Tái cơ cấu: Bàn nhiều, làm được bao nhiêu?
Không mới, không đột phá là những gì mà đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đang bị nhiều chuyên gia kinh tế cho là chưa đạt. Nhưng ngược lại, những giải pháp tái cơ cấu tưởng như đã cũ rích, cày xới nhiều lần trên các diễn đàn rồi, liệu đã được làm đến nơi đến chốn hay chưa?
Dư địa cải cách thể chể đang rất lớn
Hầu hết các ý kiến đóng góp đều cho rằng, đề án cần phải đặt vấn đề cải cách thể chế là ưu tiên số 1, phải đi trước tiên. Tuy nhiên, nội dung cải cách thể chế lại thể hiện dấu ấn rất rõ nét trong đề án này. Chỉ khác rằng, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vị chuyên gia vốn từng phát biểu mạnh mẽ về vấn đề cải cách thể chế lại không nhấn mạnh một cách khu biệt vấn đề này như một giải pháp độc lập, đầu tiên khi soạn thảo đề án.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, dư địa nâng cấp thể chế của chúng ta còn rất lớn. Đó chính là việc đổi mới phần lớn hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh hiện nay.
"Tôi không rõ, mọi người nói đột phá cái gì, ở đâu, như thế nào, thể chế nói đến là thể chế nào. Nhưng nếu nói về thể chế ở đây, đó chính là đổi mới căn bản cách thức quản lý đầu tư, đổi mới cách thức phối hợp phát triển vùng, đổi mới cách thức quản lý vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp hay cách thức quản lý DNNN nói chung", ông Cung chia sẻ.
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, mục tiêu cốt yếu của đề án là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chìa khóa để đạt mục tiêu này chính là việc thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực trong xã hội nhằm làm cho nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn. Vậy thì, những biện pháp nào khả thi, đạt mục tiêu đó thì sẽ được ưu tiên lựa chọn và dễ đạt sự đồng thuận, chấp nhận hơn.
Ông Cung cho rằng, trong hệ thống tư duy hiện nay vẫn đang cho phép chúng ta làm việc đó. Khi dư địa cải cách, nâng cấp thể chế còn lớn, còn chưa khai thác hết thì cần phải tận dụng khai thác hết dư địa này. Sau những cuộc thảo luận như hiện nay, trải qua một thời gian, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thì có thể sẽ cần đến một cấp độ cải cách mang tính thay đổi toàn diện hơn.
Nói cách khác, nhìn lại 13 giải pháp của đề án, dù không nhắc đến cụm từ "cải cách thể chế" thì bản chất ở từng nhóm giải pháp, đều mang nội hàm vấn đề này.
Đơn cử như ở nhóm giải pháp thứ hai về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đề án đặt yêu cầu phải sớm sửa đổi Luật ngân sách Nhà nước. Ở nhóm giải pháp thứ 3 về sử dụng vốn Nhà nước, đề án đề nghị phải sớm ban hành Luật Quản lý đầu tư công, Nghị định quản lý đầu tư trung hạn...
Đáng chú ý hơn, tại nhóm giải pháp thứ 4 về đổi mới toàn diện cơ chế quản lý DNNN, bản đề án này cũng đặt vấn đề phải có cơ chế áp đặt nguyên tắc thị trường cạnh tranh đối với DNNN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, có cơ chế minh bạch, công khai thông tin, thậm chí, công bố cả thông tin về nhân thân, trình độ chuyên môn của những vị lãnh đạo các DNNN...
Một loạt các Luật như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... cũng yêu cầu phải sửa đổi sớm trong nhóm giải pháp thứ 5 về hoàn thiện thể chế thị trường.
Một cách thẳng thắn, TS Cũng nói rằng, chính vấn đề cải cách thể chế này muốn nhanh, muốn mạnh lại nằm ở Quốc hội. Ngay như việc sửa Chương 2 của Hiến pháp, hoàn thiện khung pháp lý thì Quốc hội phải khẩn trương hơn.
Chỉ khi nào, chúng ta thay đổi hệ thống động lực khi phân bổ nguồn lực trong xã hội theo các nguyên tắc như công khai, bình đẳng, hiệu quả... thì sẽ giảm bớt cơ chế xin cho, bớt đi dư địa cho loại hình kinh doanh chỉ tìm kiếm địa tô, đầu cơ trục lợi, và thúc đẩy tìm kiếm lợi nhuận dựa trên cạnh tranh, công nghệ, sáng tạo...
Nhiều ý kiến các chuyên gia phản biện đòi hỏi, đề án tái cơ cấu phải đào đến tận gốc vấn đề: như vấn đề nhân sự cấp cao, như quan điểm kinh tế thị trường như thế nào, quan điểm kinh tế Nhà nước hay tư nhân là chủ đạo?
Nhưng nếu đứng ở phương diện người chủ trì, với mong muốn phải sớm đưa đề án vào cuộc sống, các nhà soạn thảo đề án thường sẽ phải chọn một cách khôn khéo hơn, đi đường vòng thay vì đường thẳng.
Dù không nhắc đến một dòng nào về đổi mới tư duy kinh tế thị trường thì có nhiều giải pháp đưa ra sẽ đòi hỏi, phải thay đổi các đầu mới thực hiện được. Ví như cụm giải pháp áp đặt nguyên tắc thị trường với DNNN, loại bỏ 4 ưu tiên cho DNNN do thể chế hiện hành tạo ra như đặc quyền tiếp cận thông tin từ cơ quan quản lý NN, tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng và tham vấn chính sách.
Xét ở góc độ nào đó, lo ngại đề án nếu đi thẳng vào những giải pháp vượt quá tầm quyết định ở một kỳ họp Quốc hội, lo ngại tình trạng bàn nhiều, bàn mãi và đi đến ngõ cụt không phải là không có cơ sở đối với chính đơn vị chắp bút đề án này.
Vẫn đang nói nhiều, làm ít
Thử nhìn lại tiến trình tái cơ cấu ở 3 khu vực ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công, có thể hiểu lo ngại trên là chính đáng.
Đánh giá sơ bộ, ông Nguyễn Đình Cung, cho đến nay, tái cơ cấu ngành ngân hàng làm nhanh và mạnh nhất. Kết quả đã thể hiện rõ ở mức nhất định và góp phần ổn định lại thị trường tài chính, lãi suất, từ đó, góp phần rất lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Động thái mạnh mẽ nhất là vụ sáp nhất 3 ngân hàng yếu thanh khoản hồi đầu năm nay, là việc công bố nhóm ngân hàng đáp ứng chỉ tiêu về tăng trưởng tin dụng...
Đối với tái cơ cấu đầu tư công, chiến dịch này đã làm được một việc hết sức quan trọng là chấm dứt cơ chế đầu tư dàn trải phân tán thiếu cục bộ. Vốn của năm 2012 đã được phân bố tập trung hơn, đồng bộ hơn ưu tiên hơn, dù mới là ưu tiên theo tiêu chí tốc độ hoàn thành thay vì tiêu chí tính hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu đầu tư công không thể có sớm ngày một ngày hai như với tái cơ cấu ngân hàng, có thể phải chờ một năm sau mới có.
Lĩnh vực thứ ba, ra đời sớm nhất nhưng lại chậm chạp nhật, là tái cấu trúc DNNN. Cho đến nay, chương trình cổ phần hóa đang dậm chân tại chỗ, Bộ Tài chính mới chỉ làm được một việc là yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty ký cam kết cắt giảm 5-10% giá thành sản xuất, tiết kiệm chi tiêu.
Nhìn một cách công bằng, hầu hết các giải pháp tái cơ cấu 3 bộ phận trên đều đã được bàn thảo rất nhiều lần, thậm chí, đã được thể chế hóa bằng các Nghị định... nhưng, thực tế vẫn không thực hiện được.
Chẳng hạn như, tái cơ cấu đầu tư công đã đi được 3 năm, với tiền đề là cuộc rà soát, cắt giảm đầu tư công hồi năm 2009 nhưng đến nay, tính hiệu quả vẫn chưa đạt. Có tới hơn 4.600 dự án có sử dụng trên 30 vốn Nhà nước vẫn chậm tiến độ, 145 dự án vốn ngân sách vẫn vi phạm, thất thoát và lãng phí.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, xương sống của tái cấu trúc DNNN bấy lâu này được nói tới nhiều nhất là chương trình cổ phần hóa. Tuy được khởi động vào năm 1992, tức đã có thâm niên 20 năm nhưng hiện nay, ngày càng chậm.
Trong bốn năm, từ 2008 đến 2011, chỉ có 117 DNNN được cổ phần hóa - tức là tương đương với số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm 2007 và thấp hơn nhiều lần so với mấy năm trước đó. Nguyên nhân của sự đình trệ trong tiến độ cổ phần hóa thì nhiều, một là do bong bóng chứng khoán vỡ năm 2008 và thứ hai là do cổ phần hóa kiểu "nắm lớn, buông nhỏ". Hậu quả là hiện, những DNNN còn lại nằm trong danh sách cổ phần hóa đa phần có quy mô vừa và lớn, thậm chí rất lớn.Với những xung đột về lợi ích, tới đây, khó mà hi vọng sẽ có kết quả đột biến cổ phần hóa vào những năm tới.
"Chương trình cổ phần hóa cho đến thời điểm này không những chưa đạt được mục tiêu về số lượng, mà còn chưa góp phần chuyển đổi sở hữu nhà nước một cách đáng kể. Không những thế, tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu giữ lại của nhà nước có khuynh hướng tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp lớn, tỷ lệ sở hữu của nhà nước thường chiếm vai trò chi phối. Kết quả là hệ thống quản trị doanh nghiệp không được thay đổi đáng kể, và do vậy kết quả kinh doanh cũng ít được cải thiện", TS Vũ Thành Tự Anh đánh giá.
Cũng vì thế, TS Cung cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là hành động và quyết tâm chính trị lớn. Khi tinh thần tái cơ cấu kinh tế ngấm tới từng địa phương, từng cán bộ chủ chốt thì từ đó, mới mong có sự thay đổi toàn diện.
Phải chẳng, trong 13 nhóm giải pháp, chỉ cần thực hiện một phần những cái không mới, không đột phá thì nền kinh tế cũng đã bớt đi được phần nào căn bệnh yếu kém nội tại hiện nay?
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|