Siết, nới và chuyện đi trên dây
Mục tiêu “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” trong Nghị quyết 01 hồi đầu năm đã được Thủ tướng phát biểu thêm 6 chữ “duy trì tăng trưởng hợp lý”. 6 chữ này có thể là thông điệp quyết định cho chính sách kinh tế của năm 2012.
Lạm phát 3 tháng đầu năm chỉ tăng 2,55%, mức tăng thấp nhất của một quý kể từ năm 2009 trở lại đây. Đó là cơ sở để giới quan sát trong nước và nước ngoài đưa ra nhận định, lời hứa đầu năm của Thủ tướng về một năm 2012 “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” đang đi đúng quỹ đạo. Thế rồi, bất ngờ trần lãi suất huy động được hạ xuống còn 12%. Đi kèm với nó là hàng loạt quy định về hỗ trợ doanh nghiệp vay và trả nợ, thúc đẩy sản xuất.
Không khó để nhìn ra nguyên nhân của cú bẻ lái gấp về chính sách này. Đó chính là tăng trưởng kinh tế quý I/2012 chỉ đạt 4%, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, cái giá không dễ chịu để kiềm lạm phát. Thậm chí, cái giá này có thể còn khó chịu hơn nếu nhìn vào dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) những quý sau.
Để dự báo về mức tăng trưởng GDP của quý tiếp theo, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và nay là cố vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn lại lịch sử tăng trưởng kinh tế Việt Nam 20 năm qua. Ông nhận thấy trong suốt thời gian này, Việt Nam chỉ có 1 năm duy nhất GDP quý II gấp 1,4 lần quý I là năm 2009, nhờ gói kích thích kinh tế. Kịch bản phổ biến nhất, lặp lại trong 14 năm, là GDP quý II gấp 1,1 lần quý I.
Đáng chú ý là có 5 năm tăng trưởng GDP quý II thấp hơn khá nhiều so với quý I, chỉ bằng 0,9, thậm chí 0,77 lần. Trong những năm đó, nền kinh tế đều có tình trạng giống hệt năm nay: tăng trưởng tín dụng thấp, sức cầu yếu và các thị trường tài sản xuống giá mạnh. Điều đó có nghĩa, nếu kịch bản trong quá khứ được lặp lại, mức tăng trưởng lạc quan nhất của quý II/2012 có thể chỉ là 4,4% và xấu nhất là 3,8%.
Thậm chí, ông Nghĩa còn dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ không quá 5%. Nếu dự báo này là đúng, GDP Việt Nam năm 2012 có thể sẽ thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Cần nói thêm rằng Việt Nam đã rơi từ vị trí tăng trưởng kinh tế cao thứ hai châu Á năm 2007, xuống còn cao nhất Đông Nam Á năm 2009, xuống trung bình của Đông Nam Á năm 2010, rồi dưới trung bình vào năm ngoái. Việc chuỗi rớt hạng này kết thúc bằng việc Việt Nam tăng trưởng kinh tế thấp nhất khu vực trong năm nay chắc chắn là “kỷ lục” mà không nhà làm chính sách nào muốn lập.
Vì thế, thông điệp của lần nới lỏng tiền tệ này đã quá rõ ràng: đã đến lúc phải để ý trở lại vấn đề tăng trưởng. Nó càng rõ ràng hơn khi trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3 vừa rồi, các ưu tiên chính sách năm 2012 đã có thêm 6 chữ mới. Mục tiêu “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” được đưa ra trong Nghị quyết 01 hồi đầu năm đã được Thủ tướng phát biểu là “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý”.
Vậy tăng trưởng ở mức nào mới là hợp lý? Ngay trong nhóm các chuyên gia kinh tế cố vấn cho Thủ tướng cũng đang hình thành 2 luồng quan điểm. Một bên ủng hộ giải pháp nới lỏng để cứu tăng trưởng, rồi chấp nhận mức lạm phát nhất định trong trung hạn. Bên kia cho rằng vẫn thận trọng kiềm chế lạm phát hơn là chạy theo tăng trưởng.
Nhận mình thuộc phía ủng hộ tăng trưởng, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa ví von rằng, việc Việt Nam đang cùng lúc siết chặt cả chính sách tiền tệ (tức công cụ lãi suất), lẫn tài khóa (thông qua thuế và đầu tư công) giống như “bóp cả hai lỗ mũi”, khiến doanh nghiệp không thở được. Có thể thấy điều này qua chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2012. Mức tăng 34,9% của chỉ số này cho thấy một sự tắc nghẽn trên thị trường hàng hóa và đình trệ sản xuất.
Gợi ý của ông Nghĩa dường như đi cùng chiều với những diễn biến gần đây của chính sách tiền tệ và càng củng cố hơn nữa cho dự định bỏ trần lãi suất huy động vào tháng 6 năm nay của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Khả năng này là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, mối lo ngân hàng nhỏ lại chạy đua lãi suất để giành người gửi tiền khi trần lãi suất được dỡ bỏ không còn đáng lo vì hạn mức tăng trưởng tín dụng đã bị khống chế. Hầu hết các ngân hàng nhỏ đều nằm trong nhóm tăng trưởng cho vay thấp hoặc không được tăng, không có lý gì họ phải chạy đua huy động. Đặc biệt, việc tăng trưởng tín dụng quý I/2012 âm 1,96% đã giải tỏa đáng kể nỗi lo tái lạm phát khi tiền tệ được cởi trói.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, thậm chí còn đề cập đến một gói hỗ trợ doanh nghiệp để vực dậy tăng trưởng trong năm nay, dù quy mô sẽ khá khiêm tốn nếu so với gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỉ USD năm 2009.
Ngược lại, vẫn có không ít lý do để các nhà kinh tế phải thận trọng. Đó là áp lực tăng lương tối thiểu từ tháng 5 và tăng giá điện có thể sẽ lại thổi bùng lạm phát.
Rõ ràng, tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát luôn được ví như việc đi trên dây. Và trong lúc Thủ tướng cùng các nhà cố vấn tiếp tục dò tìm liều lượng phù hợp cho việc nới lỏng chính sách, điều duy nhất người dân và giới doanh nghiệp có thể làm chỉ là mong cho kịch bản “siết thật chặt, nới thả ga” đừng lặp lại!
Bảo Trâm
nhịp cầu đầu tư
|