Sửa Thông tư 13: Đích ngắm lãi suất hay ngân hàng nhỏ?
Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung ra hàng loạt chính sách đối với thị trường tiền tệ và ngân hàng. Mới đây nhất NHNN lấy ý kiến về dự thảo thông tư mới sửa đổi một số nội dung Thông tư 13. Trước đó, NHNN cũng cho biết sắp giảm trần lãi suất xuống 12%. Vậy, mục tiêu chính đằng sau những chính sách này là hạ lãi suất hay là buộc các ngân hàng nhỏ phải tái cấu trúc?
Đích ngắm lãi suất?
Cách đây gần 2 năm thị trường tài chính “sôi sục” và thị trường chứng khoán chao đảo khi NHNN cho biết sẽ ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Thông tư này. Sau đó, vài ngày trước khi Thông tư 13 có hiệu lực, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2010/TT-NHNN để sửa một số quy định tại Thông tư 13.
Cuối tuần trước, NHNN công bố dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13. Dự thảo thông tư này đã có những bước tiến bộ rất lớn so với trước đây khi đưa ra nhiều quy định chặt chẽ và dễ thực thi hơn. Dự thảo thông tư cũng thay đổi một số định nghĩa về các khoản mục để tính tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đặc biệt, dự thảo đưa ra hai thay đổi quan trọng. Một là hệ số tài sản có rủi ro tín dụng đối với bất động sản và chứng khoán từ 250% xuống còn 150%. Theo giải thích của NHNN lý do của việc giảm này là do hiện nay chứng khoán và bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là danh mục được xếp vào nhóm không khuyến khích và đang bị giới hạn tỷ lệ tối đa 16%.
Thứ hai là nâng tỷ lệ cho vay so tổng tiền gửi (LDR) của TCTD và Công ty tài chính lần lượt từ 80% và 85% lên 90% và 100%. Kèm theo sự thay đổi tỷ lệ thì định nghĩa về cho vay, tiền gửi cũng đã thay đổi. Cho vay bao gồm vốn uy thác, trong khi đó tiền gửi bao gồm 100% khoản tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (theo Thông tư 19 chỉ có 25%). Tuy nhiên, tiền gửi không bao gồm tiền gửi TCTD khác.
Với hai thay đổi căn bản đó, người ta kỳ vọng nó sẽ giải phóng một lượng tiền lớn cho hệ thống ngân hàng. Việc giảm hệ số rủi của các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán sẽ làm cho hệ số CAR của các ngân hàng được cải thiện. Hiện tại, hệ số CAR của nhiều ngân hàng chỉ quanh mức 9%, thậm chí thấp hơn. Vì vậy việc thay đổi cách tính này sẽ khiến cho nguồn tín dụng cho chứng khoán và bất động sản sẽ “rộng cửa hơn”.
Việc tăng tỷ lệ LDR đồng thời tính luôn khoản tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức vào nguồn vốn huy động đã làm chi phí vốn giảm và giải phóng một lượng tiền lớn cho hệ thống ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách sẽ hỗ trợ cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Đích ngắm những ngân hàng nhỏ?
Mặc dù LDR được tăng lên khá mạnh nhưng lại không tính tiền gửi của TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào “tiền gửi”. Quy định này sẽ làm cho những TCTD vay vốn liên ngân hàng để cho vay lại buộc phải giảm dư nợ để đáp ứng tỷ lệ theo quy định. Xét về mặt quản lý thì rõ ràng đây là một chính sách tích cực vì giảm được hiện tượng các ngân hàng vay mượn lẫn nhau làm tăng rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác điều này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng nhỏ thường vay vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay lại.
Ngoài ra, một quy định quan trọng khác là dự thảo thông tư đưa ra quy định về việc đánh giá giá trị thực vốn của ngân hàng. Khi vốn thực thấp của vốn hơn 10% vốn điều lệ sẽ bị kiểm soát, hạn chế hoạt động, cơ cấu lại danh mục tài sản. Khi giá trị thực thấp của vốn hơn 20% vốn điều lệ TCTD sẽ bị cơ cấu lại. Như vậy, những ngân hàng yếu kém nếu nợ xấu được đánh giá một cách đầy đủ thì hoàn toàn có khả năng rơi vào những trước hợp này.
Trước đó, NHNN mới ban hành Thông tư 06, theo đó TCTD sẽ nhận được các khoản vay đặc biệt từ NHNN hoặc một TCTD khác khi gặp khó khăn trong thanh khoản. Tuy nhiên, một điều kiện khắt khe cũng được “tung ra” dành cho các ngân hàng nhận được khoản vay đặc biệt, khi không trả được nợ đúng hạn sẽ phải chịu lãi phạt bằng 150% lãi suất vay. Không những vậy, khoản cho vay đặc biệt này này còn có thể chuyển thành khoản góp vốn hoặc mua cổ phần của NHNN, TCTD cho vay tại TCTD đi vay. Theo đánh giá các chuyên gia tài chính, quy định này đã tạo ra một hành lang pháp lý cho việc các TCTD mất thanh khoản buộc phải sáp nhập, bán cổ phần cho NHNN hoặc TCTD khác.
Mới đây NHNN còn cho biết sẽ giảm lãi suất trần huy động về 12%. Mục đích của việc giảm lãi suất này được giải thích là để hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thực tế và lý thuyết đều chỉ ra rằng giảm lãi suất huy động không có tác dụng trong việc giảm lãi suất cho vay, thậm chí còn có tác dụng ngược. Không những vậy, hệ quả nhãn tiền có thể thấy rõ là những ngân hàng nhỏ, thiếu thanh khoản càng trở nên khó khăn do khó huy động vốn.
Như vậy, một loạt chính sách “liên hoàn” đó có thể làm cho ngân hàng nhỏ khó càng thêm khó. Một khi những ngân hàng này bị “đuối sức” sẽ càng dễ dàng bị thâu tóm sáp nhập. Điều này cũng phù hợp với những mục tiêu trong đề án “Tái cơ cấu TCTD năm 2011-2015” và tuyên bố của Thống đốc NHNN trước đó là sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng.
Huỳnh Bá (Vietstock)
Finfonet
|