Vì sao G8 muốn giữ Hy Lạp ở lại Eurozone?
Hôm qua (20/5), lãnh đạo 8 nền kinh tế phát triển gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga và Mỹ (G8) đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm tại Trại David (Maryland, Mỹ).
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo nhóm cường quốc kinh tế này đã cam kết tăng cường và phục hồi kinh tế, giải quyết các khó khăn tài chính mặc dù thừa nhận các biện pháp ở từng nước không giống nhau.
Các nhà lãnh đạo G8 khẳng định, việc Hy Lạp ra đi sẽ để lại những hậu quả không thể lường trước. “Chúng tôi tái khẳng định quyền lợi của mình trong việc giữ Hy Lạp ở lại Khu vực đồng Euro (Eurozone) trong khi vẫn đảm bảo cam kết”, tuyên bố nêu rõ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo không đưa ra được liều thuốc cụ thể nào để kéo Athens ra khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên trầm trọng và có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng khó lường tới tình hình tài chính châu Âu cũng như thế giới.
Tuyên bố chung chỉ cho rằng cần phải cho các nước đang mắc nợ công cao có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng và cho họ chọn những điều kiện phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc cắt giảm ngân sách.
Tuyên bố kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu ngân sách, trong khi hàng loạt nước Liên minh châu Âu đang cắt giảm ngân sách giáo dục, tăng học phí, làm con em các gia đình lao động khó khăn hơn.
Theo chuyên gia thuộc Viện Brookings, Domenico Lombardi, tuyên bố chung của hội nghị G8 lần này phản ánh quan điểm của Mỹ rằng không có Hy Lạp, sự ổn định của Eurozone sẽ bị tổn hại, tác động tiêu cực tới toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Vài ngày trước, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Christine Lagarde cho biết việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ gây ra tổn thất rất lớn và nặng nề. Theo bà, việc Hy Lạp rời Eurozone không phản ánh được nguyện vọng của người Hy Lạp.
Lời phát biểu của bà Lagarde củng cố thêm quan điểm của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng sự ra đi này có thể gây ra hiệu ứng tương tự năm 2008, khi sự sụp đổ của Lehman Brothers kéo theo khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuần trước, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã thừa nhận người dân nước này đang hoang mang. Chỉ một tuần sau cuộc bầu cử ngày 6/5, 3 tỷ Euro (tương đương 3,8 tỷ USD) đã bị người dân rút ra khỏi các tài khoản trong ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương Hy Lạp nói tình trạng của các ngân hàng hiện rất khó khăn và hệ thống ngân hàng rất yếu. Vào tháng 2, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hi Lạp Evangelos Venizélos ước tính khoảng 16 tỷ Euro đã được chuyển ra nước ngoài kể từ 2009.
Và trong khi các ngân hàng đang khốn khổ với lượng tiền mặt đang khan hiếm dần, thì ngành kinh doanh tủ an toàn lại phất lên đáng kể. Doanh thu trong những ngày gần đây tăng lên đến 40%. Lượng hàng tồn kho cũng không đủ cung cấp cho khách hàng.
Các nhà kinh doanh phải liên tục đặt hàng từ các nhà sản xuất Italy. Thậm chí, nhiều nhà kinh doanh đã chớp cơ hội kinh doanh này để thu mua lại các tủ sắt cũ, sau đó cải tạo lại để có thể cung cấp cho khách hàng.
Viện trưởng Viện Tài chính quốc tế Charles Dallara nhận định việc người dân Hy Lạp rút tiền ồ ạt là do tâm lý bất an trước tương lai chính trị mờ mịt và khả năng Athens sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Chuyên gia Doug McWilliams thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh ước tính, nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone thì khối này sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương 5% tổng GDP của khối.
Còn theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling, “việc Hi Lạp rút khỏi khối đồng Euro chứa đựng nhiều mầm mống của một thảm họa. Nếu nó lan rộng ra các nước lớn hơn, quả thật đây sẽ là một thảm họa cho châu Âu”.
Chưa hết, tờ Le Figaro của Pháp mới đây có bài phân tích cho rằng, có hai lý do để giải thích cho việc vì sao châu Âu cần phải làm đủ mọi cách để duy trì Hy Lạp trong khối.
Trên phương diện chính trị, từ hai năm nay, cả Liên minh châu Âu đã chiến đấu không mệt mỏi để duy trì khu vực đồng tiền chung. Các nước trong khối vượt qua mọi bất đồng để đến cứu nguy các quốc gia gặp khó khăn.
Vì vậy, từ bỏ Hy Lạp sau ngần ấy nỗ lực chiến đấu sẽ dẫn đến thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xây dựng châu Âu. Bởi vì, sau Hy Lạp, một nước khác như Tây Ban Nha – trước khi đến phiên các nước khác – có thể sẽ chịu chung số phận.
Lý do thứ hai là vấn đề tài chính. Về lý thuyết, sự phá sản của Hy Lạp có lẽ sẽ không đặt châu Âu trong tình trạng nguy hiểm. Nhưng các phép tính vẫn chưa hề tính đến hiệu quả của sự lây lan và các thiệt hại khôn lường bên lề của sự việc.
Quan điểm này cũng được báo Le Monde chia sẻ. Tờ này cho rằng, vận mệnh của Hy Lạp do chính người dân quyết định. Tuy nhiên, việc đề nghị Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro dù là bằng ép buộc hay qua thỏa thuận đều có thể có tác động nặng nề.
Đối với châu Âu, sự ra đi của một thành viên sẽ dẫn đến thất bại thảm khốc. Đó là Eurozone giàu có lại không thể nào đến cứu vãn được một thành viên với khoản nợ chỉ chiếm có 2% GDP toàn khối. Cú thất bại này sẽ để lại hình ảnh xấu cho đồng Euro.
Đối với người dân Hy Lạp, đó sẽ còn là một bi kịch tệ hại hơn bi kịch mà họ đang trải qua hiện nay. Bởi vì, nếu họ phải quay trở lại với đồng tiền drachma cũ của mình, điều đầu tiên xảy đến chính là đồng tiền này sẽ bị giảm giá đến 50%.
Sony Kapoor thuộc Hãng tư vấn Re-Define nói: “Ai nói việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone không phải vấn đề lớn thì một là không biết mình nói gì, hai là có động cơ bí mật. Thiệt hại về xã hội, chính trị và kinh tế đối với EU là không thể đong đếm được”.
Tuy nhiên, cho dù như vậy, thì một số chuyên gia cũng vẫn kiên trì quan điểm cho rằng nếu Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu, thì chỉ có người dân Hy Lạp phải chịu tổn thất và các nước châu Âu còn lại có thể chống đỡ được hậu quả.
Hoài An
TBKTVN
|