Chủ Nhật, 08/04/2012 09:58

Việt Nam đang mất dần sức cạnh tranh 

Nhận định về tình trạng sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua của Việt Nam, tân Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), ông Preben Hjortlund nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dần mất đi sức cạnh tranh trong khu vực.

Ông Preben Hjorthund.

TBKTSG: Gần đây, Thái tử Bỉ đã dẫn một phái đoàn gần 300 doanh nghiệp Bỉ tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Đây có phải là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm cơ hội để dịch chuyển dòng vốn từ các nước EU sang châu Á, trong đó có Việt Nam?

- Ông Preben Hjortlund : Các khó khăn hiện tại của nền kinh tế đồng euro tất yếu sẽ tác động lên nguồn vốn FDI tại châu Á và một số nơi khác. Tuy nhiên, nhận định như trên thì không đúng. Trong cuộc khảo sát về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi “liệu khủng hoảng kinh tế hiện tại của châu Âu có ảnh hưởng  đến quyết định của công ty trong việc đầu tư vào Việt Nam không”, 55% thành viên EuroCham tham gia cuộc khảo sát đã khẳng định khủng hoảng có ảnh hưởng đến họ, mặc dù chỉ “nhẹ” thôi. Ngược lại, 44% cho rằng không có ảnh hưởng.

Việc sụt giảm FDI trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng Việt Nam đang dần mất đi sức cạnh tranh trong khu vực và các nhà đầu tư đang tìm kiếm địa điểm khác. Điều này đặc biệt đúng khi so sánh với Indonesia. Nước này đang có sức hấp dẫn lớn trong việc thu hút FDI tại thời điểm này. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2012 đã cho thấy Việt Nam giảm sáu bậc về tiêu chí sức cạnh tranh. Đây không phải là tin tốt. Tuy nhiên sự kiện phái đoàn Bỉ sang Việt Nam cho thấy mặc dù có những khó khăn thì sự quan tâm của châu Âu vào Việt Nam vẫn mạnh.

TBKTSG: Với các nhà đầu tư châu Âu, vướng mắc lớn nhất hiện nay mà họ gặp phải  tại Việt Nam là gì?

- Lạm phát cao, theo dự báo gần đây của Ngân hàng Standard Chartered là 11,3%, là vấn đề lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng năm 2012 lạm phát sẽ giảm bớt và nền kinh tế sẽ ổn định trở lại. Quản lý thâm hụt thương mại của Việt Nam cũng là câu chuyện đáng lo (năm 2011 Việt Nam thâm hụt thương mại 9,5 tỉ đô la Mỹ). Thay vì quản lý bằng cách hạn chế nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích nhập khẩu để tăng xuất khẩu về dài hạn.

Để thu hút vốn FDI có chất lượng tốt hơn, Chính phủ nên dỡ bỏ các hạn chế không cần thiết trong việc tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến tự do thương mại ngay trong năm nay. Mặc dù các doanh nghiệp châu Âu còn kiên nhẫn và vẫn hy vọng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ tốt lên, nhưng niềm tin của họ đang dần giảm xuống kể từ đầu năm 2011. Họ lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

TBKTSG: Có những nguyên nhân nào khác khiến niềm tin của nhà đầu tư châu Âu sụt giảm?

- Nhiều vấn đề đã được EuroCham nêu ra trong cuốn sách trắng năm ngoái và năm nay có thêm vài vấn đề mới. Tỷ lệ lạm phát cao kèm với sự tiếp cận khó khăn trong tín dụng, thiếu cơ sở hạ tầng tương xứng và các gánh nặng hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề mới về tiếp cận thị trường đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hàng hóa châu Âu vào Việt Nam.

Tuy nhiên vẫn còn hàng tỉ đô la đầu tư vào các thị trường mới nổi tại châu Á nhưng sự cạnh tranh giữa các nước trở nên gay gắt hơn.

TBKTSG: Về  dài hạn, để có thể  là một điểm đến đầu tư thực sự hấp dẫn, Việt Nam phải làm gì?

- Việt Nam nên nghĩ về cách định vị mình như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu không thể vượt qua được mô hình xuất khẩu dựa trên lao động giá rẻ, Việt Nam có thể sẽ bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình với nền kinh tế nghèo nàn hơn. Như vậy, sự cải cách trong những lĩnh vực cụ thể là cần thiết. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 có rất nhiều mục tiêu đầy hứa hẹn cần được chuyển đổi thành các biện pháp cụ thể, được thực hiện chính xác và đúng thời điểm.

Chiến lược trên nhấn mạnh vào việc tiếp tục cải cách hành chính tại cấp tỉnh và cấp quốc gia; nâng cao kỹ năng và năng suất cho lực lượng lao động Việt Nam, cụ thể là nâng cao đào tạo cấp cao và đào tạo nghề, cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn cung năng lượng.

Thực ra, các nhà đầu tư châu Âu đều biết những gì là lợi thế của Việt Nam và họ muốn nhìn thấy tiến trình cải cách, việc tiếp tục mở cửa của nền kinh tế và giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề đã nêu ra ở trên.

Chiến Thắng

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Bến Tre: Thu hút thêm 2.350 tỷ đồng vốn đầu tư (08/04/2012)

>   'Tín dụng mắc kẹt, tăng trưởng khó đạt 6%' (07/04/2012)

>   Ông Lê Đăng Doanh: Bối cảnh mới, đòi hỏi mới (07/04/2012)

>   'Trảm' nhiều dự án FDI tỷ đô (06/04/2012)

>   Bộ trưởng Tài chính: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó (06/04/2012)

>   “Mừng và lo” với tăng trưởng GDP của Việt Nam (05/04/2012)

>   Lạm phát 2012 một con số là “có tính khả thi”, nếu … (05/04/2012)

>   Sẽ có “làn sóng” đầu tư Thái Lan vào Việt Nam (05/04/2012)

>   TPHCM bắt đầu lập đề án tái cấu trúc nền kinh tế (04/04/2012)

>   Chuẩn bị triển khai tổ hợp hóa dầu 4 tỷ USD (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật