã nổi lên “mạnh mẽ hơn” từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Braxin có thể đạt 4,5% trong năm nay, dù các nhà phân tích vừa công bố bản báo cáo trên tạp chí tuần Ngân hàng Trung ương Braxin, trong đó dự đoán tỷ lệ này là 3,2%. Tỷ lệ lạm phát tại Braxin năm 2011 lên tới mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu dự tính, nhưng đã bắt đầu giảm trong vài tháng đầu năm 2012. Điều này có nghĩa là lạm phát tại Braxin có thể giảm tới gần mức mục tiêu là 4,5% vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang liêu xiêu vì khủng hoảng tài chính, không chỉ riêng Braxin mà cả vùng Mỹ Latinh đang được đánh giá là hình mẫu tăng trưởng cho các khu vực. Theo đánh giá hôm 15/5 của Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Hasan Tuluy, khu vực Mỹ Latinh đã có sự phối hợp giữa chính sách kinh tế hiệu quả với đầu tư xã hội then chốt đã duy trì các động lực tăng trưởng và cơ hội để Mỹ Latinh liên tục phát triển, trong đó đảm bảo cân bằng giữa kỷ luật tài chính, các chương trình xã hội phổ quát và tăng trưởng kinh tế mạnh.
Theo số liệu của WB, trong 10 năm qua (2002-2011), thu nhập tính theo đầu người toàn khu vực Mỹ Latinh tăng đồng loạt 25%, trong đó 6 nước như Panama, Peru, Urugoay, Áchentina, Chilê và Cộng hòa Đôminicana đạt kỷ lục tăng trưởng hơn 40%. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 tuy làm xáo động kinh tế khu vực nhưng nhờ chính sách kinh tế, kỷ luật tài chính và thể chế tài chính mạnh, Mỹ Latinh sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 3,5-4% trong năm 2012 và 2013.
Báo tin tức
|