Chuẩn bị triển khai tổ hợp hóa dầu 4 tỷ USD
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị triển khai dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam.
Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án (đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo đúng quy định pháp luật về đất đai.
|
Một góc khu công nghiệp Long Sơn - nơi dự kiến đặt Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. |
Cùng với đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm làm việc với Petro Vietnam và chủ đầu tư thống nhất việc phân bổ chi phí đầu tư khu tái định cư cho phù hợp với nhu cầu, số hộ dân, điều kiện tái định cư thực tế của dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đầu tư và thống nhất việc đầu tư hai đoạn đường vào khu công nghiệp Long Sơn, là đường dùng chung phục vụ cho cả dân sinh và dự án.
Trường hợp khó khăn về ngân sách, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thỏa thuận với chủ đầu tư ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn trả tiền ứng trước của chủ đầu tư theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định giá thuê đất cho dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 121/2010 của Chính phủ và đơn giá thuê đất được tính tại thời điểm năm 2012.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam được Petro Vietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Hóa chất Vina SCG và Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất Thái Lan ký hợp đồng liên doanh từ tháng 3/2008 và được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2008.
Với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD, quy mô công suất hơn 3 triệu tấn sản phẩm/năm, đây là dự án hoá dầu độc lập có tổng mức đầu tư và qui mô lớn. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích 400 ha tại khu công nghiệp Long Sơn, xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), nằm sát cạnh dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn.
Cùng với các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, đây là dự án có tính chất quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam trong tương lai.
Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm tổ hợp dự kiến sẽ cung cấp 1,45 triệu tấn hạt nhựa polyetylen (PE) và polypropylen (PP), 730.000 tấn hoá chất nguyên liệu cho sản xuất nhựa polyvinyl clorua (PVC), và 840.000 tấn hoá chất cơ bản khác phục vụ ngành công nghiệp hoá dầu và hoá chất, đáp ứng được 65% nhu cầu hạt nhựa PE và PP của cả nước, góp phần bình ổn nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp hoá dầu.
Bảo Anh
TBKTVN
|