Thứ Hai, 26/03/2012 23:17

Doanh nghiệp sử dụng vốn bừa bãi, giám sát cách nào?

Sau vụ việc tự ý sử dụng vốn của lãnh đạo CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic - mã SHN), nhiều NĐT lo lắng cho số phận đồng vốn góp của họ.

Vậy làm sao để giám sát hướng đi của dòng tiền tại DN? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ - Bộ Tài chính (DATC), người có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng tài chính của các DN.

Các NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ đang rất quan tâm đến vấn đề sử dụng vốn tại DN. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích tại các CTCP như hiện nay?

Tại một CTCP, cơ cấu quản trị hoạt động sẽ gồm: ĐHCĐ, HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận này đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp cũng như được cụ thể tại điều lệ mỗi DN, trong đó Ban kiểm soát với tư cách là yếu tố nòng cốt của hệ thống giám sát nội bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của HĐQT, Ban điều hành để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục tiêu và vì lợi ích của cổ đông.

Việc sử dụng vốn sai mục đích, trái thẩm quyền, lợi dụng vốn cổ đông cho các mục đích cá nhân diễn ra ngày càng nhiều tại các DN cho thấy, hệ thống kiểm soát nội bộ không thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hay nói cách khác là kiểm soát nội bộ bị vô hiệu hóa hoặc có vấn đề. Điều này có thể giải thích ở 3 khả năng: quy trình, quy chế hoạt động của Ban kiểm soát ban hành chưa đầy đủ; hoặc đã ban hành nhưng chưa được tuân thủ. Khả năng thứ ba là không có hệ thống kiểm soát nội bộ, hoặc có nhưng hoạt động không đúng chức năng, không đủ độc lập, dẫn tới việc có cũng như không.

Một trường hợp khác có thể giải thích cho tình trạng trên là việc câu kết các nhóm hoặc tập trung quá nhiều quyền lực trong điều hành công ty vào một người, một nhóm người. Thông lệ chung thì cần phải tách bạch người nắm vai trò chủ tịch HĐQT với tổng giám đốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đôi khi 2 vị trí này do một người nắm giữ. Sự tập trung quyền lực quá lớn đôi khi gây ra những hệ lụy xấu trong công tác quản trị.

Ông từng nhắc đến việc sử dụng dịch vụ giám sát độc lập, ví dụ kiểm toán độc lập, ngân hàng giám sát hay tổ chức giám sát độc lập khác để giám sát việc sử dụng vốn tại DN. Trên thực tế, các DN có sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập, nhưng sai phạm vẫn xảy ra?

Nếu sử dụng kiểm toán độc lập để giám sát, chúng ta sẽ biết được chính xác Ban lãnh đạo DN có sử dụng vốn đúng mục đích hay không. Nhưng có 2 vấn đề phải quan tâm, đó là mức độ kịp thời và tính chuẩn xác trong chất lượng kiểm toán độc lập.

Kiểm toán độc lập là hoạt động mang tính hậu kiểm, chứ không có tính chất ngăn ngừa. Họ có thể cho biết việc sử dụng vốn tại DN đã diễn ra như thế nào nếu lãnh đạo DN cung cấp tài liệu trung thực, chuẩn xác. Khi lãnh đạo DN cố tình làm sai, thì kiểm toán cũng bó tay!

Thêm vào đó là vấn đề chất lượng của kiểm toán độc lập. Có một thực tế là, nhiều khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ quá lớn, khiến cho chất lượng của ý kiến kiểm toán không còn đáng tin cậy nữa.

Tôi cho rằng, dịch vụ giám sát độc lập trong nhiều trường hợp là cần thiết, trong đó mô hình của các quỹ đầu tư đi kèm với ngân hàng giám sát là đáng học tập. Về lý, họ hoạt động độc lập nên sẽ ít bị chi phối lợi ích các bên, nên hiệu quả hoạt động cao hơn. Với trường hợp các DN huy động vốn (hoặc vốn vay) khối lượng lớn từ một tổ chức, thì việc cho phép tổ chức đó được giám sát dòng tiền đã huy động có được sử dụng đúng mục đích không cũng là điều có thể xem xét. Điều này vừa giúp DN sử dụng nghiêm túc dòng tiền huy động, vừa tăng niềm tin cho người tài trợ vốn.

Việc giám sát có thể theo 2 hướng: giám sát sử dụng vốn thường xuyên trong hoạt động chung hoặc giám sát sử dụng vốn theo từng sự vụ. Khi DN đang gặp khó khăn về tài chính, DN có thể thuê ngân hàng hay tổ chức kiểm toán hoặc chuyên gia độc lập giám sát thường xuyên việc sử dụng vốn hàng ngày.  Trường hợp ĐHCĐ phê duyệt kế hoạch tăng vốn hay sử dụng vốn cho dự án A, thì đi kèm với nó sẽ là chương trình hành động và kế hoạch sử dụng vốn A. Khi ấy, ĐHCĐ có thể yêu cầu phải có một tổ chức giám sát độc lập giám sát việc chi tiền thu được vào đúng dự án, mục đích kinh doanh đó.

Vậy theo ông, làm thế nào để tăng cường kiểm soát sử dụng vốn tại DN nói chung?

Tôi cho rằng, kiểm soát dòng tiền là vấn đề sống còn của DN. Sự sống còn của một DN về dài hạn phụ thuộc vào khả năng sinh lời của DN đó, nhưng trong ngắn hạn lại phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dòng tiền. Trong đó, điều kiện quan trọng để kiểm soát vấn đề này là phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa kiểm soát nội bộ và giám sát độc lập bên ngoài.

Cổ đông trước hết phải tự ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với DN, không thể phó thác số phận vốn góp của mình cho Ban lãnh đạo DN. Chính việc các cổ đông nhỏ lẻ lơ là sự giám sát mới dẫn đến nguy cơ cấu kết các nhóm cổ đông lớn, HĐQT, Ban điều hành. Tăng cường minh bạch từ các cổ đông sẽ làm tăng mức tuân thủ của lãnh đạo DN, hạn chế việc lãnh đạo DN làm liều, lợi dụng…

Thứ hai là việc tách bạch vai trò các khối quản trị như: HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát, đi kèm với việc xây dựng đầy đủ hệ thống, quy trình hoạt động, kiểm soát nội bộ… Không phải ngẫu nhiên mà các DN lớn bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng các hệ thống ISO để vận hành theo các nguyên tắc quản trị tốt nhất, bởi nó sẽ giúp hoạt động của DN hiệu quả hơn, tăng cường trách nhiệm cá nhân trong mỗi khâu của quy trình hoạt động.

Thứ ba là việc xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của cá nhân với hoạt động công ty, đi kèm cơ chế lương thưởng - đền bù. Việc này vừa khuyến khích hoạt động, sáng tạo cá nhân, vừa dễ quy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Việc quy trách nhiệm cá nhân, đôi khi chỉ mang tính răn đe, nhưng không đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, nếu lãnh đạo DN để xảy ra hậu quả lớn. Theo ông, cần phải làm gì để hạn chế rủi ro này?

Đúng là nếu cá nhân gây ra thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng, thì việc quy trách nhiệm cá nhân cũng khó bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Để phòng ngừa những trường hợp này, mua bảo hiểm trách nhiệm cho tổng giám đốc là một lựa chọn hợp lý. Tôi thấy nhiều DN đã chi khoản tiền lớn cho việc trên và cho rằng, đây là hành động đúng đắn. Việc mua bảo hiểm, không chỉ giúp cổ đông hạn chế thiệt hại nếu xảy ra, mà còn góp phần tăng cường công tác giám sát hoạt động của Ban lãnh đạo DN từ một bên thứ ba là tổ chức bảo hiểm.

Bùi Sưởng thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 27/03: Áp lực điều chỉnh sắp xuất hiện? (26/03/2012)

>   Góc nhìn tuần 26 – 30/03: Tín hiệu đã tích cực hơn (25/03/2012)

>   “Dòng vốn Nhật đang dịch chuyển mạnh hơn vào Việt Nam” (23/03/2012)

>   Chủ tịch UBCK: Việc có tăng room hay không đang được cân nhắc (23/03/2012)

>   Góc nhìn 23/03: Thận trọng và tránh mua vào (22/03/2012)

>   Góc nhìn 22/03: Cẩn trọng ở ngưỡng kháng cự (21/03/2012)

>   Góc nhìn 21/03: Lạc quan trong thận trọng (20/03/2012)

>   Khối ngoại sẽ gia tăng thị phần tại Việt Nam trong 3 tháng tới (20/03/2012)

>   5 hạn chế và 3 rủi ro khi VFMVF1 chuyển đổi sang quỹ mở (20/03/2012)

>   Góc nhìn 20/03: Cần thêm thời gian tích lũy (19/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật