Thứ Ba, 03/04/2012 17:42

Thủ tướng: “Sẽ chỉ giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước”

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ thúc đẩy các kế hoạch cải cách các doanh nghiệp nhà nước - khu vực kinh tế mà tờ báo Mỹ này bình luận đã trải qua nhiều bất ổn trong thời gian qua, dẫn tới hàng loạt vụ cắt giảm điểm tín nhiệm và gây áp lực mất giá đối với đồng nội tệ của Việt Nam.

Theo phóng viên James Hookway của Wall Street Journal đang tác nghiệp tại Phnom Penh, bài phỏng vấn này được thực hiện qua thư nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tham dự hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang diễn ra tại thủ đô Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang tập trung vào vấn đề xác định phạm vi và quy mô của khu vực kinh tế nhà nước - Ảnh: AFP.

Trong nội dung trả lời phỏng vấn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đưa các doanh nghiệp nhà nước tiến tới cạnh tranh sát hơn với khu vực kinh tế tư nhân nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết sẽ tái khởi động các kế hoạch cổ phần hóa đang bị trì hoãn. Theo Thủ tướng, việc tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước “là một trong những vấn đề chính của quá trình tái cơ cấu kinh tế”.

Báo Wall Street Journal bình luận, nền kinh tế phát triển bùng nổ một thời của Việt Nam đã đối mặt nhiều thách thức trong những năm gần đây, một phần do ảnh hưởng từ tình trạng nợ nần gia tăng tại một số doanh nghiệp quốc doanh. Trước đó, Việt Nam đã áp dụng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh - khu vực chiếm 40% GDP cả nước - mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực mới và tạo ra một đối trọng mạnh với lực lượng ngày càng đông đảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng, chiến lược này của Việt Nam trong nhiều trường hợp đã “phản tác dụng”. Đã có một số doanh nghiệp quốc doanh vay nợ tới mức khó kiểm soát hoặc đầu tư vào những lĩnh vực mà họ không thực sự thông hiểu. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một ví dụ. Vinashin đã gần như suy sụp dưới gánh nặng nợ nần từ năm 2010, và sau đó đã mất khả năng chi trả một số khoản nợ nước ngoài. Trước đó, Vinashin đã nhảy vào những lĩnh vực xa lạ đối với tập đoàn này như sản xuất bia và kinh doanh resort.

Tờ báo Mỹ bình luận, chính cuộc khủng hoảng của Vinashin đã khiến giới đầu tư quốc tế có cách nhìn khác về Việt Nam và nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của các doanh nghiệp nhà nước ở đây.

Các hãng định mức tín nhiệm quốc tế hàng đầu như Fitch Ratings, Standard & Poor’s và Moody’s Investors Service đều đã cắt giảm điểm tín nhiệm của Việt Nam. Theo Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng Vinashin đã gián tiếp gây thêm áp lực mất giá đối với đồng VND, theo đó đẩy lạm phát tăng lên mức đỉnh 28% vào tháng 8 năm ngoái trước khi giảm nhiệt.

Tuần trước, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinashin, ông Phạm Thanh Bình, đã bị kết án 20 năm tù giam trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Vinashin. Cùng với ông Bình, 8 cựu quan chức khác của Vinashin cũng lĩnh án tù nhiều năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang có biện pháp để giải quyết thách thức tại một số doanh nghiệp quốc doanh khác. Trong số này, Wall Street Journal đề cập tới vụ thôi chức của Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng sau khi tập đoàn này nhảy vào lĩnh vực viễn thông di động thay vì tập trung vào nhiệm vụ cải thiện tình trạng thiếu điện. Những doanh nghiệp quốc doanh thành công như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) thì đã rút khỏi những dự án bất động sản lớn.

Trong bài trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang tập trung vào vấn đề xác định phạm vi và quy mô của khu vực kinh tế nhà nước. “Chúng tôi sẽ xác định vai trò và chức năng của các doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nói. Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ “thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa để đa dạng hóa quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước”.

Theo Thủ tướng, mục tiêu của Chính phủ là “sẽ chỉ giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước then chốt ở một số ngành nhất định”.

Wall Street Journal nhận xét, đã có những tín hiệu Việt Nam đang lấy lại niềm tin khi lạm phát xuống thang. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng, và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang thận trọng trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuối tuần qua, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động đàm phán về một hiệp định tự do thương mại.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc hội nhập kinh tế sâu hơn ở khu vực Đông Nam Á cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng dự báo, kế hoạch cắt giảm hàng rào thuế quan của ASEAN vào năm 2015 sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực gia tăng và sẽ giúp các quốc gia trong khối dễ dàng đầu tư lẫn nhau - một yếu tố mà Thủ tướng cho là “đặc biệt quan trọng” đối với những nền kinh tế có mức độ phát triển thấp hơn trong khu vực.

An Huy

TBKTVN

Các tin tức khác

>   “Niềm tin doanh nghiệp ở Việt Nam giảm mạnh” (03/04/2012)

>   Kinh tế quý 1: Chữ “nhưng” của Bộ trưởng (03/04/2012)

>   Tập đoàn Nhật Bản tính rót hàng tỷ Yen mua công ty Việt Nam (03/04/2012)

>   Thời điểm xây dựng khu giải trí phức hợp (03/04/2012)

>   Đầu tư 2012: Dấu ấn của người Nhật (02/04/2012)

>   Khơi thông dòng vốn để đối phó nguy cơ đình đốn (02/04/2012)

>   Cơ hội trên chuyến tàu cuối cùng (01/04/2012)

>   Kinh tế chuyển “trễ nải”: Thách thức với điều hành (01/04/2012)

>   Chủ động kiềm chế lạm phát ở một con số (01/04/2012)

>   Nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012 (01/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật