Xử lý người đứng đầu tập đoàn, khó gì?
Tuần truớc, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố một loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thời kỳ 2006 – 2010. Báo chí đã nêu thông tin về trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao thông vận tải hiện nay vì trong thời kỳ ông này làm chủ tịch hội đồng thành viên PVN (2006 – 2011). Theo như quy định hiện nay, “người đứng đầu” các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên quan khi ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách có xảy ra tiêu cực, sai phạm ở bộ phận, cá nhân nào đó, cho dù người đứng đầu không trực tiếp dính líu đến các sai phạm này.
Cụ thể hơn, kết luận của TTCP cho thấy nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh... của PVN có những sai phạm như việc sử dụng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của PVN để chi cho những dự án không phải là dự án dầu khí trọng điểm; các quyết định chỉ định thầu trái quy định hai gói thầu trị giá 32,67 tỉ đồng. Hoặc, việc mua một con tàu rất cũ của Na Uy giá trị 30 triệu USD, qua thời hạn mười năm so với quy định đăng kiểm… Tất cả những sai phạm này, khiến người ta suy luận: không thể không có trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhưng thực tế, ở những vụ việc như trên, xử lý trách nhiệm người đứng đầu lại không có cơ sở pháp lý. Ở trường hợp ông Đinh La Thăng, có lẽ không phải vì ông này đã chuyển công tác, lên làm bộ trưởng nên khó xử lý, mà vì hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm với người đứng đầu nếu đơn vị đó xảy ra sai phạm trong điều hành. Pháp luật hiện nay chỉ có thể xử lý người đứng đầu, khi sai phạm đó là tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí. Theo nghị định 107/NĐ-CP về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí thì có quy định khá cụ thể. Còn các dạng sai phạm khác như: để xảy ra cháy nổ, tai nạn, ra quyết định sai...thì chỉ nêu chung chung, không có hướng dẫn cụ thể hơn ở các thông tư, văn bản dưới nghị định, nên không có cơ sở để xử lý người đứng đầu như ở trường hợp ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn ở các sai phạm của PVN như chỉ định thầu, mua tàu cũ..., nếu cơ quan chức năng xác định được mức độ lãng phí do việc chỉ định thầu sai, mua tàu trái quy định gây ra thì vẫn có thể xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu PVN.
Tuy nhiên, thực tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy, đã đến lúc cần có quy định cụ thể hơn cả việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Vừa qua, không chỉ ở PVN, một loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa qua do TTCP, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ Tài chính và nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật khác cũng phát hiện không ít sai phạm. Như trong quý 1, TTCP đã làm rõ nhiều sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỉ đồng. Có nhiều sai phạm, trên thực tế gây hậu quả không nhỏ cho nền kinh tế, xã hội. Vì vây, cần phải quy trách nhiệm của người đứng đầu để họ phải nghiêm túc, có trách nhiệm hơn trong việc điều hành, sửa chữa các sai lầm đã gây ra và hạn chế những quyết định sai lầm về sau.
Pháp luật hiện nay chỉ có thể xử lý người đứng đầu khi sai phạm đó là tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí. Còn các dạng sai phạm khác như: để xảy ra cháy nổ, tai nạn, ra quyết định sai... thì chỉ nêu chung chung, không có hướng dẫn cụ thể nên không có cơ sở để xử lý người đứng đầu. |
Chính vì chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân nên không chỉ có TTCP mà ở nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra khác, từ Trung ương xuống địa phương, rất ít khi nêu trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được thanh tra, kiểm toán nhắc đến, nêu rõ trong biên bản, kết luận. Thông thường là những câu hết sức chung chung: “Kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm nêu trong kết luận…”
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, để có quyết định xử lý với trường hợp ông Đào Văn Hưng, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – người đã bị Thủ tướng quyết định cho thôi chức, điều chuyển công tác về bộ Công thương để bộ này tổ chức kiểm điểm. Ông Hưng có trách nhiệm về quản lý khi để công ty Viễn thông điện lực làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ quá lớn…phải sáp nhập vào tập đoàn Viettel. Nếu ông Hưng bị xử lý, có thể nói, đây là một trong những trường hợp đầu tiên về việc người đứng đầu bị xem xét, kỷ luật ở dạng sai phạm chưa phải là tham nhũng (bởi vì, nếu tham nhũng hay cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, ông này đã bị truy tố theo luật tố tụng hình sự). Việc kỷ luật ấy thực sự là cần thiết để đảm bảo trách nhiệm điều hành, chỉ đạo ở cấp cao nhất các tập đoàn, tổng công ty nhà nước – những nơi nắm giữ rất lớn các nguồn lực tài chính, tài nguyên lớn nhất của đất nước. Và cần nhiều hơn thế nữa là những quy định, được luật hoá xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi ra các quyết định, chỉ thị trái luật, để xảy ra các sai phạm lớn, làm tổn hại không nhỏ đến lợi ích kinh tế cho Nhà nước, cho xã hội…
Mạnh Quân
sài gòn tiếp thị
|