Thấy gì từ kinh tế 4 tháng?
Lạm phát thấp, cán cân thanh toán được cải thiện, nhưng sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do việc tiếp cận vốn khó khăn, đầu tư và tiêu dùng co lại... Đó là những nét đặc trưng của kinh tế 4 tháng đầu năm 2012.
Lạm phát - biểu hiện cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - vấn đề nóng nhất trong hai năm qua đã được kiềm chế một bước quan trọng. CPI tháng 4, dù xét dưới góc độ nào (tháng sau so với tháng trước, sau 4 tháng, sau 1 năm) cũng thấp nhất so với nhiều tháng hay cùng kỳ nhiều năm trước đó. CPI tính theo năm có thể còn tiếp tục giảm trong mấy tháng nữa và “đáy” CPI tính theo năm có thể sẽ rơi vào tháng 7 hoặc tháng 8.
Mặc dù chưa thể chủ quan khi lạm phát có thể trở lại vào cuối năm nay, đầu năm sau (như đã từng xảy ra và thường lặp đi, lặp lại nhiều năm trước) do còn có những yếu tố gây áp lực, nhưng tính chung cả năm 2012 vẫn đạt được mục tiêu tăng dưới 10%, thậm chí có thể chỉ tăng khoảng trên dưới 6,5%.
Cán cân thanh toán được cải thiện thể hiện trên nhiều mặt. Cán cân thương mại hàng hóa - thể hiện ở nhập siêu - trong 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (0,2 tỷ USD so với 4,83 tỷ USD), cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (1,2% so với 17,7%). xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Ước tính trong quý 1, cán cân vãng lai thặng dư gần 2 tỷ USD, cán cân vốn và tài chính thặng dư, nên cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 2 tỷ USD (cả năm 2010 thâm hụt 3,1 tỷ USD; năm 2011 thặng dư 2,65 tỷ USD, trong đó quý 1 thâm hụt 126 triệu USD). Dự trữ ngoại tệ đạt khoảng 9 tuần nhập khẩu, tuy vẫn còn thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, nhưng đã được cải thiện.
Đáng lưu ý, dự trữ ngoại tệ tăng, trong khi tỷ giá ổn định (năm 2009, 2010 giá USD tăng khoảng 10%, năm 2011 chỉ tăng 2,24%, 4 tháng 2012 giảm 1,04% làm cho khả năng cả năm chỉ tăng 2-3% theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước).
Như vậy, vấn đề nóng thứ hai là nhập siêu đã được giảm nhiệt, với niềm vui do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nhưng cũng có sự lo ngại do nhập khẩu, nhất là nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước bị giảm khá sâu, trong đó có một phần quan trọng do sự suy giảm tăng trưởng sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số công nghiệp tháng 4 tăng cao hơn, nhờ đó tính chung 4 tháng đã tăng cao hơn số ước tính trong quý 1 (4,3% so với 4%). Tuy nhiên, đó vẫn còn là tốc độ tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước và với vai trò là đầu tầu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra ở hai đầu. Ở đầu vào, việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn, một phần do lãi suất của các ngân hàng thương mại dù đã giảm xuống nhưng vẫn còn rất cao, một phần do chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng quý 1 mang dấu âm tới gần 2% là một biểu hiện của suy giảm tăng trưởng.
Đáng lưu ý, tình trạng “té nước theo giá, tát nước theo xăng” trước đây tuy vẫn còn nhưng nay lại xuất hiện tình trạng “té nước theo CPI” của các hàng hoá, dịch vụ quan trọng đã tranh thủ tăng giá khi CPI tăng chậm lại, bồi thêm khó khăn cho doanh nghiệp kiểu như hai lần tăng giá xăng dầu với tốc độ cao hoặc đưa ra thông điệp giá điện có thể tăng trên dưới 10% sau tuyên bố hùng hồn rất ấn tượng đối với lòng tin của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi mới nhậm chức...
Ở đầu ra, tiêu thụ rất khó khăn, tăng trưởng rất thấp, tồn kho tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng với tốc độ thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.
Sự suy giảm tăng trưởng biểu hiện rất rõ là có hàng chục phần trăm tổng số doanh nghiệp ngừng sản xuất, làm thủ tục phá sản, ngừng nộp thuế...; từ hàng chục năm nay mới có tình trạng thu nội địa của ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế cảnh báo ba vấn đề lớn có quan hệ chặt chẽ với nhau:
- Tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ khó đạt được mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội.
- Nếu để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thì lạm phát sẽ quay lại vào cuối năm nay và đầu năm sau, sẽ gặp lại vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.
- Riêng lạm phát, riêng suy giảm tăng trưởng (đình trệ) cũng đã làm cho mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội khó thực hiện; nhưng nếu vừa lạm phát, vừa đình trệ thì đó là khó khăn kép, khó khăn gấp bội.
Dương Ngọc
tbktvn
|