CPI tăng thấp vì hàng hóa ứ thừa
Hàng hóa ứ thừa, tồn kho lớn do sức mua sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tiếp tục tăng thấp ở mức 0,05% so với tháng 3. Nguy cơ thiểu phát rất có thể xảy ra và doanh nghiệp, người dân đang rất cần những biện pháp kích cầu của cơ quan quản lý, theo các chuyên gia kinh tế.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 23-4 sau khi có thông tin về CPI tháng 4, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định, con số 0,05% mà Tổng cục Thống kê công bố đã phản ánh đúng tình hình thực tế.
Xét một cách trực quan, trong tháng 4, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm chiếm tới tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa đã giảm giá so với tháng 3. Các mặt hàng, dù giá xăng dầu tăng liên tiếp 2 lần trong tháng 3 và tháng 4 nhưng giá không tăng được do tồn kho lớn khi tiêu thụ sụt giảm mạnh. "Nguyên nhân lạm phát của Việt Nam đã chuyển sang sự sụt giảm của tổng cầu chứ không nằm ở việc tăng giá cả hàng hóa", ông Ánh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, diễn biến của CPI tháng 3, tháng 4 năm nay khác với quy luật thường thấy mọi năm, nhất là năm 2008, tức là tăng thấp dù giá xăng được điều chỉnh hai lần.
Theo ông Long, nếu so với năm 2008, thời điểm giá xăng tăng cao đẩy chỉ số giá tăng lớn thì bối cảnh năm nay hoàn toàn khác biệt.Thứ nhất, đó là do chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Thứ hai, quan trọng hơn là giá cả các mặt hàng duy trì ở mức cao, thu nhập sụt giảm khiến sức mua bị giảm mạnh làm cho hàng hóa ứ thừa, tồn kho, sản xuất đình trệ.
Theo ông Ánh, căn cứ vào diễn biến này của CPI tháng 4, có thể nói rằng mục tiêu lạm phát cả năm một con số có thể đạt được, thậm chí có thể CPI chỉ tăng 5-6%. Nhưng nếu trường hợp CPI chỉ tăng 5-6% xảy ra thì đó là một mối nguy chứ không phải điều đáng mừng bởi đó là biểu hiện của thiểu phát, xử lý còn khó hơn kéo lạm phát xuống.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, đối tượng chịu áp lực nhất hiện nay là các doanh nghiệp khi phải vật lộn với câu chuyện đầu vào - đầu ra. Ở khâu đầu vào, các chi phí tăng khi nguyên vật liệu sản xuất như xăng dầu, lãi suất vay vốn ngân hàng ở mức cao. Còn ở đầu ra, một áp lực lớn hơn cả chuyện đầu vào là hàng hóa tiêu thụ chậm, lượng tồn kho lớn. Thực tế này đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám tăng giá hàng hóa mà “cắn răng” chịu đựng.
Theo ông Ánh, nếu đầu ra của doanh nghiệp không giải quyết được thì tình hình rất nguy hiểm. Lúc đó, những vấn đề của đầu vào cũng không còn ý nghĩa.
Điều doanh nghiệp đang trông chờ lúc này là Chính phủ có những chính sách kích cầu, tổng lực nhiều biện pháp để gỡ nút thắt trên. Ông Long cho rằng, quan trọng là làm sao đưa lãi suất về mức hợp lý, chấp nhận được để doanh nghiệp có vốn, duy trì sản xuất. Bên cạnh đó là các biện pháp giảm thuế, “khoan sức” cho cả doanh nghiệp lẫn người dân để kích thích nhu cầu mua sắm.
Minh Tâm
TBKTSG ONLINE
|