CPI tháng 4 nói lên điều gì?
Nếu các số liệu vĩ mô trong quý 1/2012 cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu đình đốn sản xuất, thì con số CPI tháng 4 dường như đang xác nhận chắc chắn tình trạng đình trệ của nền kinh tế.
* CPI cả nước tháng 4 tăng 0.05%
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cả nước chỉ tăng ở mức rất khiêm tốn 0.05% so với tháng 3/2012, và tăng 10.54% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong đó, CPI nhóm Giao thông tăng mạnh nhất với 2.67% so với tháng trước do đợt điều chỉnh tăng giá xăng ngày 7/3 vừa qua. Ở chiều ngược lại, CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục sụt giảm 0.8% so với tháng 3. Chỉ số giá ở các nhóm hàng khác đều không có sự biến động nào lớn, ngoại trừ mức tăng 1.63% của nhóm Giáo dục.
Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, CPI tháng 4 cũng biến động không đáng kể, lần lượt -0.03% và 0.08% so với tháng 3/2012.
Nhìn vào biểu đồ bên dưới cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 hầu hết các năm từ 2005 đến 2011 đều ở mức thấp, nhưng nhìn chung vẫn có tăng so với tháng trước; ngoại trừ sự khác biệt trong hai năm 2008 và 2010 do CPI tháng 3 ở giai đoạn này đã duy trì ở mức khá cao.
Riêng CPI tháng 4/2012 đạt mức thấp kỷ lục 0.05% so với cùng kỳ các năm trước. Điều đáng nói ở đây là CPI tháng 4 được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi đợt tăng giá xăng hơn 10% (tương đương 2,100 đồng/lít) vào ngày 7/3 được phản ánh hầu hết vào giá cả trong tháng này.
Theo tính toán của tổ điều hành liên Bộ, việc tăng giá xăng ngày 7/3 sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2012 tăng 0.85%, trong trường hợp giữ giá đến hết năm. Cụ thể, tác động trực tiếp ở vòng 1 là 0.24%; và tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu ở vòng 2 là 0.61%.
Như vậy, có thể nói diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng gần đây đã vượt ngoài khả năng dự báo của hầu hết các chuyên gia.
CPI tháng 4 nói lên điều gì?
Trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng Giao thông đã có sự điều chỉnh theo như kỳ vọng do tác động trực tiếp từ việc điều chỉnh tăng giá xăng ngày 7/3. Tuy nhiên, chỉ số giá ở các nhóm hàng khác hầu hết không có sự biến động đáng kể nào (ngoại trừ nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống và Giáo dục) bất chấp những ảnh hưởng lan truyền từ việc điều chỉnh này.
Với trọng số lớn, mức giảm 0.8% của CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã có tác động kiềm chế mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này một phần được giải thích là do hiện tượng thịt heo siêu nạc, sản xuất lương thực, thực phẩm được mùa…
Một nguyên nhân quan trọng khác là sức mua hàng hóa của người dân sụt giảm đã khiến cho người bán phải giữ hoặc hạ giá để tìm đủ người mua. Hay nói cách khác, tổng cầu sụt giảm đã khiến mức độ lan tỏa từ chi phí xăng dầu không đủ để tạo nên tác động tăng giá mạnh ở các nhóm hàng hóa khác.
Nếu các số liệu vĩ mô trong quý 1/2012 như chỉ số SXCN, hàng tồn kho, tăng trưởng GDP và số lượng doanh nghiệp đóng cửa cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu đình đốn sản xuất, thì con số CPI tháng 4 dường như xác nhận chắc chắn tình trạng đình trệ của nền kinh tế.
Mới đây, chiều tối ngày 20/04, liên Bộ Tài chính – Công thương tiếp tục cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Cụ thể, tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít (3.93%), diezel 500 đồng/lít (2.34%), dầu hỏa 600 đồng/lít (2.88%), dầu madut 400 đồng/kg (2.13%).
Theo tính toán của cơ quan, đợt điều chỉnh tăng lần này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm khoảng 0.3% và chưa gây áp lực lên lạm phát.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn đình trệ thì việc đánh giá ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu lần này lên lạm phát đã không còn có nhiều ý nghĩa nữa. Thay vào đó, việc xác định mức độ tác động cũng như khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và người dân là điều cần thiết hơn.
Hoàng Vũ (Vietstock)
finfonet
|