G8 muốn Hy Lạp ở lại eurozone
Hội nghị thượng đỉnh G8 ban hành tuyên bố kêu gọi Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro (eurozone) sau khi thảo luận về vấn đề kinh tế châu Âu ngày 19-5.
|
Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2012 tại Camp David, Washington, Mỹ. |
Các nhà lãnh đạo G8 tại hội nghị thượng đỉnh ở Camp David, Washington (Mỹ) cho biết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm là nhiệm vụ mà họ phải nỗ lực hết sức để thực hiện.
Các nhà lãnh đạo nói để phục hồi kinh tế và chống lại áp lực tài chính, các nước châu Âu cần thực hiện tất cả biện pháp có thể.
G8 chủ trương cùng nhau khắc phục các yếu tố tiêu cực trong lĩnh vực tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Thắt chặt và tăng trưởng
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo G8 cũng thừa nhận các nước có sự khác biệt trong các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng của eurozone, nhất là quan điểm về việc nên tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính hay nên kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bênh vực cho chính sách khắc khổ, gọi đây là con đường quan trọng cho ổn định kinh tế châu Âu. Trong khi đó, Tổng thống mới của Pháp Francois Hollande muốn chính phủ chi tiêu nhiều hơn để kích thích kinh tế.
Sau buổi họp, ông Mike Froman - một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama - nói 8 nước G8, trong đó có 4 nước châu Âu, đồng ý cần có cách tiếp cận quân bình để giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay của châu Âu. Ông nói: “Tất cả đều đồng ý cần củng cố chính sách tài khóa tùy theo hoàn cảnh của từng nước nhưng đồng thời cần tăng trưởng kinh tế”.
Sau cuộc họp ngày 19-5, Tổng thống Obama sẽ họp riêng với Thủ tướng Đức Merkel. Tình hình kinh tế yếu kém đang là trở ngại lớn nhất của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2012.
Các vấn đề khác
Ngoài các vấn đề kinh tế, hội nghị thượng đỉnh G8 cũng thảo luận về vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, khí hậu, Trung Đông - Bắc Phi, Afghanistan, CHDCND Triều Tiên…
Tại hội nghị thượng đỉnh G8 lần này, Tổng thống Obama đã mời một số nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU). Họ đã cùng các nhà lãnh đạo G8 thảo luận làm thế nào để nhanh chóng đảm bảo an ninh lương thực tại châu Phi.
Sau cuộc họp tại Camp David, hầu hết các nhà lãnh đạo G8 sẽ đến Chicago để dự hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lẽ ra, G8 cũng họp tại Chicago nhưng Tổng thống Obama muốn có không khí yên tĩnh hơn cho G8 nên đã chọn Camp David.
Các nước G8 bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Ý, Canada và Nga. (theo BBC, VOA)
Phúc Minh
TBKTSG
|