TS. Quách Mạnh Hào: TTCK sẽ tăng trưởng trong 2 năm tới
“Tôi kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới sẽ bắt đầu từ khoảng quý III năm nay và tương ứng với nó, TTCK sẽ tăng trưởng trong 2 năm tới”.
TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long đưa ra nhận định trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.
Là người vừa tư vấn thành công một số thương vụ giữa NĐT ngoại mua lượng lớn cổ phiếu của DN Việt Nam, theo ông, hoạt động M&A tại Việt Nam đang diễn ra theo những xu hướng nào?
Những gì tôi đang thấy có thể chia thành một số xu hướng chính như sau:
Thứ nhất, NĐT ngành đang rất chủ động trong việc mua các DN Việt Nam. Hoạt động mua của họ khá dứt khoát và đạt được mục tiêu. NĐT quan tâm tới hoạt động kinh doanh của DN hơn là những so sánh với chỉ số TTCK, nên cổ đông của các công ty mục tiêu thường cảm thấy hạnh phúc hơn.
Thứ hai, NĐT ngành có xu hướng mua bán thâu tóm nhiều hơn và họ thực hiện thâu tóm thân thiện. Nói cụ thể hơn, phần lớn NĐT ngành đều quan tâm tới các tỷ lệ sở hữu quan trọng và câu hỏi thường trực là liệu họ có mua chi phối được không, hoặc sẽ tham gia HĐQT thế nào. Tuy nhiên, họ làm điều đó phần lớn trên cơ sở thân thiện và kỳ vọng phát triển công ty bền vững.
Thứ ba, NĐT tài chính quan tâm nhiều hơn tới DN niêm yết, trong khi nhà đầu tư ngành quan tâm chủ yếu tới công ty chưa niêm yết. Một điểm thú vị là các NĐT tài chính hiện tại có xu hướng thận trọng và lựa chọn quy mô thương vụ và tỷ lệ sở hữu nhỏ hơn rất nhiều so với trước kia.
Thứ tư, hoạt động mua bán sáp nhập hiện tại có xu hướng bắt nguồn từ những khó khăn tài chính. Nghĩa là, các DN hoặc chủ DN gặp khó khăn tài chính đã chủ động hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm sự tham gia của các NĐT. Điểm thú vị là các NĐT, cả tài chính và ngành, quan tâm nhiều hơn tới những DN khó khăn hiện tại, thay vì những DN đang đứng đầu.
Theo quan sát của ông, những đối tượng nào có nhu cầu đầu tư tài chính vào DN Việt Nam; đối tượng nào có nhu cầu tìm mua DN Việt Nam?
Đầu tư tài chính vào DN Việt Nam nhìn chung vẫn là các loại quỹ đầu tư và đối tượng này không quan tâm nhiều tới các tỷ lệ chi phối so với các NĐT ngành tìm mua DN Việt Nam với mục tiêu mở rộng thị trường, hoặc hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Như tôi đã nói ở trên, một DN được tìm mua không hẳn là những DN tốt đang dẫn đầu, mà là những DN có mô hình kinh doanh phù hợp và đội ngũ quản trị có năng lực, theo đánh giá của NĐT. Thậm chí, DN thỏa mãn hai tiêu chí cơ bản này mà lại đang gặp khó thì họ lại quan tâm nhiều hơn.
Như ông nói, các NĐT đến từ Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông rất quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào DN Việt Nam. Vậy ở chiều ngược lại, chúng ta có nhiều DN Việt Nam tiềm năng, phù hợp với mong muốn của NĐT nước ngoài hay không?
Hàng ngày tôi nhận được hồ sơ của các DN từ các kênh thông tin khác nhau chuyển về, cũng như nhận được yêu cầu của các NĐT. Tuy nhiên, chỉ dựa trên những giấy tờ này để nhìn xem DN nào phù hợp với yêu cầu nào thì không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy sự tương đồng. Khi nghiên cứu sâu hơn, có thể nói là phần lớn không phù hợp nhau. Nhìn chung, mô hình kinh doanh không rõ, cơ cấu quản trị gia đình, sổ sách kế toán tại DN thiếu minh bạch là những rào cản lớn nhất.
Vậy phải làm thế nào để M&A tạo ra được giá trị cho các bên tham gia?
Trước hết, đó phải là một thương vụ hoàn thiện mô hình kinh doanh của cả hai bên. Nó có thể là việc tạo ra một thị trường mới, một sản phẩm mới, một khâu trong quá trình kinh doanh mà trước đó không có, hoặc đơn giản là một nhân sự mới có khả năng tạo ra sự thay đổi. Điều này dù vậy chỉ có thể biết sau khi đã diễn ra thương vụ. Điểm thứ hai, theo quan điểm của tôi, muốn có giá trị cộng hưởng, đó phải là một thương vụ thân thiện, trong đó cả hai bên đều nhận thấy lợi ích của nhau. Nếu một bên nào đó, thường là bên bán, cảm thấy bị mất lợi ích hoặc mất quyền lực và phản ứng tiêu cực thì đó là dấu hiệu của một kết cục không tốt.
Nhiều ý kiến cho rằng, pháp lý tại Việt Nam hiện nay còn rất trống trong việc điều tiết hoạt động M&A. Đó có phải là rào cản lớn nhất?
Tôi nghĩ nói vậy thì không thật chuẩn. Thực tế các hoạt động mua bán và M&A vẫn đang diễn ra và đều dựa trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, nếu các quy định về sở hữu được nới rộng ra thì có thể sẽ khuyến khích các hoạt động mua bán và thâu tóm diễn ra nhanh hơn. Việc thỏa mãn cả người mua và người bán không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề lợi ích. Nếu thương vụ là thân thiện thì tất nhiên không có gì để bàn. Còn nếu thương vụ mang tính thôn tính tiêu cực thì thường bên bán sẽ không vui vẻ. Phản ứng trái chiều sẽ xảy ra, nhưng lãnh đạo DN nên nghĩ rằng, thực tế họ đáng đánh đổi giữa sở hữu và tình trạng tài chính tốt hơn cho DN.
Liên quan đến TTCK, từ đầu năm đến nay, liên tục nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhận định, TTCK Việt Nam đang có mức định giá thấp so với nhiều thị trường trên thế giới. Vậy theo ông, thế nào là rẻ và TTCK Việt Nam có thực sự rẻ không?
Câu hỏi này làm tôi nhớ lại giai đoạn trước đây khi phụ trách mảng nghiên cứu vẫn thường được hỏi (cười). Một năm qua tập trung vào làm các dịch vụ ngân hàng đầu tư, nên có lẽ cách nhìn của tôi về thị trường cũng đã khác đi rất nhiều. Tôi quan tâm nhiều hơn tới tính chu kỳ của nền kinh tế, bởi gắn với đó là hoạt động của DN.
Nếu dùng các chỉ số thông dụng như PE, PB hay tỷ suất cổ tức để so sánh với các TTCK thế giới và với chính TTCK Việt Nam giai đoạn trước thì đúng là giai đoạn này các chỉ số đang rất hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng, nền kinh tế Việt nam đang ở bước cuối của một giai đoạn “khó dùng từ đúng”, có nguồn gốc từ chu kỳ tiền tệ - điều mà trước đây có lần tôi đã nói là lạm phát đình đốn. Tôi kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới sẽ bắt đầu tư khoảng quý III năm nay và tương ứng với nó, TTCK sẽ tăng trưởng trong 2 năm tới.
TTCK cần cải tổ những yếu tố gì để hấp dẫn các dòng vốn lớn, đặc biệt là dòng vốn ngoại, theo ông?
Nền kinh tế và hoạt động DN là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự chuyển dịch của dòng vốn. Nếu xét riêng ở khía cạnh cải tổ TTCK, tôi nghĩ rằng, những điều ai cũng biết, nói rất nhiều và có thể làm được thì nên được làm sớm. Tôi không phải ở vị trí tốt nhất để nói về những điều này, nhưng tôi nghĩ rằng, các nhà quản lý cần phải có hành động cụ thể để chúng tôi, những người thường xuyên gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài để chào mời, nài nỉ họ vào Việt Nam không cảm thấy ngượng mồm khi năm nào cũng phải nói rằng, TTCK Việt Nam rất tiềm năng, mà chưa một lần mạch lạc nói với họ rằng, TTCK Việt Nam đã mang lại thành công cho các bạn.
Tường Vi thực hiện
đầu tư chứng khoán
|