Sẽ có “làn sóng” đầu tư Thái Lan vào Việt Nam
Theo thống kê, hiện có trên 250 dự án của các nhà đầu tư Thái Lan vào thị trường VN, với tổng số vốn đầu tư hơn 5,8 tỉ USD, thuộc nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào VN.
Trong đó, có những nhà đầu tư “sừng sỏ” như CP (nông nghiệp), SCG (giấy, nhựa, hóa chất...), Amata (KCN). Tuy nhiên, theo nhận xét của một chuyên gia kinh tế, “vẫn chưa khai thác hết lợi thế của VN và tiềm năng của các nhà đầu tư Thái Lan”.
Theo ông Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – địa phương được nhiều nhà đầu tư Thái Lan lựa chọn “cắm rễ”: “Sau trận lụt lớn diễn ra gần hết đất nước Thái Lan cách đây vài tháng, một thay đổi rõ rệt ở các nhà đầu tư Thái Lan, mỗi khi qua khảo sát thị trường VN, là họ mong muốn tìm kiếm cơ hội để chuyển một phần nhà máy, thị phần sản xuất – kinh doanh sang VN. Trong thế tương quan với các nước khác trong khối ASEAN, các DN Thái Lan vẫn “mặn mòi” chọn VN hơn là các nước khác”. Vì vậy, ông Thái không ngại ngần cho rằng, sẽ có một “làn sóng” đầu tư của các DN Thái vào VN, trong tương lai không xa.
Thật vậy, cuối tháng 11.2011, Cty lọc hóa dầu Rayong và Cty TNHH STFE đã đặt vấn đề xây dựng một nhà máy nhiệt điện và lọc dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Cty Skhon Kaen – chuyên sản xuất đồ hộp, xúcxích lớn nhất Thái Lan - cũng cho biết sẽ đầu tư vào VN. Gần đây (tháng 8.2011), Cty Royal Food – sản xuất thực phẩm và trái cây đóng hộp - đã mở rộng đầu tư, xây dựng nhà máy thứ hai, với số vốn 420 tỉ đồng tại tỉnh Nghệ An (sau nhà máy thứ nhất đặt ở tỉnh Tiền Giang). Trong lúc đó, Cty Berli Jucker Public Company, cũng cam kết trong 6 tháng đầu năm 2012, Cty này sẽ xây dựng 2 nhà máy ở VN – một nhà máy sản xuất chai thủy tinh dùng cho sản phẩm bia, nước giải khát liên doanh với Tổng Cty Bia – Nước giải khát Sài Gòn và một nhà máy đóng lon nhôm ở KCN VN -Singapore (Bình Dương)...
Ông Trần Văn Liễu – Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương – nhận định: “Một số lý do như: Chi phí nhân công rẻ, nguồn nhân lực dồi dào; tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường còn rộng lớn... đã thu hút các nhà đầu tư Thái Lan gần đây “nhòm ngó” thị trường VN. Cộng thêm những bất lợi trong chính nước họ như thiên tai, lũ lụt...; mặt khác, nhiều chi phí trong nước Thái không còn thuận lợi, trái lại, gây sự kém cạnh tranh cho các DN Thái; trong khi đó, nếu đầu tư ở nước ngoài, những khiếm khuyết trên sẽ được khắc phục; thậm chí, tốt hơn sản xuất trong nước... Tất cả những yếu tố trên đã buộc các DN Thái Lan có sự chuyển hướng đầu tư vào VN”.
Cao Hùng
lao động
|