Ông Lê Đăng Doanh: Bối cảnh mới, đòi hỏi mới
Trong vài năm gần đây, chưa bao giờ nền kinh tế lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. “Cà phê cuối tuần” kỳ này, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ với VnEconomy những nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay và vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế.
Cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình
Thưa ông, con số doanh nghiệp phá sản và tuyên bố dừng hoạt động trong quý 1 nói lên điều gì?
Số doanh nghiệp mới đăng ký thì giảm 8% về số lượng và 12% về vốn, trong khi có tới 12 nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động trong quý 1. Quan trọng hơn, con số ngừng hoạt động theo thông báo của cơ quan thuế là cao hơn con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, chúng tôi thấy là nó tác động xấu đến thu nhập, việc làm của người lao động.
Cũng có ý kiến nói các doanh nghiệp ngừng hoạt động là doanh nghiệp “ma”, tôi nghĩ cần có sự điều tra khảo sát, phải có căn cứ rõ ràng hơn, không phải chỉ là doanh nghiệp nhỏ ngừng đâu, các công ty thép, chứng khoán, bất động sản đã giảm hoạt động rất nhiều.
Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm để họ tự đánh giá mình. Doanh nghiệp cần sự chuyên nghiệp để tồn tại và phát triển. Nhiều doanh nghiệp bung ra trong vài năm trước thấy làm ăn dễ quá nên nghĩ là mình có thể kinh doanh, đó là cơ hội thị trường do việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo ra. Nhưng giờ khó khăn, mới thấy cần chiến lược và sự bài bản.
Ông có thể “điểm danh” ngắn gọn những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, và đâu là khó khăn lớn nhất của họ?
Qua phân tích thì có thể thấy cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ thấp và ít được đầu tư, cải thiện. Đa số doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao, chất lượng sản phẩm kém cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý xây dựng thương hiệu, chưa có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây là các vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được.
Hiện doanh nghiệp khó khăn lớn ở chỗ tiếp cận vốn và không trả được nợ cũ. Nợ cũ chưa trả thì không thể vay mới. Tại một số nước thì chính phủ mua lại nợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại, vay vốn trở lại. Chính phủ có cổ phần trong các doanh nghiệp và nếu điều hành khéo thì thậm chí chính phủ cũng có lãi. Tuy nhiên, việc này cần kỹ năng và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và dĩ nhiên là phải công khai minh bạch, tránh chuyện xin cho ở đây.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy là nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chỉ vay với lãi suất 17% thôi vì họ làm ăn tốt, độ tin cậy cao. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp phải lưu ý.
Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?
Chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với nhiều doanh nghiệp. Các báo cáo chính sách rất đẹp, nhưng chính sách trên giấy và chính sách thực tiễn khác xa nhau. Hỏi đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nói chính sách hay nhưng không đến được với họ.
Hiện có tình trạng đáng buồn là doanh nghiệp xin được cái mỏ hay lô đất thì giàu ngay, chăm chú đầu tư khoa học công nghệ thì phải đợi 5-10 năm...
Vậy những kiến nghị cụ thể của ông trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau “vượt khó” lúc này là gì?
Nhà nước cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp doanh nghiệp sống sót, tồn tại và tiếp tục kinh doanh. Trước mắt, xin tập trung cho việc sửa đổi 16 luật về kinh doanh để cải thiện khung pháp luật. Đây cũng là thời điểm cần áp dụng các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước như hạn chế mở siêu thị, hạn chế nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho chất lượng lao động, giáo dục - đào tạo…
Về phía doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sẽ tiếp tục phát triển sâu, rộng, tạo ra cơ hội và thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có hiểu biết, kỹ năng để ứng phó. Cần tạo ra sự khác biệt để tồn tại trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc.
Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa phải suy nghĩ toàn cầu nhưng hành động cụ thể, phải có chiến lược tiến và lùi. Phải quan niệm làm kinh tế phải như đánh trận. Giống như khi đánh nhau ở Điện Biên Phủ, cần thì kéo pháo vào, chưa cần thì lại phải rút ra.
Trước mắt, duy trì sự hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay để chuẩn bị cho bước phát triển mới. Tôi có nói chuyện với một số anh em doanh nghiệp, tôi nói tình hình thế này, tồn tại được là đã hạnh phúc.
Bối cảnh mới, đòi hỏi mới
Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như vậy dường như đang đặt ra những đòi hỏi mới đối với quản lý nhà nước về kinh tế?
Chúng ta thấy rất rõ là tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, phải tư duy toàn cầu, nhưng phải có hành động cụ thể, Hành động cần công khai minh bạch, có thể dự báo được, có tính thực tiễn và phù hợp với các cam kết quốc tế. Hiện nay, chúng ta thấy rằng chính sách rất thiếu tính dự báo trước. Theo cam kết gia nhập WTO, các quyết định cần được công bố dự thảo trước 60 ngày để lấy ý kiến, nhưng việc này đôi khi không được tôn trọng.
Gần đây có xuất hiện những ý kiến nói rằng dường như bộ máy của nhà nước không theo kịp được sự phát triển của nền kinh tế?
Bộ máy nhà nước của chúng ta thấy rõ là chưa theo kịp. Khả năng điều hòa phối hợp giữa các bộ ngành còn thấp. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải có sáng kiến về thu phí, nhưng trên thực tế đó chẳng phải là phí. Phí là để trả cho một dịch vụ tiêu dùng, còn Bộ nói phí đó để trả cho việc giảm ùn tắc giao thông thì đó không phải là dịch vụ. Anh phải làm cái gì cho tôi dùng, tôi có lợi thì tôi mới đóng phí.
Việc điều hòa phối hợp giữa các bộ và việc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước phải được tăng cường và điều đó chỉ có thể làm được bằng việc tăng cường công khai minh bạch và đối thoại. Gần đây các bộ trưởng đã tăng cường đối thoại và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tăng cường chất vấn, đấy là những bước đi đúng hướng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo ra được hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong một số diễn đàn gần đây ông có nhận xét là dường như cải cách đang chậm lại. Nên hiểu vấn đề này thế nào, thưa ông?
Vâng, tôi nghĩ rõ ràng là cải cách chưa theo kịp phát triển. Cải cách đang chậm lại, trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ chưa được nâng lên nhiều. Chẳng hạn về giáo dục, người Việt Nam rõ ràng không theo kịp bên ngoài. Cũng là người Việt Nam nhưng ở trong nước kém hơn người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai là về bộ máy hành chính của chúng ta, rõ ràng là quá cồng kềnh và kém hiệu quả, và phát huy tác dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp rất thấp.
Thế giới từng coi Việt Nam như “người hùng cải cách”, nhưng giờ đây thì cải cách đang chậm lại. Các quyết định chính sách thì đôi khi giật cục, khó tiên lượng. Môi trường kinh doanh khó khăn hơn do lạm phát cao và các chính sách tài chính tiền tệ. Myanmar gần đây cải cách mạnh, cạnh tranh trong thu hút FDI, xuất khẩu. Tôi nghĩ đó là điều các nhà lãnh đạo có thể xem xét một cách nghiêm túc.
Gần đây, khi nói về chiến lược phát triển dài hạn, thế giới người ta nói nhiều đến tăng trưởng xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tăng trưởng xanh là tăng trưởng trừ đi ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên có hại cho tương lai. Bây giờ cả thế giới hướng tới tăng trưởng xanh, ai khoe khoang tăng trưởng cao có khi người ta cười cho.
Chúng ta phải tính đến tăng trưởng xanh dựa trên cơ sở bền vững cho mai sau, phải đảm bảo nguồn tài nguyên nước, không khí cho mai sau. Khai thác quặng xong thì phải hoàn thổ để có thể gieo trồng được. Nếu không thì chúng ta mới bước vào nhóm thấp của các nước có thu nhập trung bình thì chúng ta đã tàn phá tài nguyên và môi trường. Chúng ta đều biết môi trường chung còn tương đối tốt nhưng ở Hà Nội, Tp.HCM và các khu công nghiệp thì đã bị tổn thương rất nhiều, và để làm được cần sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và bộ máy nhà nước.
Anh Minh
TBKTVN
|